Không phải đến khi ra mắt cuối tự truyện mà từ nỗi đau ở Bacolod, Công Vinh và Văn Quyến thường được đặt cùng nhau với một chữ "nếu".
Nếu Văn Quyến không sa ngã
"Nếu sự nghiệp dài hơn hơn, chúng ta đã có một ngôi sao vượt ra khỏi khu vực, để trở thành một trong những ngôi sao thực thụ của châu lục" - Công Vinh cũng phải dùng chữ "nếu" trong phần đề tựa về Phạm Văn Quyến, thần đồng sa ngã của bóng đá Việt Nam.
|
Công Vinh và Văn Quyến gợi nên nhiều tranh cãi của bóng đá Việt Nam. |
Chính Công Vinh cũng phải thừa nhận Văn Quyến bằng hai chữ "thiên tài". Thậm chí trong cuốn tự truyện, Công Vinh thừa nhận cũng có đôi lần thầm trách ông trời vì không có được dù chỉ là một chút thiên tài của Văn Quyến.
Nhiều người cho rằng nếu Văn Quyến không vướng vào vòng lao lý, Công Vinh mãi mãi chỉ là một cái bóng.
Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng vết trượt dài của Văn Quyến đại diện cho một mặt khác của bóng đá Việt Nam. Một mặt tối đã được nói rất nhiều, ngay cả Công Vinh cũng phải thừa nhận những gì trong tự truyện vẫn còn là nói giảm, nói tránh.
Mặt tối của bóng đá Việt Nam
Trong tự truyện của mình, Công Vinh thừa nhận lò đào tạo của SLNA luôn bị bủa vây bởi những cám dỗ và cả cạm bẫy. Công Vinh và Văn Quyến hay bất cứ cầu thủ nào khác từng trưởng thành từ lò đào tạo SLNA chắc chắn đều trải qua những cám dỗ như thế.
Cứ thế, Văn Quyến sống trong những lời tung hô, sống trong rượu và thuốc lá để rồi trượt mãi. Ngay cả người bạn thân Hồng Tiến cũng được Công Vinh tiết lộ trong tự truyện về vấn đề bán độ, và cũng run vì sợ đòn thù của dân anh chị nếu không làm theo.
|
Phạm Văn Quyến dính vào scandal bán độ rồi đánh mất cả sự nghiệp. |
Và Công Vinh, dù không dưới một lần khẳng định chưa từng bị đặt vấn đề bán độ nhưng có chắc sự thật là thế. Bởi chính anh cũng thừa nhận ẩn đi nhiều việc còn kinh khủng hơn trong cuốn tự truyện của mình.
Bên cạnh ánh hào quang, giới cầu thủ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều mặt trái của xã hội. Và nếu đủ khôn khéo, họ vẫn có thể cân bằng giữa những lằn ranh để tiếp tục. Và nếu không đủ tỉnh táo, vết trượt của Văn Quyến, hay những đòn thanh toán mà người ta không biết vì tư thù, hay vì tiêu cực.
Chí Công hồi còn thi đấu cho Bình Dương bị đuổi chém (2011), Hồng Việt của SLNA cũng nhập viện với lý do tương tự (2012),... Vòi bạch tuộc của giới xã hội vươn sâu vào bóng đá, đôi khi buộc các cầu thủ phải lựa chọn, hoặc đặt mình vào lòng nguy hiểm.
Từ hình ảnh của Công Vinh và Văn Quyến, người ta hiểu thêm một phần khác của bóng đá Việt Nam. Về cuộc chiến trong chính tâm tưởng của các cầu thủ, đôi khi còn khốc liệt hơn cả những màn so tài trên sân cỏ.
Như Đạt (TTVN)