Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện hội quân U-20 Việt Nam: Đừng chạy theo bệnh thành tích

Thứ Năm 16/03/2017 16:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những lời qua tiếng lại xung quanh việc hội quân của U-20 Việt Nam chuẩn bị cho FIFA U20 World Cup 2017 chỉ làm nổi bật lên mảng tối của bóng đá nước nhà. Đó là căn bệnh thành tích, tư duy thành tích.

 
1. Tạm khoan nói về câu chuyện bóng đá Việt Nam. Bắt đầu từ mùa giải 2016-17, Liên đoàn Bóng đá Anh quyết định ra mắt giải đấu Premier League 2 dành riêng cho các cầu thủ trẻ từ U-23 trở xuống. Các chuyên gia bóng đá xứ sở sương mù cho rằng các cầu thủ trẻ cần phải được thi đấu thực sự ở một giải đấu giàu tính cạnh tranh để phát huy hết tiềm năng.
 
Doi tuyen U-20 Viet Nam dang gay tranh cai ve van de thoi gian tap trung.
Đội tuyển U-20 Việt Nam đang gây tranh cãi về vấn đề thời gian tập trung.

Những giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Đức,... đều có những giải đấu dành riêng cho các cầu thủ trẻ. Khi phát hiện thấy những cầu thủ có tiềm năng, những công ty môi giới hoặc người đại diện sẽ tiếp xúc với cầu thủ đó. Đề nghị đầu tiên mà bất cứ cầu thủ trẻ nào nhận được là phải được thi đấu thường xuyên ở những giải đấu có áp lực chứ không phải là tập luyện hoặc giao hữu đơn thuần.
 
Đơn cử như Paul Pogba rời Man Utd khi không được trao cơ hội. Nếu Pogba tiếp tục ở lại Old Trafford để tập luyện, liệu cầu thủ người Pháp có trưởng thành được như hiện nay. Một ví dụ khác là Zlatan Ibrahimovic. Arsenal lẽ ra đã có sự phục vụ của chân sút người Thụy Điển. Chỉ tiếc là Arsenal muốn thử việc, còn Zlatan muốn được thi đấu để có cơ hội phát triển mình.
 
2. Ngay trong điều kiện tập luyện rất tốt ở châu Âu, các cầu thủ trẻ có ý thức nghề nghiệp không bao giờ thích những chuyến "tập huấn" đơn thuần. Muốn phát triển, họ cần được đặt trong áp lực, phải cạnh tranh giành suất đá chính để có điều kiện phát huy hết tiềm năng của mình.
 
Cong Phuong hoi sinh nho tu tuong thoai mai
Công Phượng hồi sinh khi được đặt trong môi trường thi đấu thường xuyên, nhiều áp lực.

Nếu muốn tập huấn, Công Phượng có lẽ nên ở Nhật Bản tiếp tục ăn tập để hít thở bầu không khí chuyên nghiệp ở J-League. Nhưng muốn phát triển sự nghiệp, Công Phượng cần phải được đặt trong áp lực, phải được trui rèn. Việc tiền đạo gốc Đô Lương ghi dấu ấn trong quãng thời gian gần đây tại V-League cho thấy các cầu thủ trẻ cần được thi đấu đến thế nào.
 
Với việc thuần tập luyện hay đá giao hữu, các cầu thủ không bao giờ phát huy được hết tiềm năng của bản thân. Khi thi đấu dưới áp lực, các cầu thủ đôi lúc sẽ cố rướn lên một chút, cố chạy thêm một chút,...

Nhiều lần một chút đó sẽ khiến các cầu thủ phát huy hết tiềm năng của bản thân. Nếu đá thật đôi lúc các cầu thủ có thể phát huy đến 120% khả năng thì khi tập luyện, đa phần các cầu thủ chỉ phát huy được 80% khi họ vẫn có tâm lý "giữ chân".
 
Vấn đề lớn nhất với các cầu thủ trẻ là kinh nghiệm. Nếu chỉ tập luyện, các cầu thủ mới ở lứa tuổi đôi mươi chắc chắn sẽ "ngây thơ" hơn những đồng nghiệp được thi đấu thường xuyên, phải né tiểu xảo của đối phương hay đôi lúc phải dùng tiểu xảo một cách cần thiết. Ai nói bóng đá không cần những cầu thủ có cái đầu "quái"?
 
3. Từ giờ đến World Cup U-20 vẫn còn hơn hai tháng. Đó là quãng thời gian không hề ngắn khi các cầu thủ phải rời xa môi trường cạnh tranh, những áp lực để thể hiện mình. Cạnh tranh là nguồn gốc của sự phát triển, nếu không được đặt trong môi trường nhiều áp lực liệu các cầu thủ có thể phát triển những kỹ năng?
 
Quang Hai dang la cau thu noi bat nhat V.League 2017
Nếu không được thi đấu dưới áp lực, Quang Hải liệu có cơ hội trở thành một trong những cầu thủ nổi bật tại V.League 2017.

Ngoài ra, câu hỏi về sự chuyên nghiệp sẽ được đặt ra. Trước thềm Euro 2016, rất nhiều cầu thủ thi đấu tại châu Âu vẫn thi đấu cật lực ở cấp câu lạc bộ để chứng tỏ mình xứng đáng với một suất lên đội tuyển.

Các LĐBĐ Đức, Anh, Italia hay Tây Ban Nha đâu có đề nghị cầu thủ phải nghỉ thi đấu vài tháng để đá một vài trận đấu. Vậy thì cớ gì ở ta, những cầu thủ trẻ nghiễm nhiên được lên tuyển mà không cần phải chứng minh? 
 
Việc ép buộc các cầu thủ trẻ lên tuyển cũng đặt lên vai các em những áp lực rất lớn. Đó là ảnh hưởng của câu chuyện thành tích tồn tại ở Việt Nam bao lâu nay. Liệu chúng ta có thể vô địch trước những đối thủ sừng sỏ như Argentina, Anh, Pháp hay thậm chí là Nhật Bản.

Sao không để các em được ra sân với tinh thần thoải mái nhất để cọ xát, trau dồi kinh nghiệm theo đúng những tuyên bố trước đó mà cứ phải gò ép các em phải "có thành tích"?
 
Thiết nghĩ nếu tập trung để tập bài chiến thuật, các cầu thủ chỉ cần tập trung trước một tháng hay thậm chí là đôi ba tuần. Đó là quãng thời gian vừa đủ để các cầu thủ nghỉ ngơi nhằm đạt trạng thái tốt nhất cũng như không bị mài mòn kỹ năng khi rời xa môi trường sân cỏ giàu tính cạnh tranh quá lâu.
 
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X