Đã là tuyển thủ các ĐTQG từ năm 17 tuổi, có giá chuyển nhượng đắt nhất nhì trên thị trường (9 tỷ đồng), Tấn Trường nổi lên như biểu tượng mới của bóng đá xứ bưng biền Đồng Tháp Mười. Nhưng cuộc sống, cũng như đường hoạn lộ của “người nhện” hay “sếu vườn” Bùi Tấn Trường không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.
Cái khổ như đã buộc vào người
Đó sẽ là những ngày tháng rất đáng quên với nhiều người đã thuộc tầm ngôi sao, nhưng với “sếu vườn” Bùi Tấn Trường thì không. Ít ai từng biết đến một Bùi Tấn Trường tuổi thiếu niên 15 -17 làm nghề bốc vác ở bến bãi để kiếm tiền phụ nuôi người mẹ già và nuôi chính mình. Tất Trường có khá nhiều anh chị em, cùng mẹ khác cha, nhưng đa phần đều… nghèo. Thế nên Trường mới phải bươn trải, khi bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường.
Cho đến tận bây giờ, dù đã có đôi lúc thất vọng với người anh em cô cậu Phan Thanh Bình, nhưng Trường bảo anh vẫn chịu ơn Bình lắm lắm. Chính Bình là người đề bạt với các thầy trên tuyến trẻ Đồng Tháp kéo Trường khỏi vũng lầy, với thế giới của những cửu vạn, ăn to nói lớn, hút thuốc và chửi tục ở các khu bến bãi cái huyện lị nghèo Lai Vung. Rõ ràng quá khứ là cái mà con người ta không thể lãng quên, càng khi mình đã mang ơn ai dù một lần.Từng được xem là thủ môn số một ở ĐTQG nhưng hiện Tấn Trường đang phải vất vả tìm lại vị trí cũ.
Chuyện cũng nhỏ thôi! Khi Trường tất bật chuẩn bị đám cưới với người vợ hiền bây giờ, anh có ngỏ lời Thanh Bình cho mượn chiếc xe để tiện đi lại. Nhưng Bình một mực từ chối. Cũng chẳng có một lời tư vấn nào từ ông anh con cô con cậu đi trước Phan Thanh Bình cho lễ cưới của Tấn Trường hôm đó, và với chỉ một bộ đồ vest, Trường đã diện nó cho cả buổi lễ bên đàng gái từ ngày hôm trước, cho đến buổi tiệc đãi bạn bè gần xa ở Cao Lãnh hôm sau…
Lại nhắc chuyện anh em, người thân. Những người gần Tấn Trường kể lại rằng, khi Tấn Trường đã nổi tiếng, có tiền tỷ trong tay, rất nhiều người đã thân đã tìm đến cầu cạnh, nhờ vả, dù trước đây họ vẫn bặt vô âm tín, thậm chí chẳng thèm đả động đến chuyện mẹ con Tấn Trường sống ra sao. Từ người cha bao năm không thèm nhìn mặt con, đến mấy anh chị cùng mẹ khác cha…, lúc này, họ xem Trường như một cái phao, thậm chí là còn hơn thế.
Dù sao thì Trường cũng không hẹp hòi đến độ cứ nhớ mãi những chuyện trong quá khứ để ứng xử cho thời hiện tại. Anh dùng phần lớn số tiền ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời (5 tỷ đồng, hồi cuối năm 2010 - PV) để giúp đỡ người thân. Anh mua xe du lịch cho một ông anh, giúp đỡ bà chị khác vài trăm triệu có vốn làm ăn, mở cửa hàng Internet cho cô vợ sắp cưới Ngọc Liên, rồi bà con lối xóm nghèo vùng lũ… Cuộc sống của người thân lên hương từ đó, nhưng Tấn Trường thì vẫn thế. Mộc mạc và quê mùa.
Sau này, năm lần bảy lượt, mấy ông anh rồi bà chị ném những đồng tiền mồ hôi nước mắt của Tấn Trường vào sòng bài, cũng lại Trường đứng ra giải quyết. Có lần, Trường phải qua tận Campuchia để chuộc người, chuộc xe về. Vất vả thế đấy! Nhưng Trường không nề hà, cũng chẳng một lời than thân trách phận. Có lẽ hạnh phúc lớn nhất của Tấn Trường là được lo cho người thân, dù biết rằng, lòng tốt cũng có thể bị lợi dụng.
Có một “âm mưu” mang tên Tấn Trường
V-League 2010 kết thúc, Tấn Trường (lúc ấy đang là hàng “hot” trên thị trường chuyển nhượng) được đề nghị một bản hợp đồng kỷ lục với bóng đá Đồng Tháp: 5 tỷ đồng/3 năm, kèm thêm điều khoản gia hạn, cống hiến suốt đời. Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời Tấn Trường biết đến một số tiền lớn như thế. Vì rất nhiều những dự định với quê hương, vì người thân và vì mình, Trường đặt bút ký không một chút do dự. Anh đã không biết rằng, nó là sự bắt đầu của một “âm mưu”.
Mới qua năm đầu tiên của bản hợp đồng, Tấn Trường được (hay bị) lãnh đạo TĐCS.ĐT gọi lên với đề nghị: chuyển nhượng (hay nói thẳng ra là bán) Tấn Trường cho một đội bóng khác. Thoạt nghe, Tấn Trường đã không tin vào tai mình, để rồi sau một hồi thuyết phục (cả năn nỉ), rằng việc chuyển nhượng Trường sẽ giúp đội bóng có thêm kinh phí để tồn tại, chẳng đặng đừng, “người nhện” chấp nhận “bán thân” để cứu bóng đá xứ sở.
