Có một thực tế là ở V-League, số đội muốn trụ hạng còn đông hơn số đội cạnh tranh ngôi vô địch. Thế nên, mùa nào cũng vậy, cuộc đua đến các suất trụ hạng tại giải VĐQG luôn là cuộc đua rất gây cấn…
Quá nửa số đội tham dự giải chỉ mong… trụ hạng
HLV Vũ Quang Bảo của Quảng Nam nói thẳng mục tiêu của đội bóng đất Quảng năm nay là trụ lại V-League. Đấy cũng là mục tiêu chung của 2 tân binh khác là Than Quảng Ninh và HV.An Giang. Lực lượng mỏng, cầu thủ thiếu kinh nghiệm, còn bỡ ngỡ với sân chơi V-League khiến các đội bóng tân binh hiếm khi đặt mục tiêu cao ở các kỳ giải VĐQG (trừ trường hợp của V.Ninh Bình năm 2010 và XM Xuân Thành Sài Gòn năm 2012, nhờ họ có quá nhiều ngôi sao, quá nhiều cầu thủ thiện chiến).
Quảng Nam (áo trắng) và HV.An Giang đều là các đội có nguy cơ rớt hạng
Mà không chỉ riêng có các tân binh như HV.An Giang, Quảng Nam hay Than Quảng Ninh, nhiều đội bóng khác cũng chỉ mong tiếp tục được hiện diện ở V-League mùa sau. Đồng Nai và ĐT Long An là 2 trong số đó. Đội bóng của bầu Thắng có lúc từng nói đến chuyện lọt vào top 6 khi mùa giải kết thúc. Nhưng người hiểu chuyện biết rằng với Gạch, trụ hạng đã là thành công đáng kể, khi nhìn vào thực lực của cựu vương này thời điểm hiện tại.
So với Gạch, Đồng Nai của HLV Trần Bình Sự thực tế hơn nhiều. Ông Sự không ngần ngại giấu giếm chuyện đội bóng miền Đông Nam bộ chỉ là đội thuộc hàng yếu của V-League và việc tiếp tục duy trì sự có mặt của mình ở hạng đấu cao nhất Việt Nam qua từng năm đã là thành công đánh kể. Với V.Ninh Bình, mọi chuyện có khi cũng thế. Có thể đội đương kim vô địch cúp quốc gia, đồng thời là tân vô địch siêu cúp rất thích mơ mộng, nhưng đừng quên rằng ở V-League năm ngoái, V.Ninh Bình suýt rớt hạng.
Tính ổn định luôn là điểm yếu nhất của đội bóng đất Hoa Lư, nên năm nay, có thể sẽ không có gì lạ nếu như người ta chứng kiến cảnh V.Ninh Bình lặn ngụp ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Chưa kể việc họ còn đá ở cúp châu Á, nơi sẽ khiến họ tốn nhiều sức và bị phân tán lực lượng.
Cái tên cuối cùng trong nhóm nổi tiếng bất ổn là Hải Phòng. Giống như V.Ninh Bình, Hải Phòng có lực lượng không tệ, nhưng thành tích trên sân của họ ít khi tốt vì nội bộ luôn có những vấn đề không nhỏ. Năm nay, việc đội bóng đất Cảng thay HLV trưởng chỉ ít ngày trước giờ bóng lăn có thể là một điềm báo bất ổn khác, và rất ít người dám đặt vào kỳ vọng tiến xa của đội Hải Phòng.
Nhiều trận “chung kết ngược”
Ở những vòng đấu đầu tiên, người hâm mộ được chứng kiến không ít các cặp đấu giữa các đối thủ trực tiếp, vốn có nguy cơ rớt hạng khá cao. Vòng 1 là cuộc đối đầu giữa Quảng Nam và HV.An Giang, đến vòng 2 là cuộc chạm trán giữa HV.An Giang và Đồng Nai. Đấy đều là các trận đấu mà đội thắng còn có hơn 3 điểm, khi họ không chỉ có số điểm tối đa sau 1 trận đấu, mà còn trực tiếp tước điểm từ tay đối thủ cạnh tranh.
Tình cảnh của cặp đấu giữa Quảng Nam và Hải Phòng ở vòng 3 có lẽ cũng vậy. Đội bóng đất Quảng có thể thua đậm đối thủ mạnh SL Nghệ An bằng tỷ số của 1 ván quần vợt (1-6), nhưng chỉ cần họ thắng Hải Phòng trên sân nhà, mọi chuyện sẽ khác, gánh nặng trụ hạng sẽ được trút bớt nơi đoàn quân của HLV Vũ Quang Bảo. Từ nay đến cuối mùa, các trận đấu giữa những đội cạnh tranh trực tiếp vé trụ hạng với nhau không hiếm, nên V-League 2014 sẽ có rất nhiều trận “chung kết ngược”.
Đấy sẽ là cuộc đua hết sức hấp dẫn vì tính cạnh tranh trong cuộc đua này rất cao, do có nhiều đội có nguy cơ. Với riêng bóng đá Việt Nam, có thể người ta… ngại đoạt ngôi vô địch (vì vô địch đồng nghĩa với việc phải đá cúp châu Á vốn cực kỳ tốn kém, lại khó có khả năng tiến xa), nhưng trụ hạng luôn là mục tiêu bắt buộc, nên cuộc đua đến các chiếc vé trụ hạng bao giờ cũng sôi nổi.
Theo Dân Trí