HA.GL đang tạm dẫn đầu với 27 điểm sau 15 trận đã đấu; SLNA, SHB.ĐN và HN.T&T xếp ở các vị trí tiếp theo với cùng 26 điểm, và nếu có thêm một ứng viên nữa cho cuộc đua, đó phải là Thanh Hóa với 3 điểm ít hơn đội dẫn đầu.
Liệu 5 cái tên kể trên có đủ để hình thành một cuộc chiến giành giật chức vô địch thực sự ở V-League 2013?
Có thể
Sự xuất hiện của SG.XT (tên gọi tiền thân của XMXT.SG) ở mùa giải trước đã tạo nên sự thú vị cho các bữa tiệc V-League cũng như Cúp QG. Đội bóng của bầu Thụy đã đi đến cả 2 trận chung kết, tất nhiên, nếu giành chiến thắng, họ sẽ là quán quân. Nhưng ngay cả XMXT.SG cũng chỉ có thể chọn Cúp QG vì túi tiền không cho phép (với quỹ thưởng được hứa lên đến 12 tỷ, nếu đội bóng vô địch V-League 2012). Người trong cuộc buộc phải toan tính.
Liệu HA.GL (giữa) có giữ được ngôi đầu trước thế hợp tung của 2 đội bóng bầu Hiển? |
Trước nữa, tại V-League 2011, thế “ỷ dốc” của HN.T&T (nhà ĐKVĐ vào thời điểm đó) và SHB.ĐN (cựu vương 2009) lần đầu tiên bị phá vỡ sau “trận chung kết” trên sân Vinh, mà đội bóng xứ Nghệ là những người giành chiến thắng.
Ở mùa giải đó, cơn khát vô địch của người hâm mộ SLNA là quá lớn sau 10 năm chờ đợi, khiến thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng không thể không quyết tâm, nên có rất nhiều trận đấu mà các cầu thủ SLNA chơi hơn 100% sức lực.
Dài dòng như thế để thấy rằng, chúng ta cần những khát vọng vô địch thực sự, với những cái tên cụ thể, mới có thể hình thành một cuộc đua. Năm nay, không chỉ có SLNA, mà xuất hiện thêm HA.GL rất danh chính ngôn thuận.
So với sự thiếu ổn định của SLNA ở mùa giải này (trước khi hành hạ ĐT.LA với tỷ số 8-0, SLNA từng trải qua 5, 6 lượt trận không biết mùi chiến thắng), xem chừng HA.GL nghiêm túc hơn trên đường đua.
Vấn đề là, “Gỗ” dù đã tốt, nhưng cần phải thêm nước sơn nữa. Hàng phòng ngự của HA.GL đã và đang được đánh giá cao, nhưng trên tuyến đầu, chỉ cần một trong 2 cái tên Oseni hay Evaldo ngồi ngoài (vì thẻ phạt hay chấn thương chẳng hạn), rất nhanh chóng, “Gỗ” lại mềm như bánh đa nhúng nước.
Để vô địch, HA.GL cần thêm những giải pháp ở hàng công. Tuy nhiên, ngay lúc này, ai sẽ cho họ giải pháp nếu không phải tự lực cánh sinh?
Cờ hay là cờ tàn. Khi giải đấu vẫn còn ít nhất 7 lượt trận (8 cho SHB.ĐN và HN.T&T), quả thật là rất khó nói trước. Có thể sẽ có “đòn hy sinh” cho đấu trường thứ cấp: Cúp QG, danh hiệu mà cả HN.T&T và HA.GL, những đội bóng hàng đầu đang còn thiếu và đã có suất chơi tứ kết.
Và không thể
Nếu bóng đá tồn tại các mối quan hệ hữu cơ, tốp 5 đội dẫn đầu sau vòng 15 như đã nhắc khó có thể hình thành một cuộc đua sòng phẳng. SLNA và HA.GL khó thể làm đối trọng với SHB.ĐN và HN.T&T nếu độc lập tác chiến.
Kể từ khi HN.T&T bước lên V-League (2009), phần còn lại vẫn luôn nhắc tới SHB.ĐN và HN.T&T như cái gai trong mắt, biết và tức lắm, nhưng không làm gì được…
Khi yếu tố con người quyết định luôn năng lực chinh phục, cũng chỉ có nhiều nhất 4/5 cái tên đủ sức cạnh tranh đến vòng đấu cuối cùng. Thanh Hóa không được xếp cùng “chiếu”, đơn giản, bởi họ cũng chỉ “khôn nhà dại chợ” và thường xuyên để mất điểm vào những thời điểm nhạy cảm. Quyết định xử lý kỷ luật nội bộ với trung vệ Ngô Anh Tuấn được xem là muộn còn hơn không, nhưng nó chưa đủ tính răn đe. Và ngoài ra, Thanh Hóa không sở hữu tính cách của nhà vô địch V-League.
Trước khi SHB.ĐN vô địch lần đầu tiên sau 17 năm vào năm 2009, V-League đã luôn hình thành những cuộc đua song mã rất đáng xem, với đỉnh cao là những cuộc đấu tay đôi giữa B.BD và ĐT.LA hay ĐT.LA-HA.GL.
Những hiện tượng còn lại như Nam Định hay Bình Định cũng chỉ để phụ họa cho bức tranh thêm màu sắc, chứ không được liệt vào hàng ứng viên. Thực tế là đã hơn một lần bóng đá thành Nam đến gần chức vô địch, nhưng phút cuối họ đã từ chối.
Có người nói, rồi đâu sẽ lại vào đấy cả thôi. Tức là chức vô địch V-League 2013 sẽ là chuyện riêng của bầu Hiển (hay các đội bóng của ông)?! Cũng chẳng sao, bởi họ đủ lực và đủ sự thuyết phục để đoạt nó.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)