Thứ Năm, 09/05/2024Mới nhất
Zalo

Nghiệp dư như V-League

Thứ Ba 21/07/2015 15:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Dù V-League đã lên chuyên được ngót nghét 15 năm, tuy nhiên người ta vẫn chưa thấy những dấu hiệu của sự chuyên nghiệp ở đâu thì đã lại lòi ra những cái nghiệp dư đến hài hước.

Nghiep du nhu giai bong da vo dich quoc gia Viet Nam V-League hinh anh
Các trận đấu được quay với chất lượng rất tệ

Những mùa giải gần đây, mặc dù đã có sự đột phá lớn về số lượng nhà đài phát sóng các trận đấu tại giải bóng đá V-League, tuy nhiên số lượng thì nhiều mà chất lượng thì chưa thấy đâu. Chẳng hạn như ở trận đấu tâm điểm giữa “hiện tượng” HAGL và đương kim vô địch Becamex Bình Dương ở vòng đấu vừa rồi, chỉ có nhà đài địa phương là BTV chịu trách nhiệm phát sóng. Thế nhưng chất lượng của những thước phim này thậm chí còn kém hơn cả chất lượng 240p của những video trên Youtube chứ chưa nói gì đến các chuẩn SD hay HD. Đây cũng là trận đấu mà người tệ nhất chắc chắn không phải cầu thủ nào của Bình Dương mà chính là nhà đài. Nhưng đây cũng chỉ là tình hình chung của của các đài địa phương. Thậm chí ngay cả đài truyền hình quốc gia như VTV cũng không thể phát nổi một trận đấu theo tiêu chuẩn HD. Đó chính là một phần lý do khiến cuộc tranh cãi ở vòng 15 về việc bóng đã chạm tay Đình Tùng của Thanh Hóa hay chưa trong trận thắng HAGL vẫn chưa thể đi đến hồi kết

Chẳng nói đâu xa, những giải đấu trong khu vực cũng đã quay được theo chuẩn HD từ lâu. Thái Lan và Singapore chính là những nước đi tiên phong. Các trận đấu của Thái hiện giờ rất có chất lượng về mặt hình ảnh khi tất cả đều được phát sóng với dạng chuẩn “Full HD”, tức là nét hơn rất nhiều so với chất lượng HD thông thường. Nếu như có thể giải thích rằng hai cường quốc kinh tế ASEAN này được cho là có cơ sở vật chất tốt hơn Việt Nam thì chúng ta có thể nhìn sang… Lào mà học tập. Giải vô địch quốc gia nước này đã bắt đầu rục rịch phát sóng những trận đấu theo chuẩn HD từ mùa giải năm nay. Ngay cả cách xử lý hình ảnh cũng không được chuyên nghiệp. Có thể thấy những trận đấu được phát trên sóng VTV, khi đến những phút 45 hay 90 là máy quay chuyển sang quay trọng tài biên đang giơ biển báo bù giờ mà không quan tâm trận đấu có tình huống nguy hiểm, hay thậm chí là bàn thắng.

Nếu như các nhà đài vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ thì một bộ phận CĐV Than Quảng Ninh cũng đang khiến cho chất lượng các trận đấu của đội nhà bị ảnh hưởng. Theo phản ánh của nhiều người hâm mộ, các CĐV ở sân Cẩm Phả thường mở loa và nhạc quá to ngay trong khi trận đấu đang diễn ra. Điều này khiến sự tập trung của các cầu thủ bị ảnh hưởng rất nhiều. Ở World Cup 2010 tại Nam Phi, nhiều người cũng phàn nàn về những tiếng kèn khó chịu từ những chiếc Vuvuzela truyền thống của đất nước châu Phi này. Tiếng nhạc quá to nhiều lúc còn khiến các cầu thủ dưới sân muốn truyền đạt những thông điệp cho nhau gặp trở ngại lớn. Sân Cẩm Phả được coi là có sức nóng thuộc top 10 Đông Nam Á, nhưng có lẽ các CĐV đất mỏ cần có những phương án cổ vũ chuyên nghiệp và ít ồn ào hơn.

Nghiep du nhu giai bong da vo dich quoc gia Viet Nam V-League hinh anh 2
Thế Dương đã có tình huống phản lưới ngớ ngẩn

Sự nghiệp dư của V-League còn được chứng minh từ những vấn đề liên quan đến chuyên môn. Pha đá phản lưới nhà của tiền vệ rất được đánh giá cao Thế Dương ở vòng đấu vừa qua thực sự rất khó hiểu và khiến FLC Thanh Hóa rời khỏi Long An với hai bàn tay trắng. Thế Dương là tiền vệ sở hữu những tố chất kĩ thuật rất tốt. Anh cùng lứa với Lê Quốc Phương và cũng có thể hình, lối chơi rất giống nhau. Tuy nhiên trong một ngày được xếp đá hậu vệ phải, Thế Dương đã có một tình huống xử lý rất khó hiểu khi đá phản lưới nhà mà không chịu sức ép của bất kỳ tiền đạo nào của đối phương. Có thể nói do mới trở lại sau quãng thời gian hơn 1 năm dưỡng thương mà cầu thủ này mất đi cảm giác bóng vốn có.

Không những vậy, chỉ với một vòng đấu mà có thể kể ra rất nhiều sai lầm cơ bản, đặc biệt là ở các thủ môn. Thủ thành Khoa Điển của Đồng Tháp sau khi trở lại khỏi án treo giò đã ngay lập tức tặng cho tiền đạo Diego Fagan của đội khách Hải Phòng bàn thắng. Xuất phát từ cú sút xa ở khoảng cách chừng 30m của tiền đạo người Jamaica, Khoa Điển đã chọn đúng vị trí và giơ hai tay bắt bóng, sau đó có lẽ anh định thả bóng xuống đất để giảm tốc cũng như độ xoáy. Nhưng thay vào đó, anh đẩy bóng bay vào lưới một cách kỳ lạ mà cũng vì do chất lượng quay quá thấp nên rất khó để hiểu cặn kẽ chuyện gì đã xảy ra.

Một trong những thủ môn cũng mắc sai lầm ở vòng 17 V-League 2015 vừa rồi là Văn Hưng của SHB Đà Nẵng. Bắt nguồn từ một đường tạt bóng không quá nguy hiểm của đội khách Đồng Nai, người gác đền số 1 của đội bóng sông Hàn ôm gọn trái bóng, nhưng không hiểu sao sau đó bóng lại bị ói ra và để tiền đạo Nsi cướp thành công. Trong lịch sử V-League, những tình huống như vậy là quá đỗi bình thường. Đó cũng là lý do khiến ở ĐTQG của chúng ta, các thủ môn là những người liên tục mắc sai lầm sơ đẳng. Nếu như phong độ xuất sắc của Đinh Xuân Việt (Hải Phòng), Thanh Diệp (Đồng Nai) và Văn Tiến (HAGL) được đánh giá rất cao thì những sai lầm khó hiểu của Khoa Điển và Văn Hưng vẫn khiến cho V-League mất đi giá trị mới nhen nhóm trong mắt người hâm mộ.

Nhiều người quan tâm tới bóng đá Việt Nam vẫn tự hỏi không biết đến bao giờ V-League mới thực sự đến được với chữ “chuyên”. Ngay cả một đội hình hai của một đội bóng đứng áp chót vẫn có thể đả bại nhà đương kim vô địch như Becamex Bình Dương, cầu thủ mặc nội y sai quy định thì quả thực các nhà làm bóng đá còn rất nhiều điều phải làm.

Hàn Phi

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X