Suất trụ hạng V-League: Khi cái gì cũng có thể đem ra trao đổi
Thứ Bảy 13/10/2018 08:19(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên V-League 2018 chỉ mới khép lại nhưng người ta bắt đầu toan tính về những vụ nhường suất cho nhau để lên chơi mùa tới. Hóa ra công cuộc cải cách để V-League thêm hấp dẫn chỉ mang tính hình thức.
Tăng suất trụ hạng để làm gì?
Từ V-League 2018, VPF tăng suất trụ hạng từ 1 lên thành 1.5, nghĩa là ngoài một đội bét bảng phải xuống hạng thẳng, đội đứng áp chót sẽ đá play-off tranh suất đá mùa sau với đội á quân giải hạng Nhất. Ngoài Cần Thơ xuống hạng để thế chỗ bằng Viettel - mùa sau lấy lại tên "Thể Công", trận play-off sẽ là cuộc đấu giữa Nam Định vs Hà Nội B.
|
Cần Thơ xuống hạng nhưng có thể xuất hiện ở V-League mùa sau ở hình hài một đội bóng khác. |
Nhưng khi trận play-off còn chưa diễn ra, những thông tin hành lang về việc Cần Thơ vẫn sẽ ở lại V-League mùa sau liên tục xuất hiện. Một đội bóng miền Nam sẽ được "bê cả cụm" đến xứ sông nước, đổi tên thành Cần Thơ để miền Tây thoát khỏi cảnh sạch bóng đại diện ở đấu trường cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Nếu điều ấy là thật, thì đội bóng sắp bị chuyển hộ khẩu sẽ đổi tên ba lần chỉ trong vòng ba năm để tiếp tục cuộc sống du mục nay đây mai đó.
Còn về Hà Nội B dù chưa đá play-off nhưng đã được chuyển khẩu về Hà Tĩnh để đủ điều kiện lên chơi ở V-League mùa sau, tất nhiên trong trường hợp thắng được Nam Định FC. Vấn đề là ngay cả khi có thua cuộc, Hà Nội B nhiều khả năng vẫn lên V-League mùa sau với tư cách đại diện cho Hà Tĩnh bằng cách mua suất của một đội bóng miền Nam khác.
|
Hà Nội B kể cả thua trận play-off vẫn có cơ hội chơi ở V-League mùa sau. |
Sa thải HLV, nhiều cầu thủ trụ cột bắn tin muốn ra đi do BLĐ đội bóng lấp lửng ý rằng nhà tài trợ không đạt được thỏa thuận với thành phố về một số dự án, đồng nghĩa với việc dừng nuôi đội. Nghĩa là một đội bóng ở V-League có nguy cơ biến mất khỏi bản đồ bóng đá, hoặc không đủ điều kiện để đá ở V-League mùa sau.
Nếu điều đó xảy ra, Hà Nội B dù có thua vẫn có suất lên hạng khi được đứng sau bởi một tập đoàn có thực lực. Nghĩa là việc tăng suất hóa ra chỉ mang tính hình thức, khi thực chất việc đội nào lên hay xuống hạng đã có... phương án từ trước.
Vẫn là cuộc chơi của các ông bầu
Trong bối cảnh làm bóng đá không ra tiền như hiện nay, sự phụ thuộc của các đội bóng vào những ông bầu gần như là tuyệt đối. Đội nào có ông bầu "mạnh vì gạo" thì có đãi ngộ tốt, cơ hội cạnh tranh cao, đội nào chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách địa phương hay hợp đồng tài trợ tự kéo về thì chỉ cố gắng tìm kiếm sự tồn tại ở V-League.
Thế nên mới có chuyện tiếng nói của ông bầu mang tính quyết định lớn hơn tất thảy. Ông bầu nói đội bóng chuyển đi đâu thì đội bóng chuyển vào đấy, đổi tên ra sao thì cũng phải đổi. Ngay cả VPF cũng bị chi phối lớn bởi giờ một vài ông bầu mà dứt ra khỏi bóng đá, đảm bảo V-League càng trở nên thê thảm khi các đội bóng không có tiền đầu tư.
|
Suất trụ hạng V-League 2018 tăng nhưng bị đánh giá chỉ mang tính hình thức. |
Chuyện nhường nhau suất lên, xuống hạng tất nhiên khó tồn tại ở môi trường chuyên nghiệp nhưng VPF buộc phải chấp nhận vì "không sai về nguyên tắc". Bóng đá Việt Nam hay V-League giờ vẫn bị đánh giá là non trẻ, đang trong quá trình phát triển và kêu gọi đầu tư, VPF tất nhiên chẳng thể quay lưng với những nhà đầu tư sẵn sàng làm bóng đá trong bối cảnh nhiều đại gia chẳng còn mặn mà.
Mùa sau, Thể Công sẽ trở lại với nền tảng tài chính hùng mạnh của Viettel. Rồi SLNA nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ bởi tập đoàn VinGroup. Điều đó đồng nghĩa với việc V-League sẽ dần thoát khỏi cảnh "một màu" khi một ông chủ nắm quyền kiểm soát vài đội bóng nhưng không đồng nghĩa với việc bóng đá vẫn bị chi phối bởi sự điều đình từ các ông bầu, bởi các CLB làm gì có khả năng kiếm ra tiền để tự nuôi bản thân.
Như Đạt (TTVN)