Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd ngơ ngẩn rời White Hart Lane với chiến thắng bị đánh cắp

Chủ Nhật 20/01/2013 22:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Chỉ với 1 điểm trước Spurs, Man Utd giờ chỉ còn hơn Man City 5 điểm trên BXH. Nhưng có lẽ họ nên cảm thấy may mắn vì chỉ để thủng lưới 1 bàn sau trên dưới 20 cú dứt điểm của Gà trống trong cả trận. Và cũng nên cảm thấy may mắn vì ít ra họ rời White Hart Lane không phải với 2 bàn tay trắng...


Ngày 29/9/2012, Man Utd tự tin tiếp đón đối thủ Tottenham trên sân nhà Old Trafford bằng chuỗi trận thắng không thể thuyết phục hơn trước đó. 6 trận liên tiếp giành trọn 3 điểm, trước không ít những đối thủ sừng sỏ có số má như Liverpool hay Newcastle (vào thời điểm ấy đội quân của Alan Pardew không hề dễ chơi), Man Utd đinh ninh rằng họ sẽ chẳng mấy khó khăn mà vượt qua được một Spurs trận nổ trận xịt. Trước trận gặp MU lúc bấy giờ, Tottenham hòa Lazio bạc nhược tại Europa League, hòa cả Norwich và West Brom ngay trên thánh địa White Hart Lane, thua Newcastle trên sân khách và chật vật vượt qua đội cuối bảng QPR 2-1. Kết quả: Spurs đả bại gã khổng lồ thành Man 3-2 ngay tại Old Trafford, một tin gây sốc trên tất cả các mặt báo vào buổi sáng ngày hôm sau. Từ bấy đến giờ, Sir Alex Ferguson như nuôi một mối hận với Tottenham, bởi lẽ chẳng có nhiều đội bóng tại Premier League mùa này dám "vuốt mặt mà không nể mũi" với đội bóng của ông (ngoài Tottenham ra chỉ còn Everton và ... Norwich).

manchester united tottenham
 

Ngày hôm nay, 2 đội vào sân với tâm thế tương tự. Kể từ sau trận hòa đáng tiếc trên sân Liberty của Swansea 4 vòng trước, Man Utd toàn thắng, không chỉ tại Premier League, mà còn ở cúp FA. Có cảm tưởng đội quân áo đỏ thành Manchester đang một mình một ngựa băng băng về đích khi một lần nữa, trước khi trạm chán Spurs, MU liên tiếp vượt qua Liverpool, Newcastle, West Brom và Wigan. Trong 4 trận này, Van Persie và các đồng đội khi được 12 bàn thắng, trung bình 3 bàn/trận, một hiệu suất khủng khiếp. Còn ngược lại, đội quân của Andre Villas-Boas sau một chuỗi thắng lợi khá ấn tượng trước Aston Villa, Sunderland và Reading đã đột ngột khựng lại bởi trận hòa vô duyên trước QPR. Phong độ của MU vượt trội hơn hẳn, người ta cũng tin tưởng United sẽ chiến thắng, tất cả hoàn cảnh, lực lượng và các dự đoán đều y hệt như trận lượt đi. Vậy kết quả có khác? Liệu Tottenham sẽ lại thắng Man Utd một lần nữa để thỏa mãn cười trên nỗi đau của nửa đỏ thành Man, giúp Man City rút ngắn khoảng cách xuống còn 4 điểm, hay Sir Alex và các học trò có thể rửa hận, đồng thời dạy cho Villas-Boas và các học trò một bài học mang tên "phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi"?

