Khi hiệu ứng U23 Việt Nam đang nhạt dần, chẳng phải ngẫu nhiên khi Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội vẫn thu hút đông đảo người hâm mộ đến sân trong khi đó là bài toán khó với phần đông các đội bóng tại V-League 2018.
Hiệu ứng U23 Việt Nam nhạt dần
Ăn theo hiệu ứng thành công của U23 Việt Nam, các khán đài của V-League 2018 những vòng đầu tiên chật kín khán giả. Ngay vòng đầu tiên, V-League đón tổng cộng 78.000 khán giả đến sân cổ vũ cho 7 cuộc tranh tài, trong đó sân Thiên Trường của Nam Định còn lập kỷ lục với 22.000 người đến cổ vũ, ban tổ chức còn toát mồ hôi vì lo "vỡ sân".
|
Sân Thiên Trường lập kỷ lục về lượng khán giả đến sân ở vòng 1 V-League 2018. |
Năm vòng đầu tiên, các sân cỏ tại V-League 2018 như mở hội khi vòng nào cũng đón nhận lượng lớn người hâm mộ đến sân cổ vũ. Vòng 2 thu hút 71.000 người, vòng 3 có 74.000, vòng 4 thấp nhất với 58.000 rồi lại lên con số 72.000 ở vòng 5.
Các chuyên gia khi đó dự đoán rằng hiệu ứng U23 Việt Nam sẽ tắt dần sau khoảng 4-5 vòng đầu tiên, V-League 2018 sẽ phải tự nỗ lực để kéo khán giả đến sân. Ứng với dự đoán đó, lượng người hâm mộ đến sân từ vòng 6 trở đi giảm rõ rệt (51.500, 42.000, 50.000, 46.000 và gần nhất là con số 42.500 của vòng 10).
Con số cao nhất trong giai đoạn tiếp theo (51.000 - vòng 6) thậm chí còn không bằng con số thấp nhất trong 5 vòng đầu tiên (58.000 ở vòng 4). Trong 5 vòng đầu tiên, chỉ có trận đấu Cần Thơ 2-1 Bình Dương (vòng 3 - 3000) thấp hơn hoặc bằng mức 3000 người hâm mộ đến sân.
Bắt đầu từ vòng 6, số sân đấu vắng như phiên chợ chiều bắt đầu nhiều hơn. Đó là các trận SLNA 0-1 Nam Định, Bình Dương 3-1 Quảng Nam (cùng 2.500), Cần Thơ 1-1 Quảng Ninh (3.000) ở vòng 7; Sài Gòn 1-1 Khánh Hòa (1.000), Bình Dương 2-1 Hải Phòng (3.000) ở vòng 8; Sài Gòn 1-2 Cần Thơ (2.000) ở vòng 9; Bình Dương 5-1 Sài Gòn (2.000) hay TP.HCM 0-0 Quảng Nam (3.000) ở vòng 10.
|
Nam Định FC cùng như nhiều đội bóng ở V-League đang đứng trước bài toán kéo khán giả đến sân. |
Đó là những con số biết nói về việc V-League 2018 đang có nguy cơ đi vào vết xe đổ của các mùa trước với bài toán kéo khán giả đến sân.
Lời giải cho bài toán kéo khán giả đến sân
Trong bối cảnh phần lớn các đội bóng ở V-League 2018 đau đầu với bài toán kéo người hâm mộ đến sân, Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội là số ít các đội bóng vẫn thu hút sự quan tâm lớn. Đây là hai đội bóng thu hút người hâm mộ đến sân nhiều bậc nhất sau 10 vòng đầu tiên với 135.500 lượt khán giả trong các trận đấu của HAGL và 114.000 với Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cả hai đội nhận được sự quan tâm lớn đến thế?
Với HAGL, câu trả lời chẳng có gì khó. Chính lứa gà nòi của bầu Đức với Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh,... đã kéo lại niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam tưởng như đã có lúc nguội lạnh. Và kể từ khi bầu Đức đôn lứa này lên đá V-League, HAGL luôn là đội bóng được chú ý bậc nhất.
|
HAGL là hình mẫu tiêu biểu cho việc giải bài toán kéo khán giả đến sân. |
Tương tự như câu chuyện của HAGL, Hà Nội FC cũng lấy được niềm tin của người hâm mộ bằng việc đầu tư cho bóng đá trẻ. Sự tỏa sáng của những Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Đình Trọng,... tại VCK U23 châu Á 2018 không ngẫu nhiên đến, mà xuất phát từ cách làm bóng đá bài bản, xây nhà từ móng của đội bóng Thủ đô.
Trước đó, chính những Quang Hải, Đoàn Văn Hậu hay Đình Trọng đã cùng U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017. Quan trọng hơn, ban lãnh đạo CLB Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng Hội cổ động viên. Hình ảnh Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội quỳ xuống trước khu vực CĐV Hà Nội sau chức vô địch V-League 2016 đến giờ vẫn gây xúc động với nhiều người.
Quan trọng hơn, cả hai CLB đều hướng tới cách làm bóng đá "tử tế", cố gắng tránh xa những vấn nạn của bóng đá Việt. Bầu Đức trừng phạt nội bộ Tăng Tiến đến hết lượt đi vì pha bỏ bóng đá người là minh chứng cho thấy sự không khoan nhượng với việc làm xấu hình ảnh của câu lạc bộ, cũng như bóng đá quốc nội.
Nếu đội bóng nào cũng học theo bầu Đức, bầu Hiển trong cách làm bóng đá thì có lẽ không cần đến hiệu ứng U23 Việt Nam, bài toán kéo người hâm mộ đến sân sẽ được giải.
Như Đạt (TTVN)