Nếu rắn không lột da thì không thể lớn lên được. Bóng đá Việt Nam đang đối diện với thách thức: lột xác hay là…?
Vì sao rắn phải lột da vào mùa xuân? Da rắn là một lớp vảy hoàn chỉnh bằng chất sừng. Lúc rắn lớn, lớp vảy đó không lớn lên, do vậy rắn cảm giác lớp da đó giống như một chiếc áo chật bao lấy cơ thể. Ngoài ra, rắn bò nhiều năm trên mặt đất, sự mài mòn lớp da là rất nghiêm trọng. Do vậy mùa xuân hàng năm, rắn phải lột da, bởi mùa xuân là thích hợp nhất cho sự sinh trưởng…
Bóng đá Việt Nam trong năm con rắn được coi là một năm bản lề, cũng có thể gọi là một chu kỳ quyết định sinh tử đến cái gọi là chuyên nghiệp. Đầu tiên, hãy hy vọng vào sự lột xác của một số tổ chức, yếu nhân, bắt đầu từ ngày đầu năm.Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng có giúp được bóng đá Việt Nam "lột xác"
Chủ tịch VFF phải “lột xác”
Trong năm nay, dù muốn hay không ghế chủ tịch Liên đoàn bóng đá VN (VFF) cũng cần đổi mới. Ông Nguyễn Trọng Hỷ, sau hai nhiệm kỳ sẽ rời cương vị. Phải công bằng đánh giá, làm chủ tịch VFF, nếu như Chủ tịch Hỷ, thì không khó chút nào. Tài chính đã có ông Lê Hùng Dũng lo. Đối ngoại, đa số mang sắc màu của nguyên tổng thư ký Trần Quốc Tuấn. Điều hành hệ thống giải đấu trong nước có Phó tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi (nay có Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, VPF) quán xuyến.
Người hâm mộ cả nước đang rất trông đợi một tân chủ tịch VFF đầy năng lượng. Không những có tâm đức, tài năng, mà còn có sự dũng cảm dám đối diện với mọi thách thức. Ai sẽ là chủ tịch VFF nhiệm kỳ bảy? Trước hết, phụ thuộc vào sự “giới thiệu” của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Có nghĩa, sự tươi tắn của cái ghế đứng đầu nền bóng đá, phụ thuộc rất lớn vào quan điểm chọn người của đương kim chủ tịch VFF.
Thời gian qua, đã có hai ứng cử viên sáng giá: ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch phụ trách tài chính) và ông Phạm Văn Tuấn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao kiêm Phó chủ tịch VFF). Hai người cơ hội có thể gọi là 50/50. Thời gian qua, cả hai đều nỗ lực để đặt dấu ấn, tầm ảnh hưởng của mình ở thường trực VFF. Ông Dũng có sức mạnh đồng tiền, nhưng đối thủ lại là người của tổng cục, vả lại có mối quan hệ khá tốt với các câu lạc bộ, do xuất thân từng là cầu thủ.
Nhưng xin đừng quên, một nhân vật đang trở lại một cách âm thầm, được giới bóng đá đánh giá cơ hội ngồi ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới không thấp, đấy là nguyên tổng thư ký Trần Quốc Tuấn. Hành động từ chức tổng thư ký nhiệm kỳ sáu của ông Tuấn tạo nên sự khác biệt với những lãnh đạo còn lại. Trở về tổng cục với cương vị vụ trưởng phụ trách bóng đá, vai trò của ông Tuấn “tổng” trong mắt quan chức Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và thế giới (FIFA), vẫn còn được đánh giá khả quan. Có khi nào ông Tuấn bất chiến tự nhiên thành, giống như lần ông ngồi ghế tổng thư ký VFF nhiệm kỳ năm?
Bất luận là ai làm chủ tịch VFF nhiệm kỳ bảy, họ buộc phải lột xác bởi sức ép giờ đã khác biệt hơn so với trước. Chủ tịch VFF sẽ quyết định ghế tổng thư ký, và hình thành ê kíp, nghĩa là cả guồng máy lãnh đạo nền bóng đá có hanh thông hay không sẽ bắt đầu từ vị trí đó.
