Thứ Ba, 19/03/2024Mới nhất
Zalo

Vì sao Man Utd khó có thể tái thiết thành công như Liverpool?

Thứ Hai 12/10/2020 09:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Quãng thời gian 7 năm qua quả thực khó nuốt với Quỷ đỏ, bởi họ chưa bao giờ thực sự trở lại vị thế hàng đầu như trước. Vậy nhưng quãng thời gian đó diễn ra như thế nào, và lý do vì sao một đội bóng lớn mạnh như vậy đã nhanh chóng đánh mất đi bản lĩnh nhà vua?
  Thất bại trước Crystal Palace cuối tuần trước có thể không mang nhiều ý nghĩa ở một giải đấu kéo dài 38 vòng, nhưng nó cho thấy rằng Man Utd vẫn chưa thể sẵn sàng ngay bây giờ. 

 
Ngày hôm qua, chúng ta đã tìm hiểu về hành trình tái thiết dẫn đến thành công của Liverpool cùng huấn luyện viên Jurgen Klopp. Và bây giờ, bongda24h sẽ tiếp tục đưa các bạn đến với câu chuyện tương tự ở Manchester United, nhưng kết quả cuối cùng lại hoàn toàn khác nhau, dù đội chủ sân Old Trafford từng bắt tay vào việc sớm hơn gần 2 năm so với đại kịch địch ở vùng Merseyside…
 
Mùa hè năm 2013 là khoảng thời gian buồn vui lẫn lộn của Manchester United. Vui là vì họ một lần nữa lên ngôi vương nước Anh, nhưng sẽ chẳng có mấy người yêu mến đội bóng này cảm thấy ổn khi huyền thoại Sir Alex Ferguson chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện. Trong lễ chia tay trên sân Old Trafford, người đàn ông vĩ đại đó đã nhắc đến tân thuyền trưởng David Moyes và hy vọng các CĐV sẽ ủng hộ đồng hương của mình trong giai đoạn mới…
 
Tuy nhiên, quãng thời gian 7 năm qua quả thực khó nuốt với Quỷ đỏ, bởi họ chưa bao giờ thực sự trở lại vị thế hàng đầu như trước. Vậy nhưng quãng thời gian đó diễn ra như thế nào, và lý do vì sao một đội bóng lớn mạnh như vậy đã nhanh chóng đánh mất đi bản lĩnh nhà vua?
 
Ở mùa giải 2013/14, Man Utd chỉ về đích ở vị trí thứ 7 tại Premier League, bị loại sớm ở FA CUP và thất bại khó hiểu trước Sunderland khi vào đến bán kết League Cup. Cuối cùng, họ cũng chẳng thể gây bất ngờ tại Champions League, dù từng lội ngược dòng kinh điển trước Olympiacos ở vòng 1/8. 
 
Sự tệ hại của David Moyes trên băng ghế chỉ đạo có thể được nhìn thấy từ các khán đài, vì các khán giả quá chán nản với lối chơi được cho là “hèn nhát” của Man Utd. Để lấy ví dụ, chúng ta hãy nhớ về trận hòa 2-2 với Fulham tại Old Trafford vào đầu năm 2014…
 
Theo thống kê từ Squawka, đội chủ nhà đã tạo ra tổng cộng 81 quả tạt bóng từ hai biên, với 31 pha dứt điểm và mang về 2 bàn thắng... nhưng tất cả những thống kê kinh hoàng đó chỉ cho thấy sự bế tắc của Quỷ đỏ, bởi họ chẳng biết làm thế nào để ghi bàn ngoài việc tạt bóng cầu may.
 
Về sau này, cựu tiền vệ Michael Carrick – người từng chơi bóng dưới trướng David Moyes ở mùa giải năm đó – đã có những lý giải về sự thất bại đầu tiên của ông thầy đến từ Everton. Anh chia sẻ trong cuốn tự truyện Between The Lines được phát hành vào năm 2018: 
 
“Tôi cảm thấy ổn với David, và cũng chưa bao giờ nói xấu ông ấy cả. Nhưng tôi nhớ lại một trong những cuộc họp đầu tiên của ông ấy, và David nói với toàn đội rằng: ‘Tôi tin mình có thể làm cho các bạn trở nên tốt hơn. Tôi biết MU đã vô địch năm ngoái… nhưng tôi có thể khiến các bạn chạy nhiều hơn nữa’. Công bằng mà nói, ông ấy đã tìm kiếm một vết nứt, vì tôi chỉ nghĩ những gì David nói thực sự không đúng hướng. Đó không hẳn là cách tốt để bạn làm quen với một đội hình mới, đặc biệt là khi họ vẫn đang là những nhà vô địch, trong khi bạn chưa bao giờ có thành tựu gì với tư cách quản lý cả”.
 
