Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Chưa đến thời doanh nhân lãnh đạo VFF

Thứ Tư 08/05/2013 13:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhìn từ những va chạm trong quá khứ như vụ bản quyền truyền hình V-League hay sự ra đời của VPF, có thể thấy khả năng một doanh nhân lãnh đạo bóng đá khó xảy ra lúc này.

Thời gian qua, có hai luồng quan điểm trái ngược về chiếc ghế Chủ tịch VFF. Quan điểm thứ nhất mà đại diện tiêu biểu là bầu Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng cho rằng đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần dừng việc đưa người của mình lãnh đạo VFF. Còn quan điểm ngược lại của bầu Nguyễn Văn Đệ hay Hoàng Mạnh Trường thì không tin vào sự lãnh đạo của các ông bầu hay người liên quan đến nhóm lợi ích của các ông bầu.

Vị trí Chủ tịch VFF quyết định quan trọng tới hướng đi của bóng đá Việt Nam
Vị trí Chủ tịch VFF quyết định quan trọng tới hướng đi của bóng đá Việt Nam

Bảo vệ cho quan điểm của mình, bầu Đức đã nói rằng: “Bóng đá Việt Nam hiện không còn sống bằng bao cấp, không cần đến tiền Nhà nước”. Điều đó cũng có nghĩa là chức danh Chủ tịch VFF do người của ngành điều ra nắm giữ là không còn phù hợp.

Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn thuyết phục được số đông. Có thể ở các CLB như HAGL, ảnh hưởng của ngành đến các đội bóng là không nhiều nhưng ở tầm mức quốc gia như VFF thì câu chuyện lại khác hẳn. Nhiệm vụ của VFF không chỉ là quản lý các CLB mà còn phải lo cho các đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ, phát triển bóng đá phong trào, xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế với các tổ chức chuyên môn về bóng đá, đại diện cho bóng đá Việt Nam trong những tổ chức bóng đá quốc tế…

Nói rằng “bóng đá Việt Nam không cần đến tiền Nhà nước” lại càng không đúng, bởi theo tính toán hiện nay, số tiền mà ngành chi cho VFF một năm cũng lên tới khoảng 30 tỷ đồng để dùng vào việc trả lương cho HLV trưởng các đội tuyển quốc gia, tiền tập huấn, thi đấu cho các đội, chi phí đào tạo trẻ… Nếu Trung tâm đào tạo trẻ quốc gia khai giảng các lớp bóng đá trẻ từ năm 2014 thì nguồn ngân sách chi cho VFF sẽ càng lớn hơn.

Với nguồn thu hạn hẹp của VFF sau khi mất "miếng bánh lớn" về tay VPF thì tổ chức này sẽ ra sao nếu mất bầu sữa ngân sách. Đó là còn chưa kể đến cơ sở vật chất khang trang rộng vài ha ở Mỹ Đình của VFF cũng phần lớn đến từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Thế nên, trong tương lai gần khó có thể nói rằng VFF đã đủ mạnh để thoát ly hoàn toàn khỏi ngành thể thao.

Đó mới chỉ ở góc độ kinh tế, còn về chức năng nhiệm vụ thì VFF dù mạnh đến đâu cũng vẫn là đơn vị nằm trong sự quản lý nhà nước của ngành. Hơn nữa, bóng đá là môn thể thao đặc biệt, có sức ảnh hưởng xã hội rất lớn nên Bộ cũng cần phải “cầm chắc dây cương”. Nếu để xảy ra những vụ việc lớn như “cơn bão tiêu cực năm 2005” hay vụ chết người ở sân Vinh thì các quan chức cấp trên cũng khó ngồi yên.

Trong những thất bại vừa qua của bóng đá Việt Nam, lãnh đạo ngành từng ít nhất hai lần đề nghị Chủ tịch VFF đương nhiệm từ chức nhưng lần nào những quy định của FIFA cũng được khéo léo đưa ra để từ chối.Thêm nữa, trong những vụ tranh chấp bản quyền truyền hình V-League hay những tranh cãi về sự ra đời của VPF, lần nào quan điểm của ngành cũng đối lập với nhóm các doanh nhân Thế nên, sẽ không có bất ngờ Bộ sẽ tiếp tục giới thiệu ứng cử viên của mình ra giữ ghế Chủ tịch VFF trong nhiệm kỳ tới. Và cũng dễ hiểu nếu người của Bộ trúng cử bởi đơn giản, ngay bản thân các CLB, những người sẽ cầm lá phiếu bầu cho các chức danh chủ chốt ở VFF như bầu Trường, bầu Đệ lại ủng hộ người Nhà nước với mong muốn VFF được ổn định thay vì mạo hiểm trong tay các ông bầu.

(Theo Vnexpress)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X