Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên khi đánh giá lại 14 trận đấu đã qua của giải V-League. Hội đồng quản trị VPF không hài lòng về việc phân công trọng tài, chất lượng các trọng tài được lựa chọn điều hành V-League.
Sáng nay (20/4), lãnh đạo VPF đã tổ chức buổi gặp mặt đại diện các đội bóng là thành viên của VPF để nhìn lại những điểm được và chưa được sau 14 vòng đấu. Theo thông tin VPF đưa ra, có 24/28 đội bóng cử đại diện tham dự. Hội nghị dành thời gian phân tích 5 vấn đề nổi cộm liên quan đến việc tổ chức - điều hành giải đấu là: Công tác trọng tài; Dự thảo xây dựng Ban Đạo đức; Vấn đề chống tiêu cực; Công tác điều hành giải; Vấn đề bản quyền truyền hình.Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên thừa nhận còn biểu hiện tiêu cực
Vấn đề được đại diện CLB dành nhiều sự quan tâm nhất đó là việc phân công trọng tài, năng lực điều hành của lực lượng trọng tài qua 14 vòng đấu V-League. Đánh giá về công tác trọng tài. Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Hội đồng quản trị VPF chưa và không hài lòng với công tác phân công trọng tài, chất lượng trọng tài được chọn điều hành.
Để giải tỏa những bức xúc từ phía đội bóng, VPF đề nghị BTC giải và Ban Trọng tài ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại. Ông Kiên nhấn mạnh, Ban Trọng tài cần phải loại bỏ yếu tố vùng miền mà tập trung đề cao yếu tố chất lượng trọng tài. Ban Trọng tài có quyền phân công, nhưng Trưởng BTC Trần Duy Ly (V-League) và Nguyễn Hữu Bàng (hạng Nhất) có quyền không đồng ý nếu cảm thấy bất ổn.
Trong nỗ lực cải thiện chất lượng, kể từ vòng đấu thứ 15 V-League và hạng Nhất, các trọng tài tham gia làm nhiệm vụ sẽ được trang bị hệ thống liên lạc hiện đại đang sử dụng ở nhiều giải lớn hàng đầu châu Âu và thế giới. Theo tiết lộ từ Ban Trọng tài, loại bộ đàm này từng thử nghiệm thành công trên sân Gò Đậu khi B. Bình Dương tiếp HA Gia Lai với điều kiện mưa to gió lớn.
Không chỉ đầu tư trang thiết bị, VPF còn gợi ý tổ chức bầu chọn để tìm ra các cá nhân và tổ trọng tài xuất sắc trao thưởng, qua đó khích lệ lực lượng trọng tài phấn đấu làm tốt nhiệm vụ được giao và hạn chế sai lầm.
Liên quan đến những dấu hiệu tiêu cực mà dư luận từng đặt nghi vấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên thừa nhận thực tế có một số đội bóng V-League có biểu hiện tiêu cực. Thậm chí, bầu Kiên còn cho biết đã nắm bắt được một số chứng cứ và ngăn chặn kịp thời.
Ở lượt về V-League, lãnh đạo VPF tin tưởng những dấu hiệu này sẽ bị hạn chế đến mức tối đa khi Bộ Công an vào cuộc hỗ trợ. Trong trường hợp để xảy ra tiêu cực, bầu Kiên cho rằng Chủ tịch đội bóng cũng phải chịu trách nhiệm vì chỉ có Chủ tịch mới có quyền phê duyệt kinh phí hàng tháng.
Nhìn lại năng lực tổ chức và điều hành các giải đấu chuyên nghiệp sau hơn 4 tháng ra mắt, Hội đồng quản trị VPF khẳng định đã làm được nhiều điều. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có nhiều vấn đề cần tích cực điều chỉnh trong thời gian tới như: Vấn đề bạo lực sân cỏ; Sự phối hợp với VFF, cùng các BTC địa phương chưa tốt...
Sau Hội nghị, VPF đã gửi dự thảo xây dựng Ban đạo đức VPF đến các đội bóng để xin ý kiến. Nhiệm vụ của Ban Đạo đức là xử lý những hành vi phi thể thao, những tập thể và cá nhân có biểu hiện tiêu cực. Nếu phát hiện tiêu cực, đội bóng vi phạm có thể bị xem xét trừ điểm.
(Theo Dân Trí)