Đằng sau một cậu ấm được cho là con ông cháu cha, sẽ có nhiều giai thoại liên quan anh ta. Bóng đá cũng không là ngoại lệ.
Năm ngoái, ngay cả khi ĐT.LA thắng liền 10 trận, giành vé lên hạng vô cùng thuyết phục, đội bóng của bầu Thắng cũng nhiều phen bị dị nghị, điều tiếng. Đơn giản bởi theo tâm lý số đông của dân ta, ông Võ Quốc Thắng là Chủ tịch HĐQT VPF, nên đứa con của ông (ĐT.LA) thể nào cũng được hưởng lợi. Khổ thế đấy!
Cứ có vấn đề gì liên quan đến đội bóng của các lãnh đạo VPF, thiệt thòi thòi không sao, lỡ trọng tài nhìn gà hóa cuốc, cho đội bóng có các ông bầu nằm trong VPF hưởng lợi, ôi thôi lĩnh đủ. Rằng, phải chăng các “vua sân cỏ” bị sức ép từ những người trả lương cho mình, nên mới quay còi.Năm ngoái bầu Thụy (giữa) từng lao xuống sân để mắng mỏ trọng tài, dù trận ấy đội bóng của ông vẫn thắng
Thậm chí, đã có những đề nghị không chính thức là các lãnh đạo VPF có đội bóng mình thi đấu thì không nên đến sân. Như thế chỉ gây áp lực cho các trọng tài. Các ông bầu đổ bao tiền vào bóng đá, chưa hẳn đã sung sướng, thậm chí ngược lại.
Lãnh đạo cao cấp VPF có mấy ai dám xung phong ngồi ghế nóng đâu. Đơn giản bởi thời gian dành cho công việc kinh doanh đã ít, nay mất thêm thời gian cho cái tổ chức như VPF vốn mới ra đời, dễ bị “ném đá” bậc nhất.
Nhiều ông bầu cho biết người thân van xin họ bỏ bóng đá cho gia đình được nhờ, thì ai có thể bắt các lãnh đạo VPF đừng đến sân xem đá bóng? Khổ thế đấy! Được hưởng lợi đâu chưa thấy, những đội bóng của các nhân sự chủ chốt trong HĐQT VPF năm ngoái đa số thất bát.
Trong khi đó, 4 đội thuộc top đầu thì có 2 là của nhà bầu Hiển. CLB xếp thứ 3 là SG.XT mùa trước, rồi tiếp đến là SLNA cũng chẳng có dây mơ rễ má đến lãnh đạo VPF. Chính SG.XT nhiều phen “quậy” giải đến điêu đứng. Như vụ bầu Thụy lao xuống quát mắng trọng tài trận gặp SHB.ĐN lượt đi trên sân Thống Nhất.
Tóm lại, từ ngày liên doanh với các đại gia, nhiều CLB ở ta tự cho mình là “con ông cháu cha”, rất coi thường kỷ cương. Đơn giản bởi họ nghĩ rằng vai trò quá lớn đến sinh tử của các CLB, thậm chí đến sự sống còn của giải đấu, nên mặc sức lệch chuẩn. Cứ động đến quyền lợi của họ là dọa bỏ giải. Trong khi đó, những bản án mà cơ quan hành pháp của VFF đưa ra, đa số đều giơ cao đánh khẽ, nhìn mặt mà xử. Điềm tĩnh nhìn lại, như mùa giải qua, phản ứng kiểu thiếu chuyên nghiệp của các đội bóng có ông chủ đang là thành viên của VPF, chưa thể nói là đến mức nhức nhối so với nhiều CLB “ngoài VPF”.
Trái bóng mùa giải 2013 đã lăn một vòng. Lợi đâu chưa biết nhưng đội bóng của ông Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức đã bị nếm trái đắng từ sự phối hợp thiếu ăn ý của trọng tài. Một trận thua oan, có thể gọi là vậy, bởi nếu bàn thắng đầu tiên của HN.T&T không được công nhận, thế trận đã khác với HA.GL. Đội bóng phố núi còn thiệt đơn thiệt kép khi ông trưởng đoàn cũng bị truất quyền chỉ đạo.
Thực ra, bệnh phản ứng trọng tài đã như một thói quen ăn vào máu quan chức và cầu thủ các CLB ta. Chẳng như ở nước ngoài, sai sót của trọng tài được coi là một phần tất yếu của bóng đá. Mới đây, xem trận AFC Cup trên sân Chi Lăng, tuyệt nhiên không hề thấy cảnh cầu thủ, quan chức cà khịa trọng tài. Trọng tài có tâm lý nhìn mặt CLB để thổi rát hay nương còi, có khi nguyên nhân cũng một phần do cấp vĩ mô vẫn có tâm lý bên trọng, bên khinh.
Chừng nào, các trọng tài ra sân không bị phân tâm bất cứ chuyện gì ngoài chuyên môn, không bị áp lực trước bất cứ CLB nào, chừng đó đội ngũ cầm cân nảy mực trong nước mới được nâng tầm. Còn giờ đây, họ gặp quá nhiều sức ép từ phía các CLB, quá nhiều CLB thực sự là tổ kiến lửa, thành ra điều hành trận đấu rất khổ sở.
Xem ra, cần rất cần nhiều thời gian để tất cả các CLB chuyên nghiệp ở ta, học cách xem mình bình đẳng về thân phận, để tôn trọng kỷ cương. Để giúp họ, ngoài ý thức tự thân, cần phải có cú hích từ VFF và VPF, không thể cho CLB nào đó được phép đứng trên luật. Các đội bóng có “quan VPF” càng phải gương mẫu.
Quân pháp bất vị thân, bóng đá ta thiếu điều đó trong một quá trình rất dài, thành ra sản sinh ra nhiều “ông trời con”, nhiều CLB tự cho mình là con ông cháu cha.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)