Tuyết rơi trắng White Hart Lane. Một ngày mà thời tiết không được tốt cho lắm, và điều này vô hình chung tạo nên lợi thế cho Spurs, những người quen chơi ở mặt sân này hơn. Tuy nhiên, về lực lượng, những người nắm giữ pole đang là Sir Alex và các học trò. Trong khi nhân sự trong tay Villas-Boas hổng trên hụt dưới, thì Man Utd gần như có được những cái tên mạnh nhất cho đội hình của mình. Walker, Caulker, Dawson và Naughton là một bộ tứ vệ tương đối chắp vá khi cái tên chủ lực ở hàng thủ Jan Vertonghen vẫn chưa thể trở lại. Nên nhớ chính Vertonghen là người đã đưa ra cú đấm trời giang đầu tiên vào Man Utd ở trận lượt đi với một pha solo không hề giống với một hậu vệ. Scott Parker ra sân ngay từ đầu bởi Sandro phải nghỉ cả mùa giải sau một chấn thương đầu gối kinh hoàng, còn Adebayor vì đã trở về CAN 2013 để thực hiện nghĩa vụ quốc gia nên Clint Dempsey được giao trọng trách đá ngay sau Defoe, làm nhiệm vụ hộ công. 2 cánh của Tottenham hôm nay sẽ cực kì giàu tốc độ khi Gareth Bale và Aaron Lennon đều có khả năng xuyên phá bằng những bước chạy thần tốc, chưa kể sự trợ giúp đến từ Walker và Naughton. Dembele cũng sẽ góp mặt trong hàng tiền vệ của Spurs, hứa hẹn sẽ là nguồn cảm hứng gây đột biến. Đội hình trong tay Villas-Boas tương đối mạnh, nhưng rõ ràng là chưa phải mạnh nhất, và khó có thể so sánh với 11 cái tên không bị sứt mẻ nhiều bởi CAN 2013 bên phía MU.

Phil Jones đá tiền vệ trụ là điểm nhấn lớn nhất trong đội hình của Quỷ Đỏ trong trận này. Hàng công 3 người có sự góp mặt của Kagawa và Welbeck cũng là sự lựa chọn tương đối bất ngờ của Sir Alex khi Rooney vẫn còn đó nhưng lại góp mặt trên... ghế dự bị. Điều đó đồng nghĩa với việc Man Utd sẽ không có người đá cắm đích thực trong trận này khi cả 3 cầu thủ nói trên đều có thiên hướng chơi rộng và hỗ trợ các đồng đội ở hàng tiền vệ. Carrick - Cleverley là cặp đôi tiền vệ trung tâm quen thuộc đóng vai trò trợ giúp và là nguồn cung cấp bóng cho bộ 3 nói trên (Kagawa và Welbeck đá hơi dạt biên và lùi một chút so với tiền đạo người Hà Lan). Vì vậy, Jones sẽ là máy quét chơi ngay bên trên bộ hậu vệ mạnh nhất mà Man Utd có bao gồm Rafael, Vidic, Ferdinand và Evra.

5 phút đầu tiên trôi qua chứng kiến một thế trận tương đối cân bằng. Cả 2 đều nhập cuộc với tư thế thăm dò, nhưng Tottenham tỏ ra mạnh dạn trong tấn công hơn một chút, bởi lẽ họ là đội chủ nhà. Man Utd đá pressing với việc lên công về thủ nhịp nhàng. Khi có bóng thì cả những hậu vệ như Evra hay Rafael cũng băng lên tương đối cao, thậm chí mạnh dạn đi bóng ở khu vực giữa sân, cả đội hình được dồn sang phía phần sân của Spurs với việc Kagawa chơi có phần thiên về bó vào trong để hỗ trợ van Persie, Welbeck cũng tương tự khi không đơn thuần đá lệch phải. Khi mất bóng, tất cả cùng lùi về và thường chỉ có Van Persie và Kagawa chơi quá nửa sân một chút để đảm bảo khâu phòng ngự từ xa và phụ trách phản công khi cần.

Ưu điểm đến từ hàng tiền vệ 5 người của MU là họ cầm bóng có phần vượt trội so với đội chủ nhà, nhưng hiệu quả mà hàng tiền vệ này tạo ra là không hề cao khi chưa có được sự ăn ý cần thiết, những đường chuyền còn chệch choạc và những mảng miếng phối hợp không rõ ràng. Welbeck chơi lùi rất sâu như một con thoi ở bên phía cánh phải: đương nhiên Ông già gân không để cho Rafael chơi quá cao bởi lẽ còn đó một Gareth Bale siêu-nguy-hiểm ở bên phía cánh trái của Spurs sẵn sàng đe dọa khung thành của David De Gea khi có cơ hội. Tuy nhiên những lo ngại của các CĐV MU là hoàn toàn có cơ sở khi Patrice Evra bộc lộ sự yếu kém và chậm chạp của một cầu thủ đã qua thời kì đỉnh cao bằng việc để cho Lennon quá tự do. Phút 14, Gà trống có cơ hội đầu tiên, nhưng lại là một cơ hội cực nguy hiểm và có thể chuyển hóa thành bàn thắng. Chính Lennon, cái tên im tiếng kể từ đầu trận suýt chút nữa gây ra đột biến: anh đi bóng dũng mãnh ở phía biên phải, dốc thẳng vào trong khu vực cấm địa của Man Utd rồi tung cú sút chìm về phía khung thành De Gea. Thủ thành người Tây Ban Nha phản xạ rất nhanh để đẩy bóng ra, bóng bật vào đúng vị trí mà Defoe đã chọn sẵn. Nếu dứt điểm khéo léo hơn một chút, Defoe đã giúp Spurs vươn lên dẫn trước, thế nhưng pha sút bóng quá hiền của anh đã làm cho tất cả các khán giả tại sân White Hart Lane phải ồ lên tiếc nuối.

