Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Sự cố Long An: Phản ánh mặt trái của xã hội

Thứ Năm 23/02/2017 19:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sự cố Long An phản ánh một thực trạng rất đáng buồn không chỉ của nền bóng đá Việt Nam, mà còn cả một xã hội đang hoang mang tìm lại đức tin.

 
Tay làm, miệng kêu
 
Chuyện giao thông ở Việt Nam đã thành chuyện... muôn thuở, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh. Rất nhiều người dân phàn nàn về vấn đề tắc đường, kẹt xe nhưng liệu có mấy ai tuân thủ đúng luật. Đèn chưa chuyển sang xanh, một loạt phương tiện ùa lên bất chấp tín hiệu giao thông, thứ biểu trưng cho luật lệ phía trước.
 
Su co Long An Phan anh mat trai cua xa hoi hinh anh
Minh Nhựt và Long An thể hiện mặt trái rất xấu của người Việt khi bản thân thích làm sai luật nhưng đòi hỏi người khác phải làm đúng luật.

Một chiếc xe hơi nào đó chưa kịp qua ngã tư phải dừng lại vì dòng người vượt đèn đỏ phi vèo vèo ngay trước mặt. Ngã tư đối diện thấy người ta vượt được mình cũng vượt được, thế là cố đi lên. Thế là tắc, là kẹt. Thế là có nhiều người than vãn "sao làm đường bé thế" hay "sao không có phương án giảm ách tắc". Người ta vượt đèn đỏ thì cứ vượt, lúc tắc than vãn thì cứ than vãn.
 
Đó là chưa kể những chỗ không có dải phân cách cứng khi có đèn đỏ, ai cũng đòi lên đứng đầu như xếp hàng thời bao cấp. Thế là dàn hàng ngang. Thế là đèn xanh các phương tiện đối diện đi tới không di chuyển được. Thế là tắc. Thế là tiếp tục điệp khúc than vãn về cơ quan quản lý.
 
Chuyện của bóng đá
 
Không thể gọi hành động của Long An là bột phát. Nó diễn ra có hệ thống hẳn hoi. Nguyên Chủ tịch Long An, Võ Thành Nhiệm trong cơn tức giận tuyên bố: "Trọng tài muốn chúng tôi thua. Muốn vậy thì chúng tôi chiều, cứ đá đi. Bây giờ chúng tôi gỡ lại thì cũng thua tiếp thôi, cầu thủ lại mất sức nữa. Nên chúng tôi cho đội bạn muốn ghi bao nhiêu quả thì ghi".
 
Cổ động viên Long An thì ăn mừng một cách "đầy tự hào" như thể đội bóng của họ vừa chiến thắng, thủ thành Minh Nhựt giơ ngón tay cái hay lộn nhào trên sân để trêu tức trọng tài,... Tất cả thể hiện sự thiếu tôn trọng luật lệ theo kiểu "tôi thích làm gì thì tôi làm", thứ lẽ ra không bao giờ được phép xuất hiện ở xã hội pháp quyền.
 
Chủ tịch Nhiệm đòi công an vào cuộc, cầu thủ Long An đòi xem xét quyết định của trọng tài. Họ yêu cầu người khác phải tuân thủ luật. Nhưng họ đã tuân thủ luật chưa? Lời bào chữa chẳng ai chỉ đạo các cầu thủ đứng yên của ban lãnh đạo khi dư luận sục sôi chỉ đổ thêm dầu vào lửa, bởi các cầu thủ có dám làm thế nếu ban lãnh đạo kiên quyết?
 
Su co Long An Phan anh mat trai cua xa hoi hinh anh 2
Ông Võ Thành Nhiệm xin từ chức sau sự cố, nhưng có lẽ là quá muộn. 
Chớ vội đổ lỗi cho trọng tài. Hãy nhìn bên "trời tây". Hull City thua Arsenal bởi bàn thắng chạm tay của Alexis Sanchez, trọng tài xin lỗi các cầu thủ sau khi xem lại băng ghi hình. Hull chấp nhận lời xin lỗi ấy và tiếp tục chiến đấu 45 phút còn lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đừng quên rằng Hull cũng nằm trong nhóm có nguy cơ xuống hạng cao.
 
Hay chuyện của Chelsea khi bị "xử ép" trong trận bán kết lượt về Champions League 2008-09 gặp Barcelona. Các cầu thủ Chelsea có la hét với trọng tài đấy nhưng họ chiến đấu như những người đàn ông, chứ không phản ứng theo cách của những đứa trẻ. 
 
Không thể so sánh vì "họ chuyên nghiệp", bởi lời ngụy biện ấy càng làm lòi ra cái đuôi thiếu chuyên nghiệp của V-League. Cũng đừng đổ tại cho văn hóa bởi bóng đá châu Âu là tập hơn của rất nhiều cầu thủ đến từ cả thế giới, thế nên điều cơ bản giúp các cầu thủ hành xử đúng mực là sự tôn trọng luật, bắt nguồn từ những án phạt đủ sức răn đe.
 
Hành động của Long Anh thể hiện rất rõ mặt trái của rất nhiều người Việt Nam hiện nay: Sẵn sàng làm sai luật nhưng đòi hỏi người khác phải đúng luật.
 
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Dòng sự kiện

Sự cố Long An

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X