Từ lúc bầu Đức bắt tay vào làm bóng đá tới giờ, phố núi Pleiku đã chào đón rất nhiều ngôi sao, nhưng tất cả đều là cầu thủ và các HLV của HA.GL từ trước tới giờ chưa có nhân vật nào xứng đáng được xếp vào hàng sao. Sự đặc biệt trong cách sử dụng nhân sự này của HA.GL xuất phát từ tư duy làm bóng đá của bầu Đức, rằng chỉ cần cầu thủ ngôi sao chứ không cần HLV ngôi sao.
Oseni (trái) tiêu biểu cho chính sách chiêu mộ ngôi sao của HA.GL
Trên thực tế, phương pháp sử dụng nhân sự theo kiểu của bầu Đức không hẳn là không có lý, bởi ai cũng biết điều trị cầu thủ ngôi sao đã mệt, nhưng để làm việc được với HLV ngôi sao thì còn mệt hơn, mà điển hình là trường hợp của HLV Lê Thụy Hải và B.BD, khi 2 bên cứ hết chia tay rồi lại tái hợp liên tục.
Trong khi đó, ĐT.LA lại đi theo một con đường hoàn toàn khác, khi những thời khắc vinh quang hoặc đáng nhớ nhất của ĐT.LA đều gắn với những ông thầy ngoại, chẳng hạn như HLV Henrique Calisto với thành tích 8 năm liên tiếp có mặt trong tốp 3 chung cuộc của V-League, hay HLV Ricardo Formosinho rồi HLV Francisco Vital.
Ở một đội bóng mà chất lượng cầu thủ chỉ ở mức độ trung bình như ĐT.LA, sự có mặt của những ông thầy ngoại như trên được coi là phương pháp tốt nhất để giúp ĐT.LA nâng tầm, bởi lãnh đạo ĐT.LA cho rằng chất xám cùng kinh nghiệm của các ông thầy ngoại sẽ giúp dàn cầu thủ của ĐT.LA vượt qua giới hạn bản thân.
Không phải ngẫu nhiên mà đến nay ĐT.LA vẫn là CLB sử dụng HLV ngoại thành công nhất trong lịch sử V-League, và với HLV Marcelo Juleta hiện tại, có vẻ như ĐT.LA đã tìm thấy người mà họ cần để tiếp tục chính sách đã từng mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho “Gạch”.
Trong khi đó, với HA.GL, trong thời điểm khó khăn của đội bóng như bây giờ, “Gỗ” đang cần đến tài thao lược của HLV Choi Yoon Gyum hơn lúc nào hết, và ông thầy người Hàn Quốc cần phải chứng tỏ được rằng ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng HA.GL là vì có năng lực hơn người, chứ không phải đơn thuần chỉ là một HLV biết nghe lời.
Theo Thể Thao Văn Hoá