Sau 10 vòng đấu của V-League 2012, Samson Kayode mới chỉ có vỏn vẹn 4 bàn thắng, còn xếp sau cả đồng đội người Việt Văn Quyết (5 bàn) trong danh sách “dội bom” của HN.T&T. Đấy hẳn phải là một nỗi thất vọng không với chỉ riêng Samson mà còn cả với HN.T&T, bởi 2/3 chặng đường của lượt đi V-League 2012 đã trôi qua nhưng Samson vẫn chưa cho thấy bóng dáng của một sát thủ lợi hại ngày nào trong màu áo TĐCS.ĐT.
Đẳng cấp của Samson không thể là thứ có thể dễ dàng đánh mất đi chỉ sau một thời gian ngắn, song cũng không ai lại nghĩ rằng một chân sút từng được Atletico Madrid ký kết hợp đồng đến bây giờ đã trải qua hơn 3 tháng khoác áo đội bóng mới nhưng vẫn chưa chứng tỏ được vai trò chủ lực của mình.
Câu trả lời ở đây có lẽ nằm ở khía cạnh tâm lý nhiều hơn là chuyên môn, bởi quá trình hình thành nên thương hiệu của Samson ở bóng đá VN đã được tiền đạo này xây dựng từ khi còn khoác áo Than Quảng Ninh thi đấu ở giải hạng Nhất, rồi sau này là TĐCS.ĐT, và sự thăng tiến ấy rõ ràng phải được xuất phát và nâng cấp bằng chân tài thực học chứ không thể là sản phẩm của một sự ngẫu nhiên hay may mắn.Samson (thứ 2 từ phải qua) chỉ ở lại V-League đá cho HN.T&T vì không thể xoay đủ tiền đền bù hợp đồng để ra đi chứ anh không hề có tình cảm hay nguyện vọng gắn bó lâu dài với bóng đá VN
Ở HN.T&T có những thứ phù hợp với ý nguyện của một chân sút đẳng cấp như Samson: tham vọng vô địch, chính sách lương thưởng hậu hĩnh và những đồng đội có trình độ. Về phía HN.T&T, với Samson, á quân V-League 2011 coi như cũng tìm thấy một sự thay thế trên cả tuyệt vời cho khoảng trống mà Công Vinh bỏ lại trên hàng tiền đạo, và Samson thậm chí còn được xem là miếng ghép hoàn hảo cho vị trí cây săn bàn mũi nhọn mà HN.T&T vẫn còn thiếu.
Thế thì tại sao sự kết hợp này đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy HN.T&T-Samson có lẽ không phải là cuộc “hôn nhân” hoàn hảo như người ta vẫn tưởng?!
Nguyên nhân chủ yếu hình như nằm ở phía Samson, bởi ai cũng biết nguyện vọng thực sự của Samson là tung cánh ở trời Âu chứ không phải cái “ao làng” V-League chật hẹp, và nếu không phải bị trói chân bằng bản hợp đồng đã ký với HN.T&T từ khi còn đang khoác áo TĐCS.ĐT thì không đời nào Samson chịu ở lại VN sau khi đã được Atletico Madrid tiếp nhận và đưa sang Bồ Đào Nha để thử lửa.
Mà với năng lực của một cầu thủ từng suýt được chơi bóng ở châu Âu như Samson, hẳn là tiền đạo người Nigeria sẽ tự thưởng cho mình cái vị thế được toàn đội phục vụ như ở Than Quảng Ninh hay TĐCS.ĐT trước đây. Xét từ khía cạnh chuyên môn thì Samson có thể nhận được đặc quyền này ở bất kỳ đội bóng nào của V-League, chỉ trừ HN.T&T.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng, HN.T&T đã xây dựng được một lối chơi cực kỳ hiệu quả nhưng giàu tính đồng đội và rất có bản sắc. Thế nên, dù không đạt tới đẳng cấp như Samson, nhưng Gonzalo hay kể cả là
Antonio Tavares cũng vẫn có thể xác lập vị trí của một tiền đạo có chất tại HN.T&T nhờ khả năng hỗ trợ và chuyền bóng quá tốt của các tiền vệ trong hệ thống chiến thuật mà đội bóng Thủ đô đã vận hành rất nhuần nhuyễn.
Bởi vậy, kịch bản mà cả đội mỗi khi có bóng chỉ nhăm nhăm dồn cho Samson và chờ đợi kết quả như TĐCS.ĐT trong 2 mùa giải 2010 và 2011 đã không có cơ hội xuất hiện ở HN.T&T, và phải chăng đấy là nguyên nhân chủ đạo làm nên sự không hài lòng, hoặc cao hơn nữa ức chế, ở Samson, vì chân sút này đã quá quen với việc được cả tập thể phục vụ?
Ở V-League mấy năm đổ lại đây nếu không tính “bệnh binh” Denilson thì chỉ có 2 ngoại binh đủ khả năng chơi bóng ở châu Âu là Samson và Leandro (XM.HP và B.BD), nhưng khác với Samson, Leandro chủ động tới V-League thi đấu vì ở đây anh được nhận mức lương thưởng cực tốt so với những gì Leandro có thể được hưởng nếu sang châu Âu, mà chính Leandro cũng tự nhận rằng năng lực của anh cao nhất cũng chỉ phù hợp với giải hạng Nhì của Tây Ban Nha mà thôi.
Còn Samson thì khác hẳn, tiền đạo này trẻ hơn Leandro (sinh năm 1983) tới 4 tuổi, và thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Samson vẫn còn ở phía trước, và với nền tảng thể lực sung mãn trời sinh của một cầu thủ châu Phi như Samson, hẳn anh sẽ không có bất cứ vấn đề gì để thích nghi với nhịp độ thi đấu của bóng đá châu Âu, điều mà Leandro thẳng thắn thừa nhận rằng anh khó có thể làm được.
Vì thế, có thể hiểu được tâm trạng của Samson khi anh vừa không được toại nguyện chơi bóng ở châu Âu, mà đồng thời ở đội bóng mới Samson cũng không được phục vụ tới tận răng như trước kia, và khi phải ra sân trong trạng thái tâm lý như thế thì khó lòng mà cống hiến phong độ cao nhất.
Nhưng biết trách ai đây, khi hợp đồng giao kết giữa HN.T&T và Samson được thực hiện hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện giữa 2 bên, và chắc chắn Samson không nhận lời thi đấu cho HN.T&T vì tình yêu hay sự hâm mộ với đội bóng này. Vấn đề mang tên Samson đang đặt ra cho HN.T&T một bài toán không dễ tìm lời giải, mà nếu không tìm được biện pháp giải quyết triệt để, cả Samson lẫn HN.T&T sẽ phải trả giá không nhỏ vì sự lựa chọn dường như là sai lầm của cả 2.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)