20 phút đầu của trận đấu trôi qua và Tottenham mới là những người nắm giữ ưu thế trên sân vào lúc này. Họ không có nhiều bóng hơn MU là bao nhưng áp lực tới từ những cái tên như Dempsey, Bale hay Parker là rất lớn về phía khung thành của De Gea. Đó là chưa kể Dembele và Lennon luôn sẵn sàng bùng nổ. Phil Jones và Carrick không hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn của mình khi để cho tuyến tiền vệ của Spurs chơi quá tự do và có nhiều không gian để phối hợp cũng như đột phá. Hàng tiền vệ của MU quả thực đang thừa lượng, nhưng thiếu chất.

Đúng cái lúc mà người ta nghĩ rằng Tottenham có những lợi thế để có được bàn thắng vươn lên dẫn trước thì MU lại nổ súng và cái tên ghi bàn chẳng có gì là lạ: Robin Van Persie. Man Utd từ đầu trận không tạo được bất kì cơ hội nào, nhưng khi được trao tay thời cơ đầu tiên để ghi bàn, lập tức tiền đạo người Hà Lan lên tiếng. Từ một pha đột phá của Welbeck ở khu vực trước vòng cấm địa, bóng đến chân Cleverley ở bên phía cánh phải. Một đường tạt bóng vào khu cấm địa hết sức sắc sảo, tìm đến đúng vị trí của RVP được Cleverley thực hiện và nhiệm vụ còn lại của số 20 không hề khó khăn: đánh đầu vào lưới trong tư thế Lloris đã lỡ trớn. 1-0 cho Man Utd và đây được coi là một kết quả bất ngờ tính đến thời điểm này của trận đấu, khi mà Tottenham mới là những người chiếm ưu thế trên sân và thường là MU phòng thủ với tư thế 10 người ở phần sân nhà.

Gareth Bale, mũi nhọn xuất sắc của Tottenham sau những phút đầu chơi tích cực thì trong khoảng 10 phút trở lại đây đã mờ nhạt đi hẳn. Lí do không phải vì anh thiếu nhiệt huyết đi, mà là do lúc nào cũng có 2 đến 3 cái bóng áo đỏ được cắt cử để theo sát tiền vệ người xứ Wales. Không gian chật chội khiến cho Bale gặp khó khăn trong việc phát huy sở trường về tốc độ. Sau khi có được bàn thắng trước, Man Utd chơi khởi sắc hơn hẳn với thế trận phòng ngự hoàn toàn chủ động. Họ vẫn để cho Tottenham có những đợt tấn công của riêng mình, nhưng thường những cái bóng áo đỏ bẻ gãy những pha bóng không mấy nguy hiểm ấy bằng quân số đông đảo bên phần sân nhà. Hàng công không chơi quá "căng", nhưng lại khá tích cực trong việc lùi sâu tìm bóng và tổ chức tấn công khi cần. Nhìn chung, Spurs có phần thiếu hiệu quả dù không phải là không được tạo cho nhiều cơ hội; lí do mà họ chợt trở nên bế tắc là vì Man Utd đã có liều thuốc tinh thần tốt sau bàn thắng sớm. Họ chiến đấu quyết liệt và mạnh mẽ hơn, đồng thời lối chơi của Man Utd mang đậm dấu ấn chiến thuật của Ferguson, cực kì bài bản và sắc nét. Còn ở phía ngược lại, Gà trống đá phụ thuộc chủ yếu vào sự tỏa sáng của các cá nhân như Dempsey hay Bale. Khi các ngôi sao này bị kèm chết, Tottenham thiếu hẳn sáng tạo trong việc công phá khung thành đối thủ. Phút 41, suýt chút nữa một tay Gareth Bale mang lại bàn thắng gỡ hòa cho Tottenham khi đón bóng ở tuyến hai và tung cú dứt điểm căng, chìm bằng chân phải về phía khung thành De Gea. Rất may cho MU là cái chân của thủ môn người Tây Ban Nha đã cứu họ khỏi một bàn thua trông thấy. Dù thế nào, Tottenham vẫn chỉ dựa vào những tình huống như vậy để có bàn thắng, chứ về tổng quan thì họ không có độ kết dính cần thiết để thực hiện phối hợp đưa bóng vào lưới. Tính đến thời điểm cuối hiệp 1, Spurs sút 7 quả và chưa có bàn thắng, trong khi MU dứt điểm 2 lần thì đã vượt lên dẫn trước từ phút 25. Đó là chưa kể việc Quỷ Đỏ suýt có bàn thắng thứ hai ở phút 44 sau một pha xuống biên đầy sắc sảo của Welbeck, tiếc là Lloris đã chơi đầy tỉnh táo để cản phá thành công đường chuyền vào trong của số 19. Tottenham có các cá nhân trực chờ tỏa sáng thì MU cũng vậy. Tiếng còi kết thúc 45 phút đầu vang lên, và 0-1 là một kết quả tương đối hợp lý cho hiệp 1 của trận đấu này.

