Bức tranh toàn cảnh bóng đá Việt Nam năm 2013 hiện hữu hai nhân vật ở hai thái cực. Một tiêu biểu cho cách làm bóng đá nóng và hết mình cháy với bóng đá, một nói lên những bất cập trong công tác điều hành khiến bóng đá Việt Nam thụt lùi.
Trong hai nhân vật ở hai thái cực của bóng đá Việt Nam, tôi chọn bầu Đức tiêu biểu cho khía cạnh tích cực và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chọn kiểu hạ cánh trước SEA Games 27 tiêu biểu cho cách làm bóng đá nhiều điều tiếng. Với hai nhân vật này, hy vọng sang năm mới 2014 mặt tích cực sẽ được phát huy và mặt yếu kém sẽ được những người có trách nhiệm rút kinh nghiệm để đừng bao giờ tái phạm đẩy bóng đá Việt Nam vào hoàn cảnh buồn.
Bầu Đức dám nghĩ, dám làm…
Đã có lần bầu Đức ngồi với tôi nửa trách nửa đùa: “Hồi đó tôi “cú” bài “Bao giờ Kiatisak về phố Núi” của anh lắm vì cái cách đặt vấn đề cứ như tôi “nổ” cho đã. Tuy nhiên, tức thì tức, cuối cùng cũng phải cảm ơn anh vì nhờ vậy mà Ba Đức này nóng máu làm bóng đá tới nơi tơi chốn…”.Bầu Đức dám nghĩ dám làm
Chuyện đấy xảy ra đã hơn 11 năm và đến giờ ông Đức vẫn còn nhớ như in. Cũng có thể xem đấy là bước khởi đầu của một ông bầu mạnh mẽ đứng ra nhận đội bóng mà không chịu làm nhà tài trợ mà bắt Ủy ban tỉnh phải chấp thuận ông là nhà đầu tư.
Từ đó đến nay, không chỉ mỗi đội bóng phố Núi mà hàng loạt những đóng góp cho bóng đá mà đỉnh nhất là việc ông bầu này bắt tay với Arsenal cho ra đời những lứa cầu thủ chất lượng cao theo công nghệ đào tạo của Arsenal.
Năm 2013 trong khi hàng loạt các đội từ tuyển Việt Nam đến U23 thất bại nặng nề cả về chuyên môn lẫn phong cách thì lứa cầu thủ ở Học viện HA Gia Lai – Arsenal JMG ăn tập ở Hàm Rồng – Pleiku đã trở thành "cứu tinh" của bóng đá Việt Nam trong một năm thất bát.
Các cầu thủ đấy tuổi thật mới 17-18 và mới bắt đầu xỏ giày đá bóng sau 4-5 năm ăn tập chân trần đã tạo ra tiếng vang khi kết hợp cùng vài cầu thủ U19 của những lò đào tạo khác. Họ không chỉ có lối chơi giàu thuyết phục mà còn mang đậm tinh thần Fair Play bởi cách ứng xử của những cầu thủ có ăn, có học và được nuôi dưỡng tử tế trong một môi trường chuyên nghiệp mà công nghệ Arsenal đã hình thành.
Cũng cần biết thành công ban đầu đấy là sự kiên trì của một ông bầu đổ biết bao nhiêu tiền của vào học viện từ việc phá 7 hecta rừng cao su xây cơ ngơi đến kinh phí hàng năm cứ dày lên trong việc nuôi và dưỡng dục các cầu thủ. Số tiền hàng triệu USD đấy từng là thử thách với chính phủ Thái Lan khi kết hợp với Arsenal hình thành học viện nhưng chỉ được hơn 4 năm thì chia tay. Nhắc đến điều này để thấy việc bỏ tiền túi mà duy trì để bóng đá Việt Nam năm 2013 có cái để tự hào và để hy vọng là công sức và nhiệt huyết của một ông bầu.
Năm 2013 nếu không phải là bầu Đức thì điều kiện cho các cầu thủ U19 sẽ khó được phát huy nếu mọi cái vẫn chỉ theo lối mòn cũ của những nhà điều hành bóng đá.
Vẫn biết rằng đầu ra của một đội tuyển quốc gia không nên chỉ trông chờ vào một học viện mà cần phải có sự góp sức của nhiều nơi, nhiều học viện như thế nhưng đấy là bước đầu để người hâm mộ có được niềm tin. Niềm tin đấy thể hiện qua một giải trẻ tuổi U19 thế mà người hâm mộ lũ lượt kéo nhau xếp hàng mua vé…
Thế nên chọn bầu Đức là nhân vật bóng đá 2013 tiêu biểu cho mặt tích cực cũng chẳng sai.
Chủ tịch VFF chọn đúng điểm rơi…
Càng thích với kế hoạch trồng người của một lò tư nhân bao nhiêu thì lại càng chán với lộ trình làm bóng đá của người đứng đầu bóng đá Việt Nam bấy nhiêu. Năm 2013, sự kiện Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từ chức một ngày sau khi đội U23 Việt Nam lên đường dự SEA Games 27 khiến nhiều người thất vọng cùng cực.
Nói đó là sự "trốn chạy" cũng chẳng làm ai bất ngờ mà nói đó là việc chọn “điểm rơi” để rút và "né" mọi trách nhiệm cũng không làm nhiều người "sốc".
Một vị "tướng" đứng đầu nhưng đúng thời điểm hành quân lại rút lui có đáng là "tướng"? Đó là chưa kể ông còn mang trọng trách của Trưởng ban chỉ đạo bóng đá SEA Games mà lại rút như thế thì còn ai để chỉ đạo.
Tiếc là bóng đá Việt Nam đã “giữ” ông đến hai nhiệm kỳ và hai nhiệm kỳ đấy phần nền tảng của một nền bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ, chỉ đọng lại đúng một Trung tâm Đào tạo trẻ hoành tráng xây bằng tiền FIFA và tiền nhà nước nhưng lại chẳng đào tạo được cầu thủ nào.
Việc “hạ cánh” đấy còn để lại cho bóng đá Việt Nam biết bao thứ việc với hàng loạt bút phê được đặt xuống, nhưng bây giờ “hạ cánh” rồi cũng chẳng “bàn giao” càng nói lên tính trách nhiệm của người đầu ngành điều hành một làng bóng. Chẳng hạn hàng loạt bản án kỷ luật, hay đình chỉ như với hai ông trưởng, phó ban Trọng tài giờ vẫn treo lơ lửng. Hay những quyết định cách chức người này đưa người nọ vào những vị trí cao, vị trí "có màu" giờ lại để gánh nặng cho bộ máy điều hành.
Bóng đá Việt Nam năm 2013 ít điểm sáng và nhiều điểm tối gắn với hai nhân vật đáng được đề cập để rút ra những bài học cho năm 2014 cùng nhiệm kỳ VII cần những đổi mới tích cực.
Theo Khám Phá