Bàn thắng mở tỷ số từ khá sớm của Evaldo, thêm pha dứt điểm nâng tỷ số lên 2-0 (với Oseni là tác giả), cùng một thế trận khá đảm bảo, người của HA.GL không hề biết rằng, đấy lại là bắt đầu cho một bi kịch. Họ để chủ nhà tân binh V-League vùng lên ở những phút cuối trận rồi ghi liền 2 bàn thắng, mà tác giả lại là một trung vệ, Lê Hoàng Phát Thierry.
Nghịch cảnh của “King” Evaldo
Rất đều đặn, kể từ năm 2009, khi lần đầu tiên xuất hiện tại V-League trong màu áo HA.GL, Evaldo Goncalves luôn sở hữu hơn 10 bàn thắng/mùa giải. Cùng với sự ra đi của Agostinho năm đó, rất nhiều người tin rằng, HA.GL đã có sự thay thế xứng đáng và một trang sử mới của đội bóng phố núi sẽ được viết, 5 năm, kể từ sau lần cuối cùng họ còn đứng trên bục nhận danh hiệu (2004). Tuy nhiên, thực tế lại là một câu chuyện khác, như thể nghịch lý vậy.
Evaldo (phải) là chân sút xuất sắc bậc nhất V-League trong vòng 4 năm trở lại đây nhưng anh chưa có một danh hiệu nào cùng với HA.GL |
Cũng tựa như Agostinho, kỹ năng “lên đầu” làm tường của Evaldo là một trong những điểm mạnh. Nhưng, Evaldo trội hơn đồng nghiệp đồng hương ở khả năng độc lập tác chiến trong những tình huống cụ thể một đối một. Trong tổng số trên dưới 50 bàn thắng ghi được cho HA.GL đến thời điểm này, chỉ có hơn chục bàn được thực hiện bằng đầu, còn lại hơn 20 bàn bằng chân phải (bao gồm cả các tính huống sút penalty), 14 bằng chân trái và các bộ phận khác.
Trong số các ngoại binh (kể cả công thần Kiatisuk) từng khoác áo HA.GL, Evaldo được xem là một trong những cầu thủ chuyên nghiệp bậc nhất. “Gỗ” đã trải qua nhiều triều đại HLV, nhưng “King” Evaldo luôn có suất đá chính, bởi ngoài tài năng, anh luôn giữ mối quan hệ rất tốt với đồng đội, trên sân cũng như trong phòng thay đồ và cả cuộc sống ngoài sân cỏ (Evaldo được đặc cách sống cùng gia đình trong một căn hộ của HA.GL, bên ngoài Trung tâm Hàm Rồng).
Tất nhiên, với điều kiện sống và một môi trường cống hiến lý tưởng tại HA.GL, Evaldo không thể mơ ước nhiều hơn. Nhưng vẫn có cảm giác xót xa, khi một trong những tiền đạo hay nhất trong lịch sử V-League, đã và đang đối chọi với nghịch cảnh như một vị vua không ngai vậy.
Hay số phận của HA.GL?
Sau khi đã bình định cuộc khủng hoảng ở khung gỗ (với sự hiện diện của thủ thành Akpan ở mùa giải thứ 3 liên tiếp), HA.GL hướng đến cuộc đua vô địch bằng việc đưa về Hàm Rồng chân sút Oseni, vừa gây tiếng vang trong màu áo K.KG ở mùa giải trước. Với Oseni, chắc chắn Evaldo sẽ bớt cô đơn hơn trên tuyến đầu, sau bao mùa giải đơn thương độc mã, với trách nhiệm ghi bàn quá nặng nề. Và thực tế, khả năng xuyên thủng của “Gỗ” đã được cải thiện rất nhiều.
Bỏ qua trận mở màn trắng tay ở Hàng Đẫy, HA.GL dội vào lưới ĐT.LA 2 bàn không gỡ, thêm các pha lập công nữa ở trận đấu Cúp với XMXT.SG và nếu may mắn hơn, số lượng các bàn thắng đã không dừng lại, khi ít nhất 2 cú ra chân của Evaldo và Oseni, bóng tìm đến trúng xà ngang khung thành Thanh Hóa trong trận đấu ở vòng 3 V-League 2013. Tuy nhiên, “Gỗ” lại thấm nước, trận đấu ở Đồng Nai mới đây và đỉnh vinh quang ngày càng xa vời, khi công làm thủ phá.
Đã tốt gỗ, nhưng cần phải tốt cả nước sơn. Từ độ chục năm đổ lại đây, HA.GL đã chi những khoản tiền kha khá cho thị trường chuyển nhượng để đảm bảo rằng mình có những cầu thủ tốt nhất, nhưng sự ổn định trong cabin BHL lại luôn là thứ xa xỉ. Và đây mới là mấu chốt của mọi vấn đề. HLV Choi Yoon Gyum đã từng được xem là một giải pháp lý tưởng, nhưng không hẳn thế.
Rất nhiều các trận đấu HA.GL bị mất điểm oan, vì những tính toán sai lầm về chiến thuật với sơ đồ 3-5-2 không còn hợp thời. Ví như trận đấu với Đồng Nai, trong hoàn cảnh dẫn 2-0, đáng ra HLV Choi phải đưa được những phương án để gia cố hàng phòng ngự, thì ông lại thúc học trò tiếp tục nhao lên để rồi dính đòn. Chừng nào HA.GL chưa thể tìm HLV tốt nhất để chỉ đạo những cầu thủ tốt nhất thì chừng đó đội bóng phố núi còn lỗi hẹn với cuộc đua vô địch ở V-League.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)