Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện các trọng tài VN: Sướng - khổ đời “Vua”

Thứ Sáu 30/03/2012 21:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Lâu nay cụm từ “Vua sân cỏ” thường được liên tưởng đến tầm quan trọng của lực lượng trọng tài, hàm ý cũng nói lên quyền lực ghê gớm của chiếc còi trong tay họ. Song 10 vòng đấu đã qua của V-League 2012, giới cầm còi nội lại cảm thấy chẳng sung sướng gì khi bị chính “thần dân” là các câu lạc bộ cũng như dư luận hành cho “ra bã”.

1 Không giống như cầu thủ hay huấn luyện viên, trọng tài không phải là nghề chính thức, mà chủ yếu tự nguyện. Ở Tây hay ở ta, người bước vào nghề cầm còi rất đa dạng, được xã hội hóa sâu rộng. Đầu vào của các trọng tài quá xét nét chuyện xuất thân từ ngành nghề gì. Đó có thể bác sĩ, cảnh sát, thẩm phán cho tới giáo viên, thầy dạy thể dục... Điều quan trọng nhất, mọi ứng viên có tâm huyết và thực sự yêu nghề trọng tài đều có thể dấn thân vào con đường nhiều gai góc này

Vạch xuất phát là thế, còn mỗi trọng tài có số phận khác nhau, sự nghiệp thăng hay trầm phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nghề trọng tài ở ta cũng đa số là công việc tự nguyện, nghề tay trái đơn thuần. Tuy thế, đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nghề, kể từ khi bóng đá nội phát triển chóng mặt về sự vung tiền.

Trọng tài Việt Nam thu nhập hiện nay tương đối cao, nhưng phải chịu rất nhiều áp lực

Bây giờ, các CLB dự V-League 2012 đổ vào cả đống tiền cho việc hoạt động của đội, tiền lương thưởng, chuyển nhượng cầu thủ. Mức lương HLV nội giỏi cũng lên đến cả trăm triệu đồng. Trọng tài dù không thể so sánh, nhưng cũng đã được nâng cấp về chế độ. Đã có phong trào đi học nghề trọng tài nở rộ, coi như là một nghề thu nhập không đến nỗi nào so với lương công chức. VPF đã nâng chế độ cho giới trọng tài để phần nào chống tiêu cực, “ăn vào đội bóng”, như lời Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Có thể “Vua sân cỏ” thu nhập thua xa giới cầu thủ, huấn luyện viên, song vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung xã hội vào lúc này. Chế độ trọng tài chính V-League bây giờ là 8 triệu/trận, còn trợ lý trọng tài là 5 triệu/trận. Nếu kể cả tiền đi lại, công tác phí, thu nhập một trọng tài dao động từ 7 đến 10 triệu trong 1 tuần. Ví dụ như “Còi vàng” năm 2010 Võ Minh Trí vừa là giáo viên thể chất trường trung học phổ thông, lẫn hưởng chế độ thổi V-League, một tháng thu nhập cũng lên đến 50 triệu đồng. Chưa kể, ông Trí đang thuộc nhóm trọng tài Elite của FIFA, khi thực hiện nhiệm vụ các trận đấu vòng loại World Cup, ASIAD hay Asian Cup, con số trên còn cao hơn nhiều.

Đem so sánh với mức thu nhập các trọng tài khu vực Đông Nam Á, có thể thấy trọng tài Việt nằm trong Top 3 chứ chẳng đùa. Lúc này, trọng tài Indonesia hưởng chế độ lên đến 600 USD/trận thổi giải quốc nội. Tiếp theo trọng tài Singapore cũng mức chi phí 450 USD/trận. Riêng trọng tài Việt Nam lẫn Thái Lan chia nhau vị trí thứ 3, có khoản thu nhập bây giờ tương đương 400 USD/trận.

Rõ ràng, trọng tài Việt Nam có thể sống dư dả nếu thực sự có năng lực lẫn chuyên tâm với nghề. Tuy thế, nỗi lo lắng trọng tài bị “bắn” thủng bởi tiền vẫn chưa được xóa bỏ, thậm chí đã và tiếp tục dâng cao. Các CLB không thiếu tiềm lực, để có được sự thiện cảm từ giới trọng tài đối với mình, không thể loại trừ họ làm mọi cách để mua trọng tài. Đó không chỉ còn là gói kẹo, cân lạc, đài radio như thời bao cấp, mà biến tướng tinh vi, đáng sợ hơn nhiều. Mỗi khi trọng tài đến địa phương nào được tiếp đón thịnh tình, còn hơn cả ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia.

