Thể thức mới của V-League 2020 khiến người hâm mộ có quyền đặt ra câu hỏi rằng ở giai đoạn lượt về, liệu sức hấp dẫn còn duy trì?
“Phải có phương án đặc biệt cho những tình huống đặc biệt” – Tổng thư ký VFF, Lê Hoài Anh nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau Hội Nghị BCH LĐBĐVN lần thứ 06 khóa VIII (Nhiệm kỳ 2018-2022). Đó là lời nhấn mạnh về thể thức mới của V-League 2020, sau quãng thời gian gần hai tháng giải đấu phải tạm hoãn vì dịch bệnh, vốn đã phải lùi một tháng.
|
V-League 2020 phải thay đổi thể thức do ảnh hưởng của dịch bệnh. |
Theo thể thức mới, lượt đi V-League 2020 sẽ diễn ra như bình thường, nhằm chọn ra hai nhóm. Sau lượt đi, nhóm A gồm 8 đội có thành tích tốt nhất sẽ cạnh tranh ngôi vô địch, nhóm B gồm 6 đội còn lại sẽ thi đấu để tránh suất xuống hạng.
HLV Trương Việt Hoàng của CLB Viettel khẳng định: “Thể thức mới này có tính cạnh tranh hơn, trận nào cũng phải quyết tâm để cố gắng vào top 8 đội”.
Sau lượt đi là… hết động lực?
Tất nhiên, ở tình huống đặc biệt cần có phương án đặc biệt nhưng thể thức mới của V-League 2020 lại đặt ra câu hỏi, liệu tính cạnh tranh còn tồn tại ở lượt về? Bởi khi đã lọt vào top 8 đội dẫn đầu sau lượt đi, còn bao nhiêu đội sẵn sàng đá hết mình để tranh chức vô địch?
Câu chuyện ba đi ba về, hay chuyện “nhường điểm” ở cuộc đua vô địch, cuộc đua trụ hạng vốn chẳng xa lạ gì ở V-League. So với các đội ở nhóm B phải nỗ lực hết mình để tránh xuống hạng, các đội ở nhóm A nếu không có tham vọng vô địch chắc chắn… nhàn hơn rất nhiều.
Sẽ có những trận đấu mà cả hai đội đều không còn nhiều động lực thi đấu do… chẳng xác định vô địch. Và vì thế, những câu chuyện nhức nhối bất lâu nay ở V-League có khả năng diễn ra một cách dễ dàng hơn ở nhóm A, như cách mà bầu Đức từng ví von rằng “5 thằng ốm đánh 1 thằng mập”.
|
Liệu sự kịch tính còn được duy trì ở V-League 2020 sau lượt đi? |
Cũng vì vậy mà tính cạnh tranh đang là câu hỏi được đặt ra cho VFF cũng như VPF về thể thức mới này. Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng chỉ có thể đưa ra các phương án mang tính “tượng trưng” như duy trì suất xuống hạng, đội có thành tích tốt ở lượt đi sẽ được đá sân nhà nhiều hơn ở lượt về, hay thưởng cho những đội có thành tích tốt.
Trong các phương án để duy trì tính cạnh tranh, xuống hạng chắc chắn là thực tế nhất. Vấn đề là ngay cả phương án duy trì tính cạnh tranh này cũng bị hạn chế nhiều do ảnh hưởng của thể thức, khi số đội phải cạnh tranh suất trụ hạng (6) ít hơn số đội cạnh tranh ngôi vô địch (8).
Sẽ ra sao nếu đảo ngược lại, số đội cạnh tranh ngôi vô địch là 6, còn cạnh tranh trụ hạng là 8? Khi ấy, các đội có tâm lý “buông” sau lượt đi khi đã vùng an toàn sẽ ít đi, các đội nằm trong nguy cơ nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trận đấu mang tính cạnh tranh hơn hẳn.
“Chúng ta phải chấp nhận điều đó” – Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận, bởi để có được thể thức này, VFF và VPF đều phải cân nhắc rất kỹ. Xét về một khía cạnh khác, việc các cầu thủ ít phải căng sức trong giai đoạn cuối năm cũng là điều “tốt” cho bóng đá Việt Nam, khi HLV Park Hang Seo đỡ đi nỗi lo thể lực của các tuyển thủ.