Với một hoàn cảnh tệ hại như vậy, chẳng bất ngờ khi trát sa thải được đặt lên bàn làm việc của Moyes ngay khi giải đấu chưa kết thúc. Man Utd hoàn thành 4 vòng còn lại với trợ lý Ryan Giggs, nhưng quyết định đặt niềm tin vào Louis van Gaal, sau khi chứng kiến ông cùng ĐT Hà Lan bay cao tại World Cup 2018. Từ đây, một chương mới đau khổ tiếp tục xảy ra với đội chủ sân Old Trafford…
 
Ngay khi bước lên nắm quyền, vị thuyền trưởng sinh năm 1951 đã đưa về 11 gương mặt mới trong hai giai đoạn chuyển nhượng. Hầu hết trong số này đã ra đi trong cay đắng như Memphis Depay, Angel di Maria, Radamel Falcao… nhưng Luke Shaw và Marcos Rojo là những người còn xót lại cho đến bây giờ. 
 
Ở chiều ngược lại, Van Gaal mạnh tay loại bỏ hàng loạt công thần như Rio Ferdinand, Patrice Evra, Nemanja Vidic, Danny Welbeck… và điều đó về sau này dẫn đến 2 luồng ý kiến trái chiều liên quan đến tư tưởng của chiến lược gia người Hà Lan. Nhưng chúng ta hãy gác điều này lại một bên, vì Man Utd giai đoạn 2014 – 2016 không chỉ có vậy…
 
Kết thúc mùa giải đầu tiên với việc đưa đội nhà trở lại Champions League, có vẻ như tiêu chuẩn tại Old Trafford đã bị giảm xuống chỉ với một năm đau khổ cùng David Moyes. Khi ấy, Van Gaal thậm chí còn rất vui vẻ với thành tích hạng 4 chung cuộc tại Premier League, bằng chứng là ông có một bài phát biểu rất dài ở buỗi lễ liên hoan vào mùa hè.
 
Tuy nhiên, nụ cười trên khuôn mặt “Tulip thép” chẳng thể che giấu được sự thật tai hại ở mùa giải 2015/16. Đội chủ sân Old Trafford một lần nữa bị hất văng khỏi vị trí tham dự Champions League, và thực tế họ chẳng xứng đáng nếu nhìn vào con số 49 bàn thắng sau 38 vòng đấu. Lối chơi vô hồn, bế tắc trong tấn công, tồi tệ khi phòng thủ… đã khiến NHM Quỷ đỏ một lần nữa kêu trời. Cuối cùng, như một định mệnh sắp đặt, Man Utd sa thải Van Gaal trong cay đắng!
 
Trên thực tế, chiến lược gia người Hà Lan vẫn để lại dấu ấn trong 2 năm dẫn dắt đội bóng áo đỏ. Ngoài danh hiệu FA CUP 2016, có lẽ các Manucians cần cảm ơn ông về sự phát hiện tài năng của Anthony Martial và đặc biệt là Marcus Rashford… nhưng như đã nói, có người phấn khích với chính sách đào tạo trẻ đó, và cũng có người cảm thấy Van Gaal chẳng đúng khi thanh lý nhiều trụ cột, mặc dù mọi thứ đã là quá khứ. 
 
Van Gaal từng bày tỏ sự tiếc nuối cho sự nghiệp tại Man Utd, từng chỉ trích CEO Ed Woodward không cho ông thêm cơ hội… dù vậy, trong bối cảnh đội bóng bị bủa vây bởi quá nhiều rắc rối, Jose Mourinho được mời về nhằm một lần nữa tái thiết đội bóng và để lấy lại vị thế đại gia khi Man City cũng sa thải Manuel Pellegrini để bổ nhiệm Pep Guardiola…
 
Bắt đầu kỷ nguyên với một trong những nhân vật cá tính bậc nhất làng túc cầu, Man Utd có lẽ muốn trở lại ngay chứ không muốn đặt ra kế hoạch dài hơi, bởi Mourinho chưa bao giờ là mẫu huấn luyện viên giỏi xây dựng đội bóng dài hạn. Chính vì sự lệch pha ngay từ khi mới hợp tác, sự đau khổ tại Old Trafford tiếp tục diễn ra ngay cả khi họ đã trải qua mùa giải 2016/17 tương đối thành công với 3 danh hiệu!
 
