Kết thúc 90 phút của “trận chung kết” với HN.T&T, các cầu thủ SG.XT lên bục nhận huy chương với gương mặt như đưa đám. Có thể dễ dàng hiểu cảm giác bẽ bàng của những chiến binh thất trận. Nhưng suy cho cùng, đội chủ sân Thống Nhất chỉ có thể tự trách mình vì tự bản thân họ đã quá phung phí những cơ hội có được. Song, cầu thủ SG.XT có vẻ chưa nuốt trôi thất bại khiến họ mất đi quá nhiều tiền bạc và danh tiếng đó.
Trao đổi qua điện thoại với Tấn Trường một ngày sau trận đấu với HN.T&T, thủ môn gốc Đồng Tháp dường như chưa nguôi cảm giác bực bội và tiếc rẻ vì trận hòa của đội nhà trước đó: “Không có gì để nói đâu anh ơi. Vậy nha” rồi lạnh lùng cúp máy. Có vẻ như hành động đó không phải là của một cầu thủ chuyên nghiệp như Tấn Trường, bởi đây không phải là lần đầu, cựu thủ môn TĐCS.ĐT đối diện với thất bại.
Hơn thế, những thất bại mà Tấn Trường gặp phải đều đáng xếp vào dạng “vĩ mô”. Trước trận chung kết với HN.T&T vừa qua là thất bại ở trận chung kết SEA Games 2009, phần lỗi của Trường dẫn đến giấc mơ nửa thế kỷ của bóng đá VN tiếp tục rơi vào mòn mỏi. Còn giải đấu AFF Cup 2010, Tấn Trường trực tiếp mắc sai lầm khó tin đối với một thủ môn để rồi ĐTVN phải chấm dứt giấc mơ bảo vệ ngôi vương ở đấu trường khu vực. Nhưng ngần ấy kinh nghiệm chưa đủ để giúp Tấn Trường ứng phó hay nhìn thẳng vào thất bại. Lời nói của thủ thành gốc Đồng Tháp hôm qua đã biện minh cho nhận định trên.SG.XT có quá nhiều lý do để bất phục đối thủ sau khi để tuột mất chiếc Cúp vô địch
SG.XT chưa thể nuốt trôi thất bại trước 2 đội bóng anh em nhà bầu Hiển trong cuộc chiến đến ngôi vô địch. Có lý do để tức anh ách khi SG.XT đá trên chân cả trận đấu nhưng các tiền đạo cứ mãi vô duyên. Đó là chưa kể cầu thủ HN.T&T cứ nằm sân ăn vạ để kéo dài thời gian khiến chủ nhà liên tục ức chế. Nhưng ngẫm lại một năm về trước, cũng trong tình cảnh này, HN.T&T phải quyết chiến với SLNA để giành chiếc Cúp vô địch. SG.XT Chủ Nhật vừa rồi là bản sao của HN.T&T mùa trước.
Song cách đối diện với thất bại là khác xa nhau. Năm ngoái, nếu cú đá phạt của Antonio không đi trúng xà ngang mà thấp hơn một chút, HN.T&T có thể đã rước Cúp về Thủ đô. Nhưng chuyện đó chỉ là giả định. Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đón nhận thất bại theo một cách rất nhẹ nhàng như đã biết trước mình không thắng nổi định mệnh. Trả lời sau trận đấu đó, ông thầy gốc Đà Nẵng vẫn dành những lời động viên, cảm ơn các học trò đã chiến đấu hết mình và chúc mừng chức vô địch xứng đáng của đội bóng xứ Nghệ. Nhưng một năm sau, khi đặt vào hoàn cảnh của HN.T&T năm ngoái, thầy trò HLV Trần Tiến Đại lại không làm được như thế.
Đỉnh điểm là những phút cuối trận, khi thấy trọng tài giương biển bù giờ 5 phút, ông Đại đã bày tỏ thái độ phản ứng rất không hài lòng với tổ trọng tài. Kết thúc trận đấu, SG.XT không thể giương Cúp, ông Đại cũng buồn như các học trò nhưng lúc người ta cần vai trò của người chịu trách nhiệm chính với kết quả đó thì ông Đại vẫn im lặng.
Như thường lệ, trợ lý Nguyễn Liêm Thanh được chỉ định ra trả lời giới truyền thông. Và ai cũng biết, HLV Liêm Thanh xưa nay nổi tiếng với cá tính hiền lành và những phát biểu của cựu cầu thủ CSG chỉ mang ý nghĩa xã giao. Trong câu chuyện này, so sánh vai trò của những “người lớn” với nhau sẽ thấy cái tâm và cái tầm của mỗi người. Và phải chăng, vai trò của người lớn đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách lẫn văn hóa thua cuộc của các học trò.
SG.XT có quá nhiều lý do để bất phục đối thủ nhưng bóng đá chỉ là cuộc chơi và nhiều khi may-rủi quyết định cả thời cuộc. Có lý do để nói rằng, suy cho cùng đội bóng Sài thành thua là do chính họ trong một chiều mà may mắn cứ ngoảnh mặt để các tiền đạo của họ tha hồ vô duyên. Vậy lý do gì để văn hóa thua cuộc không tồn tại ở đội bóng này?
Phải chăng vì tiếc rẻ sức nặng của hơn 11 tỷ đồng bị hóa vàng chỉ sau 90 phút, hay 11 năm một đội bóng Sài Gòn vẫn chưa thể đem về cho TP.HCM 1 chiếc Cúp VĐQG. Để rồi chẳng có lời động viên hay tràng pháo tay nào từ phía 2 vạn khán giả Sài thành cho đội bóng kết thúc V-League 2012 với chiếc HCĐ .
(Theo Thể Thao Văn Hoá)