ĐT Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018: Sứ mệnh giải cứu
Thứ Năm 26/07/2018 21:03(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên ĐT Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 mang trách nhiệm cõng trên vai cả một nền bóng đá tiếp tục trở lại lối mòn với những vấn đề chưa bao giờ được sửa chữa rốt ráo.
Hiệu ứng U23 nhạt dần
Giành ngôi á quân tại VCK U23 châu Á 2018, ĐT U23 Việt Nam trở thành những người hùng vực dậy cả một nền bóng đá đang trượt dốc về niềm tin. Nhờ hiệu ứng U23 Việt Nam, V-League 2018 được hưởng lợi khi khán giả kéo đến sân như trẩy hội trong những vòng đầu tiên.
|
Thành công của U23 Việt Nam tại sân chơi châu lục giúp V-League 2018 hút khách trong những vòng đầu. |
Nhưng kể từ vòng 6 khi hiệu ứng U23 Việt Nam nhạt dần, các sân cỏ Việt dần vắng khách. Đáng ngại hơn cả là những vấn nạn của bóng đá Việt quay trở lại với nạn bạo lực sân cỏ, những tranh cãi về trọng tài, hình ảnh chưa đẹp từ các khán đài,...
Việc Sầm Ngọc Đức một lần nữa "tung chưởng" vào người cầu thủ đối phương tiếp tục khiến người hâm mộ ngán ngẩm. Chỉ trong vòng một năm, Sầm Ngọc Đức dính hai án treo giò với tổng số trận phải nghỉ lên đến 12. Tính riêng ở mùa giải 2018, cầu thủ này đã phải nhận 6 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ.
Thời gian gần đây, Công Phượng và một số cầu thủ HAGL cũng không còn giữ được bình tĩnh trên sân cỏ nữa. Những hình ảnh không đẹp của HAGL bị đem ra mổ xẻ, những người hiểu chuyện chỉ lắc đầu rằng HAGL đang "hòa tan" với môi trường V-League mất rồi, hay chính môi trường đó khiến các cầu thủ phải phản ứng như thế.
Ngay cả một đội bóng được bầu Đức định hướng "đá đẹp" cũng dần phản ứng như thế, thì bảo sao khán giả càng về cuối mùa càng cảm thấy nản.
|
Các khán đài của V-League 2018 dần vắng khán giả. |
Từ đầu mùa, các chuyên gia nhận định hiệu ứng U23 Việt Nam chỉ tồn tại được khoảng 5 vòng đầu tiên, V-League 2018 có còn hút khách hay không là do chính các đội bóng. Và lượng khán giả đến sân giảm dần là minh chứng rõ nhất.
Chỉ trong 5 vòng đầu tiên, các khán đài của V-League 2018 đón tổng cộng 353.000 lượt khán giả, trung bình 70.600 người mỗi vòng. Tuy nhiên từ vòng 6 đến vòng 13, trước thời điểm World Cup 2018 diễn ra, tổng lượng khán giả đến sân ở tám vòng đấu này là 366.200 lượt, trung bình chỉ 45.775 khán giả đến sân mỗi vòng.
Từ vòng 14 đến vòng 20 với ảnh hưởng từ World Cup 2018, lượng khán giả đến sân còn giảm rõ rệt với 213.600 lượt khán giả, trung bình 30.500 người mỗi vòng. Điều đó cho thấy khi hiệu ứng U23 Việt Nam đã hoàn toàn phai nhạt dưới sức tác động của World Cup 2018, các sân cỏ Việt cần một cú hích để kéo khán giả trở lại.
Chờ hiệu ứng từ ĐT Olympic Việt Nam
Giới chuyên môn nhận định cơ hội để tạo ra cú hích với bóng đá Việt Nam chính là ở ASIAD 2018 diễn ra trong tháng Tám tới. ĐT Olympic Việt Nam có thời gian chuẩn bị khoảng hơn nửa tháng với việc V-League tạm dừng cho mục tiêu chung tại đấu trường châu lục.
|
ĐT Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 có thể trở thành cú hích để kéo người hâm mộ đến sân trong vòng còn lại ở V-League 2018. |
Nếu ĐT Olympic Việt Nam với nòng cốt là những cầu thủ vừa lên ngôi á quân hồi đầu năm tiếp tục chơi ấn tượng tại ASIAD 2018, những ký ức tại VCK U23 châu Á sẽ ùa về với người hâm mộ. Chắc chắn khi đó, niềm tin của người hâm mộ sẽ quay trở lại, hình ảnh các khán đài được lấp kín khán giả như hồi đầu mùa cũng sẽ quay về.
Những người làm bóng đá Việt hiểu được điều ấy, các cầu thủ cũng hiểu được điều đó. Thế nên gánh nặng lên vai các cầu thủ càng nhiều hơn, HLV Park Hang Seo không dưới một lần nhắc tới áp lực từ sự kỳ vọng của người hâm mộ.
|
Thái League tăng suất cầu thủ ASEAN kể từ mùa giải tới. |
Nhìn sang các nước bạn, Campuchia dù đội tuyển quốc gia bị đánh giá thấp, hiếm khi gây ấn tượng nhưng các khán đài của họ vẫn đông khán giả. Thái Lan từ mùa giải tới tăng suất cầu thủ ASEAN với tham vọng biến Thai League thành giải VĐQG có độ phủ sóng bao trùm khu vực Đông Nam Á.
Còn V-League thì sao? Chẳng nhẽ cứ mãi đợi những cầu thủ trên tuyển tỏa sáng để kéo khán giả đến sân trong thời gian ngắn rồi lại... chờ đợi tiếp?
Xem thêm những bài viết khác về ĐT Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018:
Như Đạt (TTVN)