Bản quyền truyền hình V-League 2018: Lo cho sản phẩm trước đã
Thứ Sáu 09/03/2018 20:43(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Việc đơn phương cắt hợp đồng với Next Media có nguy cơ mang đến cho VPF những rắc rối. Câu hỏi đặt ra là VPF có nên quyết liệt như thế trong bối cảnh V-League 2018 sát ngày khởi tranh?
VPF đơn phương cắt đứt hợp đồng với đối tác Next Media khi V-League 2018 chỉ còn vài ngày nữa sẽ khởi tranh gây hoang mang lớn. Bởi ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT VPF - xác nhận rằng tạm thời chưa tìm được đối tác lâu dài cho bản quyền truyền hình V-Legue 2018, cũng như Next Media không chấp nhận bị thanh lý hợp đồng.
|
Bản quyền truyền hình V-League 2018 đang trở nên rắc rối. |
Lý do bầu Tú đưa ra là VPF muốn nắm quyền khai thác các trận đấu của V-League 2018, cũng như sản xuất các chương trình liên quan. Trên thực tế, Next Media dù chưa quá xuất sắc nhưng được đánh giá đã làm tốt, thúc đẩy quảng bá giải đấu trên nền tảng internet. Còn vấn đề tài chính như bầu Tú phân trần, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhưng dù thế nào đi nữa, việc VPF dứt tình với Next Media vẫn khiến người hâm mộ băn khoăn.
Xét về lý, VPF đã xé rào trong trường hợp này, bởi bản hợp đồng với đối tác vẫn còn thời hạn đến năm 2022. Next Media căn cứ vào đó để gửi đơn đi các cơ quan chức năng, thậm chí lôi nhau ra tòa. Trong bối cảnh chỉ còn 3 ngày nữa, vòng đầu tiên sẽ khởi tranh khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, liệu khán giả có thể chịu thiệt khi gặp khó khăn trong việc theo dõi các trận đấu tại V-League 2018 khi vấn đề bản quyền chưa được giải quyết rốt ráo.
Tập trung cho sản phẩm đã
Trong ngày công bố nhà tài trợ Nutifood, bầu Tú khẳng định muốn kéo khán giả đến sân, các câu lạc bộ phải đá đẹp, đá thật. Ông ví bóng đá cũng giống như ca sĩ, muốn có nhiều khán giả, có nhiều quảng cáo, tài trợ thì phải hát hay cái đã. Xét cho cùng, chất lượng sản phẩm mới là thứ cốt yếu giúp cá nhân, tổ chức, đơn vị bán được hàng.
Bầu Tú chạnh lòng khi nhìn sang Thái Lan hay Malaysia, nơi họ bán được bản quyền truyền hình với giá nghìn tỉ, trong khi V-League lại như "cho không". Một phần lý do VPF cắt hợp đồng với Next Media vì tài chính, khi bầu Tú muốn bán được bản quyền giải đấu có giá, để lấy bóng đá nuôi bóng đá theo xu hướng hiện đại, thay vì mãi phụ thuộc vào nguồn sữa từ những ông bầu.
|
Bầu Tú (trái) muốn các CLB ở V-League 2018 phải đá cống hiến để tạo nên sản phẩm chất lượng. |
Vấn đề là V-League 2018 tuy đang thắng về mặt hình ảnh nhờ hiệu ứng U23 Việt Nam, nhờ những thay đổi được đánh giá tích cực nhưng vẫn chỉ là khâu "thay bao bì". Vấn đề cốt lõi là các trận đấu ở mùa bóng tới có sạch, có đẹp, có thật hay không để lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ, để hình thành thói quen đến sân hay bật TV theo dõi các trận đấu cho khán giả, hay vẫn chỉ là "bình mới rượu cũ".
Nếu làm tốt tại V-League 2018, khán giả quay trở lại, hình ảnh giải đấu được cải thiện chắc chắn các nhà tài trợ sẽ hứng thú. Từ đó, nguồn quảng cáo, tài trợ sẽ tự nhiên mà đến theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương", vấn đề bản quyền truyền hình cũng "dễ nói" hơn. Nên nhớ rằng sau kỳ V-League 2017 bị đánh giá nhiều tai tiếng, Toyota đã bỏ qua Việt Nam để chuyển sang tài trợ cho Thái Lan, VPF phải cố gắng lắm mới tìm được Nutifood tài trợ cho V-League, còn Giải Hạng nhất và Cúp Quốc gia vẫn chưa có nhà tài trợ.
Đó là lời cảnh tỉnh để VPF cũng như những người làm bóng đá Việt Nam cố gắng xây dựng một giải đấu đẹp trong mắt người hâm mộ. Ít nhất trong mùa này, VPF nên nỗ lực cải thiện chất lượng giải đấu trước, thay vì lấn cấn đến chuyện bản quyền truyền hình.
V-League 2018 rơi vào tranh chấp bản quyền truyền hình Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang muốn thanh lý hợp đồng với Next Media để tìm kiếm đối tác truyền hình mới cho V-League 2018.
Như Đạt (Bóng Đá 24h)