Ngay đầu hiệp 2, Tottenham đã dồn lên, tỏ rõ khát khao gỡ hòa. Ngay phút 46, từ một vài đường chuyền ở phía giữa sân, bóng đến chân Defoe. Dẫn bóng một nhịp, tiền đạo người Anh tung cú dứt điểm trái phá, nhắm vào góc gần cầu môn De Gea. Những phút đầu của hiệp 2 trận đấu diễn ra với tốc độ nhanh khi cả MU và Spurs đều muốn có bàn thắng để sớm giành lấy lợi thế trong 45 phút cuối. Ngay sau khi Defoe dứt điểm trái phá, Man Utd lập tức trả lời với việc dồn quân sang phía nửa sân đội chủ nhà, tiếc là pha phối hợp đầy ăn ý lại không đem lại bất kì pha dứt điểm nào của Van Persie hay Welbeck. Bóng liên tục được đẩy sang cầu môn 2 bên, nhưng Tottenham vẫn là đội có được các cơ hội nguy hiểm hơn. Phút 49, một đường chuyền dài từ phần sân nhà mang lại thời cơ dứt điểm từ xa cho Gareth Bale sau cú nhả bóng lại cực vừa tầm của Caulker. Tiền vệ người xứ Wales vuốt má ngoài chân trái điệu nghệ, bóng đi vọt xà ngang khá đáng tiếc. Chỉ 1 phút sau, cơ hội không thể rõ ràng hơn đến với Spurs khi Dembele đi bóng dũng mãnh qua một rừng cầu thủ MU trước khi tạo điều kiện cho Dempsey có cơ hội đối mặt với De Gea ở khoảng cách chỉ 5 mét. Cú sút sau đó của tiền vệ người Mỹ lại quá hiền và gần với vị trí mà De Gea đã chọn. Một tình huống dễ dàng ghi bàn cho Dempsey đã bị bỏ lỡ, có lẽ do yếu tố tâm lý và bất ngờ. Phút 52, Kagawa thử tài Lloris bằng một cú sút xa ngoài vòng cấm không chính xác, pha dứt điểm thể hiện sự nhún nhường về thế trận của MU trong hiệp 2 này: họ không chú tâm vào tấn công mà chỉ quyết tâm bảo vệ tỉ số đã có được. Điều đó dẫn tới một thế trận dồn ép hoàn toàn đối thủ trong suốt chặng đường hiệp 2 cho các chú Gà trống. 

Liên tục là những pha dồn ép không ngừng nghỉ của những Defoe, Dempsey và Bale. Lối đá tấn công của đội chủ nhà phụ thuộc phần lớn vào việc chơi trung lộ. Kể cả khi những Bale hay Lennon có bóng, họ cũng chơi bó sát vào trong và thực hiện những tình huống sút xa hoặc chọc khe hiểm hóc. Về phía MU, niềm hi vọng chính mang tên Wayne Rooney của họ từ khi vào sân có nhiều tình huống ngã trong vòng cấm, nhưng để nói công tâm thì những pha bóng này chưa đủ để tính là phạm lỗi, tuy nhiên dàn học trò của Sir Alex Ferguson tỏ ra khá bất bình vì những quyết định từ chối thổi phạt của trọng tài Chris Foy. Không dưới 2 lần, Rooney bị đốn ngã trong vòng 16m50 của đối thủ, rõ ràng hơn cả là tình huống ở phút 66, R10 ngã dưới sự tác động của Caulker.

Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.



Liên tục là những pha ăn miếng trả miếng, nhưng Tottenham vẫn là những người chiếm lợi thế. Trong tình huống tấn công hiếm hoi của MU ở phút 68, Rafael và Cleverley có một pha phối hợp tốt ở phía biên phải trước khi chuyền vào trong hiểm hóc cho Welbeck đang trên đà băng lên. Tưởng chừng MU đã có bàn thắng ghi tiền đạo người Anh không hề chậm nhịp, thế nhưng anh lại đưa bóng ra ngoài khi Lloris đã lỡ trớn. Cực đáng tiếc cho MU, nếu họ có bàn thắng đó thì tất cả đã chấm dứt. Còn ngoài tình huống đó ra, thì các pha tấn công đều thuộc về các học trò của Villas-Boas. Hết Dempsey rồi Bale tung ra những cú sút xa cực nguy hiểm nhưng hoặc bóng đi không chính xác, hoặc De Gea xuất sắc. Nếu không như vậy thì phải nói là hàng thủ Man Utd đã phòng ngự tuyệt vời: phút 79, Lennon đi bóng cực dũng mãnh từ phần giữa sân, xộc thẳng vào vòng cấm địa đội khách trước khi chọc khe khôn khéo cho Defoe băng lên. Chưa kịp dứt điểm, Defoe đã bị Ferdinand lọc lõi truy cản khi đang trong tình trạng đối mặt ở khoảng cách chỉ 5 mét với khung thành của Man Utd. Có cảm giác Tottenham xứng đáng có được bàn thắng, nhưng họ không có cách nào để đưa được bóng vào lưới De Gea, hay nói đúng hơn là Spurs còn thiếu một chút sắc sảo trong khâu cuối cùng.

Phút 86, Gareth Bale tung ra một cú sút xa từ ngoài vòng cấm, bị Ferdinand truy cản. 3 phút sau, đến lượt Lennon làm điều tương tự và cũng không thành công. Vận đen bao phủ White Hart Lane, ít nhất trong trận này họ cũng xứng đáng có được ít nhất 1 điểm. Phải nói rằng trận này Spurs không đáng thua, thậm chí họ hoàn toàn xứng đáng có được 3 điểm trọn vẹn. Cái gì đến rồi cũng phải đến, đúng vào phút cuối cùng của trận đấu, Lennon đi bóng tốc độ rồi chuyền vào trong tinh tế, De Gea tỉnh táo đẩy bóng ra, nhưng xui xẻo thay, bóng đi vào đúng tầm chân Dempsey đang đợi sẵn. Một cú dứt điểm nhẹ nhàng và 1-1 cho Tottenham khi trận đấu chỉ được còn tính bằng giây. Quá kịch tính và xứng đáng cho những nỗ lực của Gà trống!

Tất nhiên với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, MU chẳng thể làm được gì. Họ rời sân và ngẩn ngơ vì đánh rơi 2 điểm đầy đáng tiếc. Còn với Tottenham, họ cũng có quyền tiếc, vì đáng ra với những gì đã thể hiện, 1 điểm là hơi ít so với màn trình diễn của các học trò dưới trướng Andre Villas-Boas. Hòa trận này, Man Utd để Man City rút ngắn khoảng cách xuống còn 5 điểm, và cuộc đua đến ngôi vô địch lại nóng lên qua từng ngày!

Đội hình thi đấu:
Tottenham: Lloris - Walker, Dawson, Caulker, Naughton (Assou-Ekotto 64') - Parker (Huddlestone 80'), Dembele, Lennon, Dempsey, Bale - Defoe.
Man Utd: De Gea - Rafael, Ferdinand, Vidic, Evra, Carrick, Jones, Cleverley (Valencia 75'), Kagawa (Rooney 62'), Welbeck - van Persie.
  • Thành Nguyễn - Bongda24h.vn



Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X