Sau chiến thắng ở FA Community Shield, League Cup và Europa League, Man Utd chấp nhận chi thêm rất nhiều tiền để đưa về Romelu Lukaku, Victor Lindelof, Nemanja Matic, Zlatan Ibrahimovic và thêm Aleix Sanchez vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, mùa giải 2017/18 không phải thời điểm để đội chủ sân Old Trafford bước lên dù họ đã cải thiện về mặt trình độ, khi Man City bắt đầu đi vào thời kỳ cực thịnh cùng Guardiola.
 
Thành tích á quân Premier League khi đó chẳng mang lại niềm vui, bởi Man City bỏ xa họ với 18 điểm cách biệt. Lật lại quãng thời gian trước đó, Mourinho đã được cấp khoảng 300 triệu bảng để mua sắm, nhưng ông vẫn khẳng định chừng đó là chưa đủ khi so bì với đại kình địch cùng thành phố… để rồi dẫn đến chuyện bi hài trước mùa giải trên đất Mỹ.
 
Trong buổi họp báo ở xứ cờ hoa, chiến lược gia người BĐN đã vô cùng bực tức khi bị cánh phóng viên hỏi về tình hình chuyển nhượng và mục tiêu cho mùa giải mới. Ông khẳng định Man Utd thực sự chưa bổ sung gì nhiều, với một tiền vệ Fred mới đến, một chú nhóc (là Diogo Dalot) và một cầu thủ dự bị mòn đũng quần (là Lee Grant). 
 
Mourinho cũng cảnh báo rằng, mùa giải 2018/19 sẽ là quãng thời gian cực kỳ khó khăn với đội nhà… nhưng khi đó chẳng mấy ai tin tưởng, vì dù sao Man Utd cũng đang sở hữu đội hình tương đối mạnh. Và sau cùng, sự thực đã xảy ra khi mùa giải mới đi qua nửa già giai đoạn một. Cho đến nay, chúng ta chỉ có thể khẳng định trát sa thải đó là hệ quả của việc Quỷ đỏ chỉ thắng 7/17 trận đầu tiên, trong khi chẳng ai dám chắc liệu nguyên nhân có đến từ Paul Pogba hay không, ngay cả việc anh ta bị Mourinho loại bỏ ở 3 trận cuối cùng trước thời điểm thua Liverpool tại Anfield.
 
Di sản mà vị thuyền trưởng sinh năm 1963 để lại Old Trafford là những danh hiệu ở mùa giải đầu tiên, nhưng cũng không có nhiều người tỏ ra thích thú với hàng loạt phát biểu của ông trên truyền thông về sự chỉ trích các học trò, chửi nhau với cánh phóng viên, hay lối đá không tích cực hơn là mấy so với Moyes và Van Gaal.
 
Sau hơn 2 năm buồn nhiều hơn vui với Mourinho, Man Utd ban đầu chỉ coi Ole Gunnar Solskjaer là kẻ đóng thế với bản hợp đồng theo dạng tạm quyền, nhưng câu chuyện tình yêu với cựu tiền đạo người Na Uy không ngắn đến thế, nhất là sau đêm Paris huyền diệu hồi tháng 3/2019. Việc đánh bại PSG ở thế yếu đã giúp mối lương duyên giữa MU và Solskjaer chính thức bắt đầu bằng một giao kèo mới, ở đó chúng ta sẽ thấy một chính sách khác, tư tưởng khác và thứ bóng đá khác tại Old Trafford như những gì đang diễn ra hiện nay…
 
Tiếp quản đội nhà từ giữa mùa, vị thuyền trưởng trẻ tuổi đã không thể cạnh tranh suất dự Champions League với Chelsea, và đành ngậm ngùi với vị trí đủ để đến với Europa League. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Solskjaer đã liên tiếp khẳng định rằng ông và các cộng sự đang cố gắng tái thiết lại tất vả với một thứ văn hóa mang tên “UNITED”.
 
