Chỉ có cầu thủ có lỗi?
Những vụ cá cược và dàn xếp tỷ số ở V.Ninh Bình hay Đồng Nai có thể chưa phải là những vụ cuối cùng được cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng. Một tiết lộ gây choáng váng khác là có rất, rất nhiều cầu thủ ở V-League tham gia cá cược bóng đá ở chính sân chơi mà họ đang tham gia (cho dù tội của số đông cầu thủ này chưa đến mức gọi là dàn xếp tỷ số).
Một khi cầu thủ xem chuyện cá cược bóng đá là chuyện thường ngày, thì cũng nên đánh giá lại người lớn đã trang bị cho cầu thủ những gì? |
Cờ bạc vốn là chuyện bất hợp pháp ở Việt Nam, cờ bạc ngay trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, rồi từ đấy trực tiếp làm thay đổi kết quả trong công việc của chính mình thì câu chuyện lại mang một tính chất khác, nghiêm trọng hơn hẳn.
Cầu thủ thuộc V-League bây giờ xem chuyện cá cược bóng đá xung quanh các trận đấu tại chính V-League dễ dàng và đơn giản như tham gia vào một trò chơi, vậy thì cũng phải hỏi rằng họ đã được trang bị những gì cho hành trang bước vào nghề và bước vào đời?
Rồi trong suốt quà trình được đào tạo, cũng phải hỏi người ta đã trang bị những gì cho giới cầu thủ, đến nỗi khi trưởng thành họ nhận thức lệch lạc ngay ở cái nghề của chính họ, xem việc phạm một tội tày đình chỉ như một việc cỏn con mà phần đông các cầu thủ đều có thể làm?
Nên nhớ, mục đích đầu tiên và rất cao cả của các phụ huynh khi gửi gắm con em mình theo nghiệp thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là tránh xa những cám dỗ nơi cuộc sống, tránh xa những thói hư tật xấu, trong đó có nạn cờ bạc một khi con em họ dành thời gian để chơi thể thao và cụ thể là đá bóng.
Nhưng bây giờ, khi chính môi trường bóng đá lại là một trường dễ nẩy sinh nạn cờ bạc nhất, thông qua hình thức cá cược bất hợp pháp, thì thử hỏi, niềm tin của các bậc phụ huynh vào những người thầy dạy đá bóng có còn lung linh như xưa?
Lâu nay, chính những người thầy, chính những lò đào tạo trẻ dường như cũng mới dừng lại ở chuyện dạy cho cầu thủ kỹ năng chơi bóng, mà bỏ qua việc phải uốn nắn các em về mặt nhân cách và hết sức lơ là việc trang bị kiến thức văn hóa cho các em. Những cái sai nhỏ, những thói hư vặt vãnh không được nhắc nhở và không được sửa chữa ngay từ đầu, tất yếu dẫn đến những sai phạm lớn!
Cần một cách làm khác
Đến đây, lại phải nói về phương pháp đào tạo cầu thủ của học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG. Học viện ấy được khen cho đến giờ không chỉ vì đấy là nơi đang sản sinh ra một thế hệ cầu thủ có chất lượng kỹ thuật hoàn toàn khác so với những gì người ta biết về cầu thủ Việt Nam trong mấy năm gần đây. Học viện của bầu Đức còn được khen bởi đấy gần như là nơi quyết liệt nhất (nếu không muốn dùng từ “tiên phong”) trong việc dạy văn hóa cho cầu thủ trước khi dạy họ kỹ năng chơi bóng.
Rồi bây giờ người ta cũng hiểu tại sao bầu Đức từng có lần cấm cầu thủ nhận tiền thưởng từ chính VFF, sau khi U19 Việt Nam với thành phần nòng cốt là các cầu thủ của ông thi đấu tốt tại giải Đông Nam Á 2013. Ông Đức không muốn cho cầu thủ của mình hình thành thói quen đá bóng vì tiền, vì ông sợ thói quen này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các cầu thủ trẻ, nhưng chính ông từng thấy nơi phần đông các cầu thủ đã trưởng thành bây giờ. Tiếc thay, không phải lò đào tạo trẻ nào cũng đi theo lộ trình ấy.
Dĩ nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng một người có trình độ học vấn sẽ là một người tốt (vẫn có một số vị có học vị cao làm những điều sai trái), nhưng dẫu sao thì một người có nhận thức vẫn sẽ biết cách phân biệt trắng – đen, biết điều gì nên làm và đâu là điểm dừng trong phạm vi nghề nghiệp của mình.
Điều đó chắc chắn khác xa so với câu chuyện hành xử theo bản năng của phần đông giới quần đùi áo số bây giờ. Một quy trình đào tạo khác với lề lối cũ là điều cần phải thực hiện ngay từ bây giờ, và cũng không thể nói là bóng đá nội hiện không có hình mẫu để học theo!
Theo Dân Trí