VPF phải lột xác
VPF sau một mùa giải hoạt động, đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trong điều hành, tổ chức giải. Dù thế, vẫn phơi bày nhiều hạn chế, bắt đầu từ chính nội bộ tổ chức này vẫn còn nhiều vị trí chưa thực sự có quyết tâm lột xác. Nếu chỉ ngồi vào ngôi nhà VPF để hưởng lương cao, giữ ghế, thì thực sự uổng công hy vọng của dư luận. Nên nhớ, VPF ra đời và đi vào hoạt động nhanh như vậy, một phần nhờ sự ủng hộ của dư luận cả nước, trước yêu cầu cần phải cách mạng hệ thống giải chuyên nghiệp nước nhà. Nếu VPF đánh mất lợi thế đó, gây thất vọng cho người hâm mộ, sớm hay muộn họ cũng bị tẩy chay. Sự tẩy chay, có khi chỉ bắt đầu từ một vài cá nhân trong VPF nếu như không thực sự quyết tâm cách mạng bóng đá chuyên nghiệp. Thực tế, trong mùa giải 2012 cũng đã xảy ra sự thiếu đồng thuận trong chính bộ máy của VPF.
Do đó, không khó nhận ra ý tưởng kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo VPF đang được triển khai. Chuyên gia Nhật Bản đã nhận lời làm trợ lý cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng. Đấy là quyết tâm lột xác rõ nhất của VPF. Thực ra, VPF vẫn còn không ít người được tin cậy về tình yêu với bóng đá nội. Điển hình như ông Võ Quốc Thắng và Đoàn Nguyên Đức. Nhưng vài ông bầu cùng nhà điều hành ngoại không thể kéo được cả cỗ máy nếu như nhiều vị trí trong VPF không nhìn về một hướng. Có thể rộng ra, khi tất cả các ông bầu, doanh nghiệp khác vẫn còn trong cảnh bằng mặt không bằng lòng, đèn nhà ai nấy rạng, thì còn lâu VPF mới phát triển đúng nghĩa. Bầu Hiển cũng rất máu bóng đá nhưng chưa “phục” VPF đấy thôi.
Nếu như VFF nhiệm kỳ tới khác biệt hay không phụ thuộc vào nhân sự chủ chốt, thì VPF cũng vậy.
Và chờ U23 lột xác
Huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc không phải là người được đánh giá cao, nhưng ông cũng đã có khởi đầu không đến nỗi và cũng có những thuận lợi nhất định so với những người tiền nhiệm. SEA Games 2013, bóng đá Việt Nam coi như sang một chương mới, về tư duy cầu thủ lẫn tư duy bộ máy lãnh đạo VFF.
U23 hiện tại cơ bản là một thế hệ mới, đa số cầu thủ chưa bập phải bả vật chất vốn đã gặm nhấm vài thế hệ đàn anh trước đó. Dù đau lòng, nhưng chúng ta phải thừa nhận nguyên nhân chính khiến đội tuyển quốc gia thất bại ở AFF Cup 2012 có phần lỗi không nhỏ của các cầu thủ. Dù lỗi hệ thống, nhưng vẫn khó chấp nhận cầu thủ đang khoác áo đội tuyển quốc gia, vì sự bấp bênh của mình ở câu lạc bộ, sẵn sàng buông xuôi khi làm phục vụ tổ quốc.
Rõ ràng sự nhận thức đóng vai trò quan trọng với bất cứ một cuộc cách mạng nào liên quan đến con người. Nếu để có một cuộc đánh đổi, thà rằng một đội tuyển thiếu ngôi sao, thành tích không như mong muốn, nhưng ra sân với tâm thế của chiến binh, thì bất cứ người hâm mộ nào cũng vui lòng. Ông Hoàng Văn Phúc (nếu tại vị), U23 Việt Nam cùng lãnh đạo VFF nhiệm kỳ sắp tới đang có cơ hội đó.
Tất nhiên, sự lột xác phải được triển khai toàn diện và đồng bộ. Năm Quý Tỵ, nghĩ về rắn thì còn ước mơ nào hơn chú rắn thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, chịu cuộc lột xác.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)