'Vỡ sân' là một sự cố nghiêm trọng trong bất kỳ sự kiện thể thao nào, không chỉ riêng bóng đá. Đã từng có những sự việc đáng tiếc xảy ra, trong đó nổi tiếng nhất là ‘thảm họa Hillsborough’ ở Anh làm 96 cổ động viên Liverpool thiệt mạng. Chính vì thế mà những án phạt đưa ra cho ban tổ chức sân khi các khán đài quá tải luôn rất nặng.
Trọng tài cho bù giờ tới 22 phút trong cuộc đọ sức giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với Hà Nội FC. |
Thế nhưng, đội ngũ tổ chức sân Hà Tĩnh chỉ nhận một mức án phạt rất nhẹ: Chỉ 15 triệu đồng và không có bất cứ một điều kiện nào khác (như cấm tổ chức trận đấu, cấm khán giả vào sân…). Điều này khiến nhiều người làm chuyên môn tỏ ra khá bất ngờ.
Theo lý giải của Trưởng ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Vũ Xuân Thành, sân Hà Tĩnh mới chỉ vi phạm lần đầu. BTC sân chưa có kinh nghiệm ứng phó với chuyện tương tự (Hà Tĩnh mới lần đầu được tham dự sân chơi V-League) và cũng không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Đó là ly do mà Ban kỷ luật VFF chỉ đưa ra mức phạt cảnh cáo đối với BTC sân Hà Tĩnh. Từ ‘cảnh cáo’ cũng được chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú, nhắc lại nhiều lần với báo giới khi nói về sự việc này.
Những lập luận như ‘chưa có kinh nghiệm’ và ‘vi phạm lần đầu’ rõ ràng là chưa thuyết phục, nếu xét tới những hệ quả khủng khiếp mà một sự cố ‘vỡ sân’ có thể gây ra. Hành vi đốt pháo sáng, vốn bị đánh giá là ‘ít nghiêm trọng hơn’ so với sự cố vỡ sân, đã luôn bị VFF và VPF xử lý rất mạnh tay trong thời gian qua (phạt tiền, cấm khán giả tới sân).
Vì thế, để có thể lý giải cho hành động ‘nhẹ tay’ của bộ máy lãnh đạo bóng đá Việt Nam, chỉ có thể nhận định rằng: đôi khi, vỡ sân cũng là một tín hiệu vui.
Bóng đá Việt Nam đã trải qua không ít lần vỡ sân như vậy. Trận đấu giữa Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai trên sân Chùa Cuối năm 2003 là một ví dụ điển hình. Sau đó có thể kể tời trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Sanna Khánh Hòa tại Pleiku năm 2015. Nhưng xét về tổng thể, số lượng các khán giả đến sân xem V-League vẫn quá ít so với kỳ vọng.
Có lẽ đã rất lâu rồi sân Hà Tĩnh mới lại sôi động như vậy |
Đã từ nhiều năm nay, sân bóng tại V-League luôn vắng bóng khán giả. Ngoại trừ Hoàng Anh Gia Lai năm 2015 tạo được sức hút với lứa U19, còn lại các đội bóng khác không có được sự chú ý của NHM. CLB Hà Nội đã trải qua một quãng thời gian dài thi đấu mà không có sự ủng hộ của người dân thủ đô. Còn những địa phương như Đồng Tháp, Quảng Ninh, Long An, Bình Dương hay thậm chí là Thanh Hóa, Đà Nẵng… ngày càng vắng bóng khán giả.
Vì thế, những trận đấu đón lượng khán giả lớn như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh gặp Hà Nội như vừa qua là rất hiếm, và dấu hiệu rõ ràng nhất về độ hấp dẫn của bóng đá Việt đang được dần tăng cao.
Có thể thấy được nhiều điều sau sự cố của diễn ra ngày 12/6. Đầu tiên, người dân Hà Tĩnh cuồng nhiệt bóng đá, có thể sánh ngang với Dược Nam Hà Nam Định thời điểm hiện tại hay các CLB như Thanh Hóa, Hải Phòng ngày xưa. Thứ 2, CLB Hà Nội đang tạo được sức hút lớn ở bất cứ nơi nào họ đặt chân tới. Cuối cùng, xét một cách tổng thể, người dân đã bắt đầu yêu bóng đá trở lại sau nhiều năm ‘thờ ơ’ với trái bóng tròn.
CLB Hà Nội đang là cái tên thu hút được khán giả tới sân |
Kể từ sau chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam, đã có một lượng không nhỏ các CĐV trở lại xem bóng đá nội. Sân Hàng Đẫy trong ngày CLB Hà Nội đón tiếp CLB Hoàng Anh Gia Lai đón tới 20.000 khán giả vào sân, một con số vô cùng ấn tượng. Lượng người xem các trận đấu trực tiếp trên sân cũng tăng theo thời gian một cách có thể thấy rõ.
Rõ ràng là sức hút bóng đá nội đang đi lên nhờ vào thành tích của đội tuyển quốc gia và các CLB tại đấu trường quốc tế. Điều đó cộng với tâm lý cổ động viên cuồng nhiệt của một đội bóng mới lên hạng như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã tạo ra sự cố vỡ sân đầy đáng tiếc. Nhưng sự đáng tiếc ấy đi kèm với niềm vui của giới làm bóng đá.
Hữu Doãn