Đúng 12 năm chuyển từ mô hình bao cấp, nghiệp dư lên chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam đang đứng trước thử thách vô cùng to lớn đối với vận mệnh của mình. Một bộ mặt vô cùng ảm đạm đang diễn ra, sau những ngày tháng huy hoàng...
Vì đâu khiến cho V-League vốn từ một giải đấu đánh giá tiềm năng và phát triển mạnh vào bậc nhất Đông Nam Á lại đi tới bờ vực của sự phá sản, cũng như trở về với thời điểm xuất phát? Thể Thao VietNamNet xin gửi tới quý độc giải loạt bài "Bóng đá Việt & những sát thủ ẩn danh" nhằm có cái nhìn đúng đắn nhất với thực trạng này.
Bài 1: Bỏ của chạy lấy người
Đội bóng bị giải tán, chuyển giao khi các doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người", giá cầu thủ "ảo" chưa từng thấy và quan trọng hơn, chất lượng của cả một nền bóng đá, nhất là nhìn vào ĐTQG hiện tại, đang xuống thấp trầm trọng. Đó là tất cả những gì sau 12 năm bóng đá Việt lên chuyên mang lại - một tình cảnh không thể bi đát hơn... Kết thúc mùa bóng 2012, dù những khó khăn đã âm ỉ từ vài mùa bóng trước, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao nhưng không ai nghĩ rằng V-League lại đón quá nhiều tin buồn đến thế.Không phải đến khi bầu Kiên bị bắt thì CLB BĐ Hà Nội cũng như Trẻ HN mới lao đao...
Lao đao từ chuyện của bầu Kiên...
Bắt đầu là dấu hỏi về tương lai của hai đội bóng mà bầu Kiên đang sở hữu là CLB BĐ Hà Nội và Trẻ Hà Nội khi nhà tài phiệt này rơi vào vòng lao lý. Khi mà những cam kết, và cả mọi nỗ lực giải cứu hai đội bóng này chưa đi đến đâu, tin đồn về việc Navibank SG sẽ có thể bị bán, hoặc giải tán lan nhanh như dầu loang trên biển.
Những tin đồn xảy ra khi mà bầu Thọ "biệt tăm, biệt tích" để lại khoản nợ về lương thưởng đối với các cầu thủ của mình trong những tháng cuối cùng của mùa giải rốt cuộc cũng đã có một kết thúc. Navibank SG được chuyển nhượng cho bầu Thụy (nhưng Cty Xuân Thủy đứng tên), và số phận của đội bóng này đã được định đoạt bằng cách: Phần ngon chuyển về SG.XT, và còn lại được rao bán.
Tưởng như thế đã xong, nhưng cuối cùng cho tới khi thời gian để mùa bóng mới khởi tranh còn rất ít, phần còn lại không thuộc biên chế chuyển sang chơi cho đội bóng của bầu Thụy đang bơ vơ với cảnh thất nghiệp, cũng như tương lai vô cùng ảm đạm.
Navibank SG (trừ nhóm cầu thủ tốt nhất) được rao bán, thậm chí trao tặng cho Hà Tĩnh... Tuy nhiên, mọi thứ giờ vẫn chưa được giải quyết, và nguy cơ giải tán xóa sổ đội bóng này là rất lớn. Không chỉ có vậy, ngay cả SG.XT bây giờ cũng đang được đặt ở tình trạng khẩn cấp khi bầu Thụy đòi "tặng" lại cho TP.HCM, và thậm chí ông bầu này khẳng định sẵn sàng nghỉ chơi bóng đá.
... đến bầu Trường "dọa" xóa sổ Ninh Bình
Chuyện từ Sài thành chưa dứt, bầu Trường cũng khiến BTC giải đấu hoảng loạn thực sự khi mà tuyên bố giải tán đội bóng Ninh Bình sau khi các cầu thủ đình công phản đối chuyện nợ lương, thưởng,...Mọi chuyện vẫn chưa êm xuôi, dù đã có cuộc họp và quyết định kỷ luật từ đội bóng này được đưa ra. Nhưng, vẫn còn phải chờ động thái của chủ tịch CLB BĐ Ninh Bình đi nước ngoài về mới có thể giải quyết. Và tương lai của thầy trò Nguyễn Văn Sỹ vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn, cũng như vô cùng bấp bênh khi phụ thuộc vào cái gật hay lắc của ông chủ...
Những điều đã nói kể trên chỉ là bề nổi của vấn đề, ở đằng sau lửa cũng sẵn sàng cháy và kết cục như Navibank SG, Ninh Bình hay đội bóng của bầu Kiên là hoàn toàn có thể khi câu chuyện về kinh tế khó khăn đang âm ỉ, chỉ chực bùng lên.
Mà không phải chỉ bây giờ, sau 12 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên tính nhanh cũng có cả chục đội bóng bị xóa sổ khỏi cuộc chơi chuyên nghiệp bằng cách này hay cách khác như chuyển tên, bán đội bóng...Các đội bóng nằm dưới chân doanh nghiệp, các ông bầu luôn có nguy cơ xóa sổ bất kỳ lúc nào. Đó là một thực trạng không thể bi đát hơn.
Và tất nhiên, khi tương lai của những đội bóng chuyên nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào các ông bầu thì việc chất lượng của cầu thủ hay bất cứ điều gì có liên quan bấp bênh cũng chẳng phải chuyện quá lạ. Cứ nhìn vào ĐTQG, dù đã cố gắng tìm kiếm và tuyển chọn thế nhưng cả 1 nền bóng đá giờ không kiếm nổi những tiền đạo tốt có thể thay thế vài cầu thủ cũ như Công Vinh, hay Quang Hải.
Nhìn bóng đá Việt Nam bây giờ chẳng khác gì một bãi chiến trường, sau khi kết thúc một cuộc chiến dai dẳng. Rất hỗn loạn, cũng như mất phương hướng. Từ cách điều hành, giá trị cầu thủ, giá trị truyền thống của những đội bóng...đều chẳng là nghĩa lý gì. Và đừng ngạc nhiên, nếu mùa giải này, rồi sau nữa V-League chỉ còn vài đội có thể tham dự.
Thực trạng bi đát ấy tới từ đâu, và bắt nguồn từ những điều gì nếu như không phải đến từ vài ông bầu vin vào bóng đá để trục lợi, hoặc coi đó là thú vui của mình.
(Theo Vietnamnet)