Mùa giải năm trước, Vicem Hải Phòng trụ hạng có phần tai tiếng, khi gắn tiếng còi “méo” của 2 trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết. Cơn bức xúc lên đến đỉnh điểm khiến Hội đồng trọng tài quốc gia bấy giờ treo còi vĩnh viễn 2 vị “vua” này. Chính sự “hiên ngang” đè nghiến đối thủ của Hải Phòng của hai trọng tài này đã khiến cho cái nhìn thiếu thiện cảm, nghi ngờ càng xuất hiện nhiều hơn từ giới trong nghề đến cả dư luận khi mùa giải 2012 bắt đầu.

Chính ông bầu Nguyễn Đức Kiên từng hé lộ chi tiết động trời rằng, bầu Long từng bị trọng tài gạ chi 500 triệu để sẽ giúp Hòa Phát Hà Nội trụ hạng thành công vào năm trước. Thông tin ấy chưa được kiểm chứng, nhưng ai cũng hiểu “không có lửa, làm sao có khói”.

2 Nút thắt tài chính được tháo gỡ, giúp anh em trọng tài an tâm công việc cầm còi. Đã có nhiều đúc rút kinh nghiệm đau đớn từ cuộc “đại phẫu” giới trọng tài năm 2005. Vậy mà sức bật trọng tài năm nay vẫn chưa cao như hy vọng, vẫn nhiều gam màu buồn.

Ngay như vòng 9, hai trọng tài FIFA Võ Minh Trí, Hoàng Anh Tuấn cũng gặp sự cố, còn vòng 10, đương kim “Còi vàng” Võ Quang Vinh cũng bị cổ động viên xứ Nghệ la ó, vì từ chối một quả phạt đền trong trận CLB bóng đá Hà Nội - Sông Lam Nghệ An. Đến trận Kiên Giang - Thanh Hóa, trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh cũng lẫn rồi phạt thẻ đỏ hy hữu với một cán bộ y tế sân Rạch Giá.

Những sai lầm đó rất con người, chỉ có điều nỗi đau đó giới trọng tài không chỉ nhận cho riêng mình, mà gia đình, người thân họ cũng phải gánh chịu phần nào, nhất là trường hợp nổi tiếng cả khu vực, thậm chí cả thế giới. Đã có trọng tài không chịu nổi áp lực đã phải bỏ nghề. Cũng đã có anh phải chia tay sân cỏ vì đã nhận được chức vụ quan trọng hơn, nếu làm trọng tài sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị khi “hân hạnh” được lên báo. Nghiêm trọng hơn, đã có trường hợp ở lượt đi mùa giải này, trọng tài đã thoái thác nhiệm vụ khi bị đẩy đến trận đấu quá nóng...

Tựu trung vấn đề lúc này, giới trọng tài nội thực sự gặp stress trầm trọng. Áp lực quá lớn từ dư luận, lẫn những chiêu trò phản ứng từ CLB, cầu thủ, đẩy lực lượng trọng tài vào cuộc khủng hoảng tâm lý. Nghề trọng tài muốn thổi tốt, thổi hay thì phải thực sự thoải mái khi vào sân mới mong sáng suốt trong tinh thần, điều khiển khách quan, công tâm nhất. Ác nỗi bóng đá nội ngày càng khắc nghiệt, giới trọng tài cứ phải gồng mình sống trong cảnh căng cứng thế này, thì làm “Vua” cũng khổ cực trăm đường và khó hoàn thành nhiệm vụ.

Thôi thì biết làm sao ngoài lời tự động viên giữa họ với nhau: đã dấn thân với nghề thì phải chấp nhận tất cả, trong đó có áp lực. Chỉ sợ tâm không sáng, cùng thiếu phấn đấu. Còn ngược lại, thì cũng phải có một ngày công tác trọng tài sẽ phải tốt lên. Bởi không, chính họ sẽ bị tẩy chay, cũng phải thuê trọng tài ngoại, bởi sự chịu đựng cũng có giới hạn của nó.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X