Vụ áp phe đình đám Bùi Tấn Trường với giá 9 tỷ đồng về với SG.XT diễn ra sau đó, và toàn bộ số tiền này rót thẳng vào tài khoản của TĐCS.ĐT (nghe đâu Trường cũng chỉ nhận chút đỉnh phần trăm, hay còn gọi nôm na là “tiền phế” trong thương vụ này - PV). Khúc tống biệt hành vang lên như ai oán và Tấn Trường cơm nắm muối vừng tìm lên Sài Gòn, chịu sự dè bỉu của người hâm mộ, cũng như đồng đạo, với tiếng là phản bội, là vì TIỀN đã làm nhòa con mắt.
Không một lời giải thích nào được đưa ra, Tấn Trường lầm lũi, chấp nhận mọi điều tiếng. Thậm chí cho đến sau này, khi bị lãnh đạo đội bóng mới ghép vào vụ “có biểu hiện tiêu cực” (cùng với trung vệ đồng đội Trương Đình Luật), Trường cũng chẳng kêu ca. Thực chất, đó là một “âm mưu” nối tiếp những “âm mưu”, Tấn Trường và Đình Luật chỉ là những con chốt trên bàn cờ thế mà người ta giăng ra, để đánh lạc hướng một bộ phận dư luận.
Cũng thời điểm bị “giam lỏng” vì kỷ luật nội bộ, Trường bị SG.XT bị rao bán và nghe đâu, K.KG, rồi đội bóng cũ TĐCS.ĐT… đã chực nhảy vào. Trường bị biến thành sản phẩm chuyển nhượng. Tuy nhiên, chuyện đó không quan trọng bằng danh dự của một tuyển thủ QG, khi Tấn Trường một lần nữa hứng chịu những dị nghị của tất cả. Và Trường đã làm gì trong những ngày tháng đen tối ấy?! Anh về với vòng tay của gia đình. Trường đã là chồng, là cha rồi, nên phải mạnh mẽ.
Niềm tin bị đánh cắp sẽ rất khó lấy lại. Khi “nghi án tiêu cực” nổ ra ở SG.XT, Tấn Trường và Đình Luật bị gạt ra khỏi danh sách tập trung ĐTQG cho các trận giao hữu quốc tế dưới triều đại HLV Phan Thanh Hùng. Phải, dù đã được ý thức tài năng và là một phần quy hoạch của ĐT, thì những người có trách nhiệm không thể gọi triệu tập một cầu thủ đang dính nghi án và đã không thi đấu suốt một thời gian dài. Đấy lại là một nỗi đau khó vơi khác của Bùi Tấn Trường.
Khóc cho người ở lại
Sóng gió rồi cũng đã qua, Tấn Trường trở lại ngày một mạnh mẽ, ấn tượng hơn. Đỉnh điểm phải là cuộc đối đầu TĐCS.ĐT- SG.XT ở vòng 22 mới đây, trận đấu mà sự xuất sắc của Tấn Trường trong khung gỗ đã gián tiếp đẩy đội bóng quê hương về gần hơn với giải hạng Nhất. Nói thẳng ra là Trường (và SG.XT) đã trao nửa tấm vé xuống hạng cho đội bóng quê hương, nơi đã sản sinh và nuôi nấng mình, bằng chiến thắng 4 sao. Nhưng, bóng đá chuyên nghiệp là thế.
Đấy vẫn là một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của Bùi Tấn Trường, khi hay tin BHL chủ động điền tên mình ở đội hình xuất phát. Trước đó, đồng nghiệp Minh Nhựt (đối trọng của Trường) luôn là sự lựa chọn số một trong khung gỗ của SG.XT (sau khi “nghi án” Tấn Trường và Đình Luật rộ lên). Không biết đó có lại là một âm mưu nữa hay không, nhưng Trường bảo, dù không được đề nghị, anh sẽ vẫn xung phong. Cây ngay không sợ chết đứng!
Trở lại với màn trình diễn ấn tượng của Tấn Trường trong chiến thắng đậm của SG.XT trước TĐCS.ĐT, xứ bưng biền càng đau, càng tê tái hơn. Người ta tính rằng, nếu lãnh đạo TĐCS.ĐT thức thời với việc dùng tiền bán Tấn Trường (9 tỷ đồng) để tăng cường lực lượng hồi đầu mùa, đội bóng có thể đã không lao đao như lúc này. Nhưng cái tâm lý ăn chắc mặc bền của một bộ phận những người làm bóng đá nơi này, đã hại họ.
Cuộc khủng hoảng trong khung gỗ của TĐCS.ĐT đã mang nha kể từ khi Tấn Trường rời thủ phủ Cao Lãnh, giờ đang phát tác ngày một mạnh hơn và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Trong số rất nhiều đàn em, Tấn Trường ưu ái Bửu Ngọc nhất, tin tưởng nhất và cũng lao tâm khổ tứ nhất trong việc truyền nghề cho đàn em. Chuyện không hay ho lắm, nhưng quả thật là đã không ít bận Tấn Trường báo ốm, để đàn em có cơ hội bắt chính lấy số. Nhưng…
Giờ có tiếc, có khóc…, e cũng muộn rồi. Lãnh đạo TĐCS.ĐT đau một, thì những người con xa xứ, nặng tình như Tấn Trường đau gấp mấy lần. Tội nghiệp nhất là người hâm mộ, vì họ chẳng có lỗi gì cả, chỉ biết cổ vũ bằng tình yêu thôi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)