Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Cầu thủ V-League "mất giá"

Thứ Ba 18/09/2012 13:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá Việt Nam không còn ở thời cầu thủ muốn hét giá bao nhiêu cũng được. Ngay với cả các ngôi sao, giá trị chuyển nhượng cũng bị giảm sút thê thảm.

Nguy cơ mùa giải tới sẽ có một vài ông bầu bỏ bóng đá là rất lớn. Nếu điều đó xảy ra, VPF sẽ gặp khó trong kế hoạch tổ chức giải đấu của mình, trong khi giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ chắc chắn sẽ hạ xuống mức thấp nhất bởi hầu như đội nào cũng kêu ca làm bóng đá chỉ có lỗ to, chẳng dại gì bỏ ra hàng mấy trăm nghìn USD để mua một cầu thủ về đá trong vài năm.

Đoạt danh hiệu Vua phá lưới mùa giải năm nay, nhưng Timothy có nguy cơ thất nghiệp khi chẳng CLB nào muốn nhận anh về. Sau khi thanh lý hợp đồng với CLB Hà Nội, dù từng đạt thỏa thuận với Ninh Bình nhưng đến phút chót, đội bóng cố đô đã bỏ của chạy người khi cái giá của Timothy nằm ngoài sức chi trả. Sau khi bị Ninh Bình từ chối, tiền đạo người Nigeria lưu lạc vào Nam, tìm cơ hội đầu quân cho một số ông lớn như Bình Dương hay Sài Gòn Xuân Thành. Tuy nhiên tại đây, “Bò mộng” ra mức giá lót tay 150.000 USD mỗi năm, cộng mức lương tháng 20.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng) khiến các CLB trên phải lắc đầu, lè lưỡi.

Đình Tùng tự giảm giá để rời Hải Phòng nhưng vẫn chưa tìm được bến đỗ mới.
Đình Tùng tự giảm giá để rời Hải Phòng nhưng vẫn chưa tìm được bến đỗ mới.

Cũng thuộc hàng sao số như Timothy, trong một tiết lộ mới đây, Huỳnh Kesley đòi 400.000 USD tiền lót tay cho mỗi mùa. Nếu vậy, tính thêm cả lương thưởng, mỗi năm, Sài Gòn Xuân Thành phải trả cho cầu thủ gốc Brazil ước chừng 10 tỷ đồng.

Đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các CLB đa số đều cắt giảm chi tiêu, nhưng các ngôi sao vẫn thi nhau hét giá, báo hiệu một mùa giải có nhiều cầu thủ phải ra đường. Cho đến thời điểm này, rất nhiều CLB vẫn còn nợ lương, thưởng cho các CLB. Còn chuyện gia hạn hợp đồng hay mua cầu thủ mới, gần như đang bị ngó lơ. Rất nhiều các CLB nhà nghèo như Kiên Giang, Đồng Tháp đều đang tiến hành “xả hàng” nhằm có thêm kinh phí trang trải các hoạt động của đội bóng, còn có đủ quân số đá tiếp mùa tới hay không thì sau tính tiếp. Không chỉ các đội bóng nghèo, những ông lớn cũng tỏ ra khá thờ ơ trong việc mua sắm và gia hạn hợp đồng. Hết mùa giải năm nay, Sài Gòn Xuân Thành cũng sẽ thải hồi một loạt những cầu thủ cũ, bao gồm Lê Tostao, Đặng Văn Robert, Trọng Bình… và trả Văn Quyến về SLNA nhằm giảm chi phí hoạt động. Ở một số CLB phía Bắc, cũng bắt đầu rao bán các ngoại binh, một số cầu thủ cũng đã bắn tiếng muốn ra đi, nhưng chưa nơi nào nhận.

Ngôi sao cỡ Công Vinh, cũng có nguy cơ thất nghiệp nếu đội bóng của bầu Kiên giải thể. Bỏ ra chừng chục tỷ đồng để mua tiền đạo này về được xem là quá sức với các CLB ở V-League. Ở Hải Phòng, Đình Tùng từng được mua với cái giá 9 tỷ đồng, nhưng "giá" ra đi chỉ bằng một nửa số này, chưa chắc đã có đội nào mua.

Trước nguy cơ bị ế, các cầu thủ đã có những chiêu trò tự đánh bóng thương hiệu của mình để làm giá, tuy nhiên cũng chẳng có mấy CLB quan tâm. Mọi hoạt động mua sắm ở các CLB hiện tại đều án binh bất động.

Thực tế, V-League những mùa trước thường mua bán rất rầm rộ bởi các đội lo sợ “trâu chậm uống nước đục”. Tuy nhiên, mùa giải tới, chính các CLB này còn chẳng biết số phận của mình sẽ đến đâu, sau khi một loạt ông bầu đang chán bóng đá bởi đầu tư không hiệu quả.

Là người theo sát bóng đá Việt Nam nhiều năm qua, chuyên gia Trần Văn Phúc đưa ra những cảnh báo: “Chuyện các ông bầu bỏ bóng đá là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc mỗi năm bỏ ra cả trăm tỷ nhưng thu về gần như tay trắng, khiến các ông bầu bắt đầu chán nản. Các ông bầu không còn mặn mà trong việc đầu tư cho bóng đá, đồng nghĩa với việc giá trị cầu thủ sẽ giảm rất nhiều”.

Cũng cùng chung quan điểm với ông Phúc, cựu HLV CLB Thể Công và Hải Phòng Vương Tiến Dũng cho rằng thị trường chuyển nhượng cầu thủ đã đến lúc trở về giá trị thực. Chính các ông bầu chạy đua để có chữ ký của các ngôi sao trước đây, đã gián tiếp tạo nên những bản hợp đồng bạc tỷ. Còn bây giờ, nếu các ông bầu không mặn mà hoặc ngồi lại với nhau để thống nhất giá cả, họ sẽ không phải chạy theo sau các ngôi sao như trước đây nữa.

Viễn cảnh một mùa giải ảm đạm đang chờ phía trước khi ở thời điểm này, hầu như CLB nào cũng đang đóng băng trong việc mua sắm. Bóng đá Việt Nam đã quá nhiều năm chạy theo những giá trị ảo. Bản thân các ông bầu đến lúc nhận ra mình đã đầu tư quá nhiều, đầu tư một cách vô tội vạ thì cũng là lúc bóng đá Việt Nam có nguy cơ phải tạm hoãn tổ chức các giải đấu.

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X