Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Giới trọng tài ở V-League: Nơi năng lực chỉ là thứ yếu

Thứ Sáu 20/09/2013 11:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chất lượng của các trọng tài Việt Nam có dấu hiệu đi xuống. Vậy tại sao họ lại đang sa sút về mặt chuyên môn? Để trả lời cho câu hỏi này thì có lẽ cũng nên đề cập đến chuyện trọng tài có “dây” hay không?

Thời còn tại vị, nguyên trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm từng nói: “Tôi không biết người ta đồn đoán giới trọng tài có dây ra sao, tôi chỉ biết là tôi không có dây với ai cả, ai làm tốt thì tôi dùng, không làm tốt thì tôi không dùng!”.

Với nhiều CLB, một số trọng tài chẳng khác nào nỗi ám ảnh
Với nhiều CLB, một số trọng tài chẳng khác nào nỗi ám ảnh

Nhưng rồi, khi đã thật sự nhập cuộc, ông Lâm không ít lần phải đau đầu vì những đề xuất khó hiểu của các trợ lý xung quanh ông. Đặc biệt là sau mỗi sự cố của giới trọng tài, trong bản đề xuất kỷ luật trọng tài của các ủy viên gửi lên, vị cựu trưởng Ban trọng tài chợt nhận ra rằng trọng tài nào thân với ai, và đi theo “dây” nào.

Ông Lâm nói: “Tôi lấy ví dụ như vụ trọng tài Hoàng Anh Tuấn trên sân Chi Lăng năm ngoái. Anh tin không? Lỗi của trọng tài làm sai lệch kết quả trận đấu, khiến khán giả quậy tưng bừng, vậy mà có ủy viên đề xuất tôi chỉ nên treo còi anh Tuấn 2 trận. Tôi kiên quyết bảo phải treo 6 trận vì lỗi ấy quá nặng!”.

Nhưng rồi, sau khi ông Lâm bị đình chỉ công tác, vị ủy viên nọ trở lại nắm quyền sinh – quyền sát trong Ban trọng tài, người ta lại thấy cảnh trọng tài Hoàng Anh Tuấn được cất nhắc, có tên trong danh sách đề cử “còi vàng” 2013, dù năng lực của trọng tài Hoàng Anh Tuấn đã xuống thấy rõ, dù trong năm 2013, bản thân vị trọng tài này cũng từng bị treo còi sau sự cố trên sân Vinh ở vòng 5 V-League.

Còn nữa, người hâm mộ cứ mãi thắc mắc tại sao các trọng tài khi kiểm tra ở trong nước thì đạt chuẩn, nhưng đến khi ra nước ngoài thi lên FIFA thì lại trượt? Dù các bài kiểm tra cấp quốc gia và cấp FIFA giống hệt nhau. Đấy là vì trước đây, trong các đợt tập huấn và sát hạch trọng tài, người ta thường dùng các thiết bị bấm giờ bằng tay. Có khi người thi chưa chạy đến đích thì người bấm đồng hồ đã bấm dừng thời gian, nên chạy cỡ nào cũng đạt chuẩn.

Tuy nhiên, khi ra đến nước ngoài, khi FIFA kiểm tra thì họ toàn dùng bằng máy, mà máy móc thì không biết nói dối. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngày VPF nắm quyền tổ chức giải, việc đầu tiên ác sếp ở VPF muốn cải thiện là công tác kiểm tra trọng tài, thay các thiết bị bấm tay bằng máy móc. Bởi, các ông bầu đang ngồi ở các vị trí chóp bu của VPF quá hiểu những zíc-zắc trong giới trọng tài nội, họ muốn ngăn ngừa tiêu cực từ trong nội tại của Ban trọng tài.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà VPF lúc còn ăn nên làm ra không dưới đôi ba lần đề xuất phương án thuê trọng tài ngoại. Chưa bàn đến năng lực giữa trọng tài nội và trọng tài ngoại, người ta cần trọng tài ngoại trong các trận đấu căng thẳng cơ bản xuất phát từ chỗ người ta không tin sự công tâm của một vài trọng tài nội. Công tâm sao được khi trong các sự cố liên quan đến giới trọng tài nội thời gian qua, những vị “vua áo đen” luôn biết cách mắc các lỗi nhận định theo kiểu luôn làm lợi cho một đội và gây thiệt hại cho đội còn lại?

Công tâm sao được khi các quan ở Ban trọng tài mỗi khi nhận xét về lỗi trọng tài chỉ mổ băng theo kiểu “thầy bói xem voi”, xem đúng một tình huống bị phản ứng nhiều nhất, mà không xem hết toàn bộ diễn biến trận đấu. Dù một trọng tài bắt đúng trong một hay một vài tình huống chưa chắc là một trọng tài công tâm trong suốt 90 phút?

Và công tâm sao được khi mà ngay đến 2 trọng tài bị điều tiếng nhiều nhất trong năm mang tên Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Phạm Công Khanh, sau khi gây thiệt hại đáng kể cho các CLB XM Xuân Thành Sài Gòn và Thanh Hóa vẫn được cất nhắc đề cử “còi vàng”, bất chấp năng lực, bất chấp phản ứng của dư luận.

Trọng tài là một trong những khâu gây nhức đầu nhất của bóng đá Việt Nam. Ở nơi ấy, người ta đã làm nhiều cách để ngăn ngừa tiêu cực trong giới này, như tăng thu nhập cho họ, hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật, thay đổi lãnh đạo Ban… nhưng trọng tài yếu vẫn cứ yếu, phức tạp vẫn cứ phức tạp.

Còn tại sao trọng tài yếu nhưng vẫn cứ được thăng tiến? Cái này thì phải xem lại con đường đi lên của họ. Cái này thì phải hỏi bây giờ ai là người đang thực sự nắm quyền ở Ban trọng tài? Và ai là những cấp dưới thân cận với họ?

(Theo Dân Trí)

 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X