Cách đây chưa lâu, trong một cuộc họp nội bộ tại TP.HCM để sơ kết mùa giải 2012, lãnh đạo VPF đã thông báo lãi tới 60 tỷ đồng trong mùa bóng đầu tiên điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, con số có thể khiến nhiều người phải bật ngửa, nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn như hiện tại.
Mặc dù sau đấy số tiền lãi này đã được người trong cuộc hạ xuống còn 30 tỷ nhưng như thế cũng vẫn khiến người ta phải sốc, bởi bản thân VPF chưa kinh doanh cái gì ra tiền, và 2 bản hợp đồng tài trợ của V-League và giải hạng Nhất cũng là do VPF được VFF chuyển giao lại chứ không phải VPF tự khai thác được.
Khoản thu lớn nhất của VPF, nếu có thể gọi là như thế, chính là 50 tỷ từ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam với 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm. Khi thông báo về sự xuất hiện của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam cách đây mấy tháng, bầu Kiên cho biết trong mùa giải 2012 này, mỗi thành viên Hội đồng bảo trợ sẽ đóng góp cho VPF 5 tỉ đồng, năm 2013 là 7,5 tỉ đồng/thành viên và năm 2014 là 10 tỉ đồng/thành viên.Mới chỉ có Tập đoàn HA.GL của bầu Đức (phải) là thực hiện đúng cam kết hỗ trợ cho BĐVN
Tuy nhiên, trao đổi với TT&VH vào cuối tuần vừa qua, một lãnh đạo VPF xác nhận hiện nay mới chỉ có HA.GL đã thực hiện đúng cam kết là chuyển 5 tỷ cho VPF, còn 45 tỷ nữa từ 9 doanh nghiệp khác trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam vẫn đang ở chế độ chờ, song không rõ là chờ tới bao giờ. Đặc biệt, đã có một doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam là ngân hàng VP Bank cho biết chỉ tài trợ cho bóng đá Việt Nam trong năm 2012 chứ không có chuyện tài trợ luỹ tiến thêm 5 tỷ trong vòng 2 năm nữa như tuyên bố trước đây của bầu Kiên.
Ở thời điểm bầu Kiên đưa ra thông báo về sự xuất hiện của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, VPF lúc ấy vẫn đang trong men say thắng lợi của cuộc chiến tranh giành bản quyền truyền hình Việt Nam, nhưng những người hiểu chuyện đều biết rõ rằng bầu Kiên là nhân tố quyết định để giúp bóng đá Việt Nam có cơ hội được nhận 50 tỷ từ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, chứ chẳng phải vì bóng đá Việt Nam hấp dẫn tới mức được các nhà tài trợ đổ xô tới chèo kéo.
Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi bầu Kiên không còn hiện diện trong ban lãnh đạo VPF thì Hội đồng bảo trợ ấy ngay lập tức đã có vấn đề, bắt đầu là trường hợp của VP Bank và không loại trừ sẽ có thêm vài ca như vậy nữa trong thời gian sắp tới, đặc biệt là trong hoàn cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như hiện tại.
Công bằng mà nói, sự xuất hiện của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam chưa chắc đã là một tín hiệu tích cực cho nền bóng đá chúng ta, bởi như thế có nghĩa là nguồn thu của bóng đá Việt Nam tiếp tục phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp, và nếu bình thường mỗi CLB ở V-League chỉ thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp hoặc một ông bầu thì nay các đội bóng lại có thêm một chủ sở hữu (nguồn vốn) nữa là các doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam.
Thậm chí, nếu chỉ là tài trợ thuần tuý thì giữa doanh nghiệp và đội bóng còn tồn tại một quan hệ tương đối cân bằng, vì 2 bên đều có lợi ích khi hợp tác cùng nhau, còn “bảo trợ” lại là một khái niệm có vẻ thụ động và một chiều. Mà ở đời người ta vẫn nói: “Chỉ tình cảm chân thành mới gọi được tình cảm chân thành”, có thể không phải doanh nghiệp nào trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam cũng đến với bóng đá Việt Nam bằng tình cảm chân thành, nên khi sợi dây liên hệ chủ yếu giữa các bên bị đứt đoạn thì những cam kết trước đây bỗng trở nên không còn giá trị.
Bên cạnh đó, sau những lùm xùm ở mùa bóng vừa qua với hàng loạt vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết triệt để như “một ông chủ 2 đội bóng”, các ông bầu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, bóng đá “tình nghĩa”… thì những doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam dù có yêu mến bóng đá Việt Nam đến mấy cũng phải xem lại quyết định đầu tư của mình, bởi chắc chắn chẳng ai muốn gắn thương hiệu của mình vào một giải đấu thường xuyên đi kèm với những tai tiếng và tranh cãi, nhất là trong bối cảnh đa số các doanh nghiệp thuộc Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, một ngành kinh doanh cực kỳ nhạy cảm với chữ tín.
Với những lý do ấy, hẳn không ai còn cảm thấy bất ngờ khi ngân hàng VP Bank cho biết chỉ tài trợ cho bóng đá Việt Nam trong năm 2012 chứ không phải trong 3 năm liền như thông tin do bầu Kiên cung cấp, và người ta đang chờ xem sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp nữa trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam hành động như VP Bank. Suy cho cùng thì đấy là điều phải đến đã đến mà thôi!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)