Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Lịch sử chiếc ghế Chủ tịch VFF: Thành công là điều xa xỉ

Thứ Sáu 26/04/2013 13:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong quá trình phát triển của mình, VFF trải qua nhiều đời Chủ tịch và mỗi người đều có những thành công, thất bại khác nhau.

Kể từ khi được thành lập, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trải qua 8 đời Chủ tịch. Từng người đứng đầu VFF gắn liền với các giai đoạn thăng trầm của bóng đá Việt Nam nhưng sự thành công lại là điều xa xỉ với hầu hết Chủ tịch VFF.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam
Giáo sư Dương Nghiệp Chí có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam

Trong Đại hội VFF nhiệm kỳ I, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể Thao (TDTT) Trịnh Ngọc Chữ trúng cử chức Chủ tịch VFF. Đây là thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập với bóng đá khu vực, nhưng mọi thứ vẫn mang nặng tính bao cấp. Dù vậy, với việc thành lập Liên đoàn, bóng đá Việt Nam bắt đầu bước vào một chương mới. VFF được xem là đầu tàu với vai trò của một tổ chức nghề nghiệp xã hội. Dù vậy, ông Trịnh Ngọc Chữ chỉ làm được khoảng một năm, rồi sau đó ông Chữ chia tay VFF để đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng Vụ tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Người thay ông Chữ, là Phó chủ tịch Dương Nghiệp Chí (Cục trưởng Tổng cục TDTT). Trong giới chức ngành TDTT, đặc biệt là đối với những người từng làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực TDTT, ít ai lại không biết đến ông Chí. Hồi còn trẻ, ông Chí là học sinh duy nhất của trường trung học Chu Văn An (Hà Nội) được tuyển đi học Đại học TDTT Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 1965, sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, trở về Việt Nam ông được phân công công tác tại Uỷ ban TDTT. Ngoài việc phụ trách môn điền kinh, ông còn tham gia huấn luyện cho đội tuyển điền kinh Hà Nội. Tình yêu với thể thao và đặc biệt là bóng đá, ông Chí đã ghi những dấu ấn nhất định trong khoảng 3 năm ngồi ghế Chủ tịch VFF (1991-1993).

Tại Đại hội nhiệm kỳ II, VFF có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, khi người đứng đầu không phải là một cán bộ của ngành TDTT, mà là người đứng đầu ngành đường sắt: Tổng cục trưởng Đoàn Văn Xê. Dù không có chuyên môn bóng đá, chính những tư tưởng tiến bộ trong kinh doanh áp dụng vào bóng đá, giúp VFF và bóng đá Việt Nam có bước ngoặt lớn đầu tiên. Chính ông Xê là người đầu tiên nghĩ tới việc cần phải thuê một HLV ngoại cho tuyển Việt Nam. HLV người Đức Karl Heinz Weigang được mời về và giúp đội quốc gia đoạt HC bạc SEA Games 18. Đó cũng là những năm bóng đá Việt Nam sản sinh ra thế hệ vàng với những Huỳnh Đức, Công Minh, Hồng Sơn…

Năm 1997, ông Mai Văn Muôn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, trúng cử Chủ tịch VFF khoá III. Đây là thời bóng đá Việt Nam chuẩn bị bước lên chuyên nghiệp với giải đấu V-League, nên ông Muôn cũng tạo ra những dấu ấn rất đáng kể. Đáng tiếc nhất trong thời gian ngồi ghế Chủ tịch VFF, chính là việc tuyển Việt Nam thất bại trong trận chung kết Tiger Cup năm 1998 trước Singapore trên sân Hàng Đẫy. Đó được xem là thất bại để lại sự tiếc nuối nhất của bóng đá Việt Nam cho đến tận bây giờ.

Tiếp đến ở nhiệm kỳ Đại hội IV, Chủ tịch Mai Liêm Trực chính là người đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất trong số các Chủ tịch VFF trước đó. Chính ông Trực là người lập bản đề cương cải tổ bộ máy hoạt động của VFF vào năm 2004. Ông Trực với tính cách thẳng thắn, từng có phát biểu nổi tiếng: “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”, cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Hồi ông Trực ngồi ghế Chủ tịch VFF, ngoài giải thưởng "Sao Khuê" cho những đóng góp ở lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Trực cũng có đóng góp không nhỏ trong thành công của tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2007. Trước thời ông Trực, còn có ông Hồ Đức Việt, nhưng vị Chủ tịch này chỉ ngồi ghế nóng chưa đầy một năm.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới vị Chủ tịch đang ngồi “ghế nóng” là ông Nguyễn Trọng Hỷ. Có lẽ, cần phải dành tới một chương để nói về vị Chủ tịch này, bởi trong thời gian đương nhiệm, ông Hỷ có quá nhiều những thăm trầm với bóng đá Việt Nam.

Ở nhiệm kỳ V, ông Hỷ đã vượt qua ông Dương Nghiệp Chí để ngồi ghế Chủ tịch VFF. Có chuyên môn là bóng rổ, nhưng với vị thế của một cán bộ cấp cao của ngành thể thao (ông Hỷ từng là Thứ trưởng), ông Hỷ ngồi ghế nóng. Ở khóa đầu tiên của ông Hỷ, tuyển Việt Nam đã đăng quang AFF Cup 2008 - chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử của bóng đá Việt Nam. Đây cũng là thời điểm bóng đá Việt Nam phát triển nóng, khi hàng loạt ông bầu đổ tiền đầu tư. Tuy nhiên, với sự quản lý lỏng lẻo và thiếu kinh nghiệm, bóng đá Việt Nam đã vỡ tan như bong bóng xà phòng, còn tuyển Việt Nam và U23 thì liên tiếp thất bại ở sân chơi khu vực.

Tính đến nay, ông Hỷ vẫn là người duy nhất ngồi ghế Chủ tịch VFF hai nhiệm kỳ. Thậm chí ở cuộc tranh cử nhiệm kỳ VI, chỉ có duy nhất mình ông Hỷ ứng cử. Bóng đá Việt Nam đang cần sự thay đổi và cũng là lúc ông Hỷ hoàn thành trọn vẹn hai nhiệm kỳ của mình. Đại hội nhiệm kỳ VII sẽ diễn ra vào ngày 5/6 tới và vị tân Chủ tịch VFF sẽ là ai và sẽ làm gì để giúp bóng đá nước nhà phát triển.

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X