Hà Nội vô địch V-League 2018: Không có tiền, sao chơi?
Thứ Ba 11/09/2018 08:21(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Câu nói ngậm ngùi của HLV Nguyễn Đức Thắng (SLNA) về chức vô địch của Hà Nội như một thách thức riêng với bóng đá nội: Không có tiền sao chơi?
Cuộc chạy đua kim tiền
Năm 2001, bầu Đức bắt đầu công cuộc đầu tư cho bóng đá quốc nội. Ông mua lại CLB Gia Lai, đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai như ngày nay, dùng tiền mua một loạt ngôi sao. Thành quả thu về là đội bóng phố núi vô địch V-League hai năm liên tiếp (2003, 2004).
|
Bầu Đức là một trong những người đầu tiên đổ tiền làm bóng đá. |
Tiếp sau thành công đầy tiếng vang của bầu Đức trong giới bóng đá nội, những nhà vô địch từ đó về sau thường là đội bóng theo kiểu "mạnh vì tiền". Gạch Đồng Tâm Long An, Bình Dương, SHB Đà Nẵng và Hà Nội đều là những đội bóng khi vô địch có được sự đầu tư lớn về mặt vật chất.
Hai chức vô địch của Sông Lam Nghệ An (2011) và Quảng Nam (2017) là những hiện tượng, bởi các đội bóng này không được đầu tư mạnh mẽ như những "đại gia" kể trên.
Trong phòng họp báo sau trận thua Hà Nội, HLV Đức Thắng chua chát thừa nhận chính sức mạnh đồng tiền tạo nên sự khác biệt giữa SLNA và Hà Nội. Kể từ năm 2015 đến nay, SLNA gần như toàn thua khi gặp Hà Nội ở V-League, HLV Đức Thắng thừa nhận Hà Nội chi khoảng 100 tỷ vận hành đội bóng mỗi năm, còn SLNA chỉ 30 tỷ, sao có thể so sánh nổi?
|
Hà Nội vô địch V-League 2018 đầy thuyết phục nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bầu Hiển. |
Với sức mạnh đồng tiền, Hà Nội ba mùa liên tiếp làm mưa làm gió tại V-League. Mùa trước, đội bóng Thủ đô chỉ đánh mất chức vô địch vào tay Quảng Nam ở vòng đấu cuối cùng. Đến mùa này, Hà Nội trở lại đầy quyết tâm để giật cúp trước 5 vòng, tự tin hướng tới việc phá dớp chưa vô địch Cúp Quốc gia.
Ngay cả với nhóm trụ hạng, ảnh hưởng của đồng tiền cũng tương đối lớn. Nam Định FC không chỉ gặp vấn đề ở chuyên môn, mà còn ở tâm lý các cầu thủ khi đội bóng không có tiền để hoạt động. Sài Gòn FC dưới tay bầu Đại cắt giảm chi tiêu hàng năm từ khoảng 60 tỷ xuống còn 40 tỷ, gây xáo trộn lớn với đội bóng.
Ai cản được Hà Nội?
Nếu Hà Nội tiếp tục duy trì được nền tảng hiện tại, câu hỏi đặt ra là ai cản được đội bóng Thủ đô ở mùa sau? Thật khó để trông mong vào những ngựa ô kiểu SLNA hay Quảng Nam. Xét về sự ổn định về chiến lược cũng như tiềm lực tài chính, lúc này chỉ có Hoàng Anh Gia Lai hay FLC Thanh Hóa đủ khả năng cạnh tranh với nhà vô địch V-League 2018.
Thành công của Hà Nội ngoài sự đóng góp của tiền bạc còn nhờ cách vận hành bóng đá bài bản, một loạt cầu thủ trẻ tài năng trưởng thành từ lò đào tạo CLB như Quang Hải, Đình Trọng, Đức Huy, Văn Hậu,... là minh chứng.
|
Tập thể HAGL cần thêm thời gian để lứa "gà nòi" của bầu Đức đạt độ chín. |
HAGL cũng đang có được nền tảng không thua kém nhiều so với Hà Nội khi có sẵn lứa cầu thủ tài năng, có một ông bầu tâm huyết, chịu chi. Lò đào tạo HAGL-JMG cũng được đánh giá cao không kém lò đào tạo của Hà Nội, vấn đề lớn nhất của đội bóng phố núi là lứa "gà nòi" của bầu Đức còn trẻ, thiếu kinh nghiệm chinh chiến.
FLC Thanh Hóa cũng sở hữu lực lượng mạnh, có tiềm lực tài chính những điều còn thiếu của đội bóng xứ Thanh là một chiến lược xuyên suốt. Trong hai mùa liên tiếp sử dụng HLV ngoại, FLC Thanh Hóa vẫn chưa tìm ra công thức thành công, thậm chí còn tạo ra không ít rắc rối nơi hậu trường.
Nếu Hà Nội không có nhiều biến động, hoặc các đội bóng còn lại ở V-League không tạo ra đủ sức bật cần thiết, thật khó để ngăn V-League mùa sau lại bị phủ bởi sắc tím của đội bóng Thủ đô.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về V-League 2018:
N.D (TTVN)