Tư  tưởng này được nhấn mạnh bởi một đội hình bao gồm các cá nhân thích chơi cho màu áo đỏ thay vì chỉ nghĩ đến tiền bạc, mặc dù Man Utd sẽ không bao giờ mua được cầu thủ với giá rẻ, khi mà vị thế của họ quá lớn ở xứ sương mù. Nhưng trong một chừng mực nhất định, gần 200 triệu bảng cho Harry Maguire, Daniel James, Aaron Wan-Bissaka, Bruno Fernandes và Nathan Bishop cũng mang về sự mới mẻ cho Quỷ đỏ.
 
Có thể nói, các thương vụ mà Solskjaer thực hiện ở 2 giai đoạn chuyển nhượng đầu tiên đều mang lại thành công, mà điển hình là cú nước rút ngoạn mục từ sau khi Bruno Fernandes gia nhập đội vào ngày cuối cùng của phiên chợ đông 2020. Kết thúc mùa giải năm ngoái, Man Utd có được vị trí thứ 3 đủ để tham dự Champions League, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng suýt chút nữa họ đã đánh mất tấm vé nếu thua Leicester City vào ngày hạ màn…
 
Nguyên nhân chính dẫn đến một vài trận đấu kém ấn tượng của Man Utd cuối mùa trước rõ ràng là vấn đề thể lực, khi chất lượng chuyên môn quá chênh lệch giữa đội hình chính và ghế dự bị. Điều này được mổ xẻ rất nhiều cho đến nay nhưng chẳng hiểu vì sao đội bóng này đang chơi trò ú tim với NHM Quỷ đỏ ở các động thái chuyển nhượng.
 
Các cựu công thần như Patrice Evra hay Rio Ferdinand đã van xin CEO Ed Woodward mua Jadon Sancho hay Dayot Upmecano… và câu trả lời hiện chỉ là Donny van de Beek, và chẳng ai biết nó có thể xảy ra nếu ở Ajax Amsterdam không có Edwin van der Sar. Tuy vậy, ngay cả khi Man Utd đưa về được những người này, họ vẫn sẽ cần thêm thời gian để thực sự thách thức được Liverpool và Man City.
 
Tiêu chuẩn hiện nay để nghĩ đến ngôi vương nước Anh là 90 điểm hoặc hơn nữa, nhưng mùa trước Man Utd chỉ sở hữu vỏn vẹn 66 điểm. Khoảng cách quá xa như vậy thật khó để san lấp trong tương lai gần, chưa kể hiện nay đội hình trong tay Solskjaer đang hết pin. Đa số các cầu thủ đá chính đều suy kiệt thể lực, và chất lượng ở đội ngũ dự bị cũng không mang đến điều tích cực cho đa số những ánh nhìn từ bên ngoài.
 
Thất bại trước Crystal Palace cuối tuần trước có thể không mang nhiều ý nghĩa ở một giải đấu kéo dài 38 vòng, nhưng nó cho thấy rằng Man Utd vẫn chưa thể sẵn sàng ngay bây giờ. Các ngôi sao tại Old Trafford có đẳng cấp cao, biết tạo ra những điều kỳ diệu… dù vậy, họ không phải những chiếc điện thoại có thể sạc pin theo thời gian, trong bối cảnh mùa giải sẽ đi qua cực kỳ nhanh để kịp tiến độ cho EURO 2021. 
 
Nhìn một cách tổng thể, Man Utd đã sai ngay từ đầu, khi họ thiếu kiên nhẫn cho các vị huấn luyện viên sau thời Ferguson. Nhưng cũng khó có thể trách BLĐ Quỷ đỏ, bởi vị thế của đội bóng này khác hoàn toàn so với Liverpool nếu nhìn vào xuất phát điểm tái thiết. Tuy vậy, thất bại liên tiếp trong 7 năm qua, trong một chừng mực nào đó vẫn rất tốt cho đội chủ sân OTF biết được mình đang ở đâu và dành thêm sự kiên nhẫn cho Solskjaer. 
 
Triều đại của chiến lược gia người Na Uy có lẽ vẫn sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa, bất chấp những chỉ trích nhắm vào ông sau trận thua ngày mở màn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhìn nhận khách quan rằng, Man Utd đang còn dang dở ở nhiều khía cạnh, từ hậu trường cho tới chuyên môn, từ ghế chỉ đạo cho tới phòng thay đồ… nên đây vẫn chỉ là giai đoạn đầu cho công cuộc tái thiết. Mớ bòng bong như vậy đã chỉ rõ nguyên nhân không thể mang đến thành công, và thời gian là thứ duy nhất có thể mang đến câu trả lời. Hãy cùng chờ xem!

Trung Quân
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X