Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Nghi án Huy Hoàng "phê thuốc" qua con mắt HLV Calisto

Thứ Tư 12/09/2012 11:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Calisto - cựu HLV trưởng ĐTVN - đề cập đến chuyện của Huy Hoàng: "Chỉ có đứa trẻ 5 tuổi mới tin Huy Hoàng say rượu. Tôi không hiểu sao Huy Hoàng lại có thể mặc áo của ĐTVN khi làm những chuyện đó. Vấn đề không phải là cầu thủ có nhiều tiền, mà quan trọng hơn, họ không được giáo dục cách sử dụng đồng tiền”.

Vế đầu tiên không cần bàn tới vì dù gì thì Huy Hoàng cũng chỉ “say rượu” theo khẳng định từ lãnh đạo CLB và cơ quan chức năng. Hoàng say rượu hay say cái gì thì cầu thủ này biết và tất cả những ai từng sốc vì đoạn clip kinh hoàng trên mạng biết.

Nhưng phần sau thì ông Calisto nói đúng: “Vấn đề không phải là cầu thủ có nhiều tiền, mà quan trọng hơn, họ không được giáo dục cách sử dụng đồng tiền”. Tất nhiên không phải nói tất cả bởi thực tế thì rất nhiều cầu thủ biết quý trọng, nâng niu và tìm cách đầu tư những đồng tiền mình kiếm được bằng việc mở cửa hàng chuẩn bị cho cuộc sống hậu đời cầu thủ.

Cả chục năm sống ở Việt Nam, HLV Calisto thừa hiểu những gì đã và đang xảy ra với các học trò của mình
Cả chục năm sống ở Việt Nam, HLV Calisto thừa hiểu những gì đã và đang xảy ra với các học trò của mình

Song phần đông các cầu thủ “họ không được giáo dục cách sử dụng đồng tiền”, nói chính xác là không muốn học cách sự dụng đồng tiền một cách đúng mực. Ngạn ngữ nước ngoài có một câu rất hay: “Đặt một gã ăn mày lên lưng ngựa, hắn sẽ lập tức quất roi phi nước đại”. Dân dã và dễ hiểu hơn thì có câu “Kiếm được tiền là khó, tiêu tiền khó hơn nhiều”. Hiển nhiên, cũng chẳng ai có được cái quyền là bắt người khác phải tiêu tiền của họ như thế nào nhưng với bóng đá, cầu thủ dễ kiếm tiền và dễ kiếm nhiều quá.

Lời nhận xét của ông Calisto - người có hơn 10 năm gắn bó với BĐVN ở cả cấp CLB đến tuyển đề cập không chỉ là việc “sử dụng tiền” của các cầu thủ mà của chính CLB.  Khi ĐTQG tập trung với những câu chuyện lình xình, cũng như khi V.League 2012 khép lại với quá nhiều trăn trở, có người đã tính toán rằng mỗi năm 28 đội V.League và hạng nhất tiêu tốn khoảng 1.500 tỷ (một ngàn năm trăm tỷ). Tiêu tiền nhiều thế nhưng cuối cùng đã thu được gì?

Chúng ta đã chi tiền một cách quá dễ dãi cho bóng đá, quá nhiều cho 2 chữ “chuyên nghiệp”. Một cầu thủ chỉ đá 13 trận lượt về như Việt Thắng, CLB Thanh Hóa “mất đứt” hơn 1,5 tỷ cả tiền chuyển nhượng lẫn lương, lót tay.

Với bóng đá Việt, đồng tiền đôi khi chỉ là vỏ hến và người ta tiêu theo cách dùng vỏ hến. Cái cách vung tiền ra mua cầu thủ thay vì đào tạo trẻ, treo thưởng vô tội vạ khi có sẵn tiền của các CLB Việt đúng kiểu “gã ăn mày được đặt lên lưng ngựa” và khi nó bắt đầu phi nước đại, xuất hiện những hiểm nguy rình rập.

Cho đến khúc cua, tức là khi chính các ông bầu, những nhà đầu tư gặp khó thì xuất hiện câu chuyện tháo chạy, rút vốn khỏi bóng đá. Bóng đá với bản chất phức tạp của nó lại càng trở nên phức tạp khi cầu thủ không sẵn sàng cho việc họ phải được trả về với đúng giá trị thật.

Và cũng như câu chuyện một anh chàng Huy Hoàng “say rượu” mất kiểm soát ngồi sau vô lăng phóng bạt mạng ngoài đường. Những gã ăn mày được đặt lên lưng ngựa trong bóng đá khi đã phi nước đại không chỉ gây nguy hiểm cho gã mà còn nguy hiểm cho người xung quanh.

(Theo Thể Thao 24h)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X