Nếu không có những tranh cãi, tự truyện của Lê Công Vinh còn lại những gì? Đó sẽ là một câu chuyện thật đẹp đầy chất đời của một cậu nhóc yêu bóng đá đi lên từ miền quê nghèo như một bộ phim.
Một bộ mặt đẹp của bóng đá
Ngay đầu cuốn tự truyện của Lê Công Vinh, người ta cảm nhận được ngay về nỗi khốn khó của một cậu bé trải qua "hattrick chết hụt". Đó là cậu bé bị hen bẩm sinh, trải qua tuổi thơ khốn khó ở miền quê nghèo Nghệ An với lần suýt chết vì thuốc chuột.
|
Tự truyện Lê Công Vinh như một quả bom ném vào mặt hồ không yên ả của bóng đá Việt. |
Đó là thông điệp về việc chẳng gì không thể vượt qua. Đó cũng là luận chứng cho chủ đề xuyên suốt cuốn sách rằng thành công chỉ có thể đến từ ý chí và nỗ lực!
Nếu bỏ qua những tranh cãi, người đọc sẽ cảm thấy một phần rất đời, phản chiếu chính hình ảnh của mình trong ấy. Về tình bạn của đám trẻ, về những buổi rong chơi hồn nhiên, về cả những phần rất thật về cảm nhận thời đi học, cả về những ký ức có thể buồn, có thể vui từ một giai đoạn thăng trầm của bóng đá nước nhà.
Đó là bài học về cuộc sống, về ý chí không thỏa hiệp. Sẽ ra sao nếu Công Vinh bán chiếc xe đạp để trả nợ, mở ra cánh cửa thỏa hiệp với ác quỷ? Sẽ ra sao nếu Công Vinh cũng có cái tài của Văn Quyến rồi trượt dài trong ánh hào quang?
Khi chữ nếu ấy xảy ra, chúng ta có lẽ không được nhìn thấy cuốn tự truyện của Công Vinh của hôm nay, mà sẽ là một nỗi ám ảnh khác về sự sa ngã của những tài năng trong thời buổi nhiễu nhương của bóng đá Việt.
|
Nếu Công Vinh có cái tài như Văn Quyến, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong môi trường đầy cám dỗ? |
Đó cũng là bài học về tình cảm gia đình, về tình cha con. Bố Công Vinh vào tù vì vận chuyển ma túy và trong cuốn tự truyện ấy, người ta thấy anh ít nhắc về bố nhưng vẫn cho thấy sự trân trọng. Vinh không biện giải cho hành vi của bố nhưng là một người con, anh vẫn cho thấy sự biết ơn với đấng sinh thành.
Chỉ riêng việc Vinh dám tiết lộ bố vào tù vì tội danh liên quan đến ma túy cũng là một sự dũng cảm lớn. Và sáu chữ cuối cùng được Công Vinh nhớ mãi trong dòng thư của bố gửi từ trong trại ra đủ để biểu đạt nỗi lòng của anh với đấng sinh thành.
"Con làm bố rất hạnh phúc".
Những chiêm nghiệm về cuộc sống
Trong những đoạn cuối câu chuyện, Công Vinh dành nhiều đất để chiêm nghiệm về lẽ sống. Đó là suy nghĩ về những giá trị gia đình và tình yêu, về sự cho đi và nhận lại, về sự thiêng liêng của "những người bạn điếc" cùng cả lòng biết ơn.
|
Tự truyện của Công Vinh nhắc nhiều đến hình bóng Thủy Tiên. |
Cú đạp của bé Gạo khiến Công Vinh hiểu hơn về giá trị của gia đình, về sự hy sinh dành cho con cái. Thời gian dành cho sóng gió cũng giúp Vinh hiểu được rằng dù ngoài kia có giông bão thế nào, gia đình luôn là nơi trú ẩn tuyệt vời nhất.
Công Vinh cũng nhắc đến cú "bể kèo" ở Hà Nội, về sự dằn vặt giữa tình yêu và sự nghiệp như bao người trẻ khác. Công Vinh đã đưa ra lựa chọn từ trái tim bởi đó là người phụ nữ đã hy sinh cho bản thân quá nhiều.
Sông Lam Nghệ An, bệ đỡ để tạo nên Công Vinh của ngày hôm nay cũng được nhắc đến rất nhiều với lòng biết ơn sâu sắc. Những gì người ta cảm nhận thấy từ cuốn tự truyện là trải qua nhiều dập vùi, SLNA vẫn ở trong tim Công Vinh với sự tự hào pha lẫn lòng biết ơn.
|
Hồng Tiến được nhắc đến trong tự truyện của Công Vinh với những dòng chữ đầy tình cảm. |
Cuối truyện, Công Vinh cũng nhắc đến hai "người bạn điếc" là Hồ Văn Lệnh và Hồng Tiến với thứ gọi là giá trị của tình bạn. Đó là thứ vượt qua thời gian, không gian, địa vị xã hội và cả tiền bạc để giữ nguyên tình cảm như ngày đầu gặp nhau, với những kỷ niệm buồn vui.
Đó cũng là giá trị của sự hy sinh trong tình bạn thuần nhất, thứ mà thật khó tìm thấy trong xã hội thật giả khó phân. Đó là lòng biết ơn về nhiều giờ ngồi tra tấn lỗ tai của Hồng Tiến, hay những buổi đi bộ tìm bạn của Hồ Văn Lệnh, cùng nỗi day dứt khôn nguôi của Công Vinh.
Như Đạt (TTVN)