Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

CLB HAGL: Đã đến lúc thoát ra khỏi cái bóng của Arsenal

Thứ Ba 21/02/2017 20:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Việc rập khuôn theo giáo án của Arsenal có hẳn là tốt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay? Có lẽ HAGL-JMG đến lúc cần một sự đột phá mới.

Từ chuyện trời Âu
Lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai - JMG có thể coi là một trong những trung tâm đào tạo trẻ theo hướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam khi hợp tác với câu lạc bộ Arsenal. Xét về mặt lý thuyết, đây là bước đi rất hợp lý nhưng trên thực tế, một đối tác như Arsenal dường như quá "lỗi thời" với phong cách huấn luyện thiên quá nhiều về kỹ thuật mà bỏ quên nền tảng đầu tiên của bất cứ môn thể thao nào: Thể lực.
CLB HAGL Da den luc thoat ra khoi cai bong cua Arsenal hinh anh
Arsenal tuy là một đội bóng lớn nhưng chưa hẳn đã hoàn hảo.

Bằng chứng rõ nét nhất là chính hình ảnh của Arsenal trong một thập kỷ gần đây. Việc ưu ái những cầu thủ thiên về kỹ thuật hơn là thể chất khiến đội bóng thành London mất cân bằng nghiêm trọng. Arsenal thường thi đấu tốt ở giai đoạn đầu mùa rồi hụt hơi trong thời điểm quyết định của mùa giải.
Những chiến lược gia đang thành công trong một thập kỷ gần đây đều gắn liền với triết lý pressing, lối chơi đòi hỏi nền tảng thể lực rất cao từ các cầu thủ. Đó là high-block của Pep Guardiola, là Gegen-pressing của Jurgen Klopp, là medium-block của Mauricio Pochettino tại Tottenham, là low-block của Antonio Conte hay Diego Simeone,...
Nhìn chung, pressing đang được phát triển như một xu thế chiến thuật của hiện tại và tương lai. Lý thuyết pressing được đưa ra từ năm 1934 bởi Thomas Patrick Goman nhưng mất bốn thập kỷ sau tại World Cup 1974, Hà Lan mới giới thiệu nó rộng rãi cho bóng đá. Nguyên nhân gì khiến pressing khó áp dụng đến vậy?
Tất cả là bởi thể lực. Jonathan Wilson, cây viết danh tiếng về các phân tích chiến thuật cũng giải thích về việc vì sao pressing không xuất hiện sớm hơn trong bóng đá: "Chiến thuật này đòi hỏi các tiền vệ phải di chuyển liên tục nên tốn rất nhiều thể lực, đó là điều khiến pressing bị hạn chế không thể đưa vào sử dụng trong bóng đá sớm hơn".

Đến chuyện bóng đá Việt
Kể từ ngày Pep Guardiola xuất hiện với triết lý về tiki taka kiểu mới, người Việt Nam cho rằng đó là kim chỉ nam để phát triển cho các đội tuyển. Nhưng trên thực tế, những người làm bóng đá ban đầu vẫn chỉ nhìn được một mặt của tiki taka, đó là cần những cầu thủ có kỹ thuật tốt để cầm, giữ và luân chuyển bóng. Vấn đề cốt lõi dẫn đến sự thành công của tiki taka của Guardiola là thể lực bị xem nhẹ.
CLB HAGL Da den luc thoat ra khoi cai bong cua Arsenal hinh anh 2
Gian nan với lứa cầu thủ HAGL - JMG mới chỉ bắt đầu.

Lứa cầu thủ đầu tiên của lò đào tạo HAGL - JMG ra đời theo đúng cách như thế. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... đều sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt nhưng thể lực, điểm cốt lõi để chơi bóng lại bị đánh giá thấp. Chủ tịch của CLB Mito Hollyhock từng nhận xét rất thẳng thắn rằng Công Phượng quá yếu về mặt thể lực. Đó cũng là nhận xét chung cho Tuấn Anh và Xuân Trường những ngày đầu "xuất ngoại".
Đó cũng là điểm yếu chung của đa phần các cầu thủ Việt Nam. Tư duy "phủi" đã ăn sâu vào phong cách của nhiều cầu thủ khiến họ chú trọng nhiều vào việc nâng cao nền tảng kỹ thuật, xử lý bóng trong phạm vi hẹp mà không đánh giá đúng sự cần thiết của việc nâng cao nền tảng thể lực. 
Trong bối cảnh hiện nay khi pressing đang là xu thế của tương lai, tư duy của cầu thủ cũng như những người làm bóng đá Việt Nam cần thay đổi. Lò đào tạo HAGL sắp ra mắt lứa cầu thủ mới nhưng liệu họ có hơn những đàn anh hay tiếp tục "kế thừa" điểm yếu là khoảng trống về mặt thể lực?
Không thể lấy mãi chuyện thể trạng để làm lý do ngụy biện rằng cầu thủ Việt chỉ nên trui rèn kỹ thuật. Những cầu thủ của Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng là người châu Á, trước kia họ cũng không được đánh giá cao về mặt thể hình thể lực. Thế nhưng tư duy làm bóng đá hiện đại khiến nền bóng đá của hai quốc gia "láng giềng" sản sinh ra những cầu thủ có thể chất tốt không kém những đồng nghiệp ở trời Âu.
Man City xây dựng học viện bóng đá City Campus và học hỏi rất nhiều từ mô hình của La Masia. Tuy nhiên, HLV đội U-18 của Man City, Jason Wilcox khẳng định The Citizens đưa vào rất nhiều yếu tố mang đặc trưng phù hợp cho xu hướng phát triển của câu lạc bộ cũng như bóng đá hiện đại thay vì sao chép nguyên mô hình của Barcelona.
Có lẽ HAGL - JMG cũng nên nhìn nhận lại điểm mạnh và điểm yếu khi hợp tác với Arsenal để có sự điều chỉnh phù hợp.
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X