Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Vì sao bóng đá thế giới xuất hiện nhiều tài năng xuất chúng từ các quốc gia xa lạ?

Thứ Tư 14/10/2020 15:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Pulisic với quốc tịch Mỹ - nơi luôn yêu thích bóng rổ hoặc bóng bầu dục, Erling Haaland với quốc tịch Na Uy là đội tuyển rất yếu ở châu Âu, Davies với quốc tịch Canada chưa bao giờ giỏi môn thể thao nào ngoài những gì liên quan đến tuyết, hay như Kubo và Lee Kang-in là những người châu Á chẳng mấy khi được đánh giá cao…
Christian Pulisic, Erling Braut Haaland, Takefusa Kubo, Lee Kang-in, Alphonso Davies,… những cầu thủ này đều còn rất trẻ những đã gây tiếng vang khắp châu Âu trong vài năm qua. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, quý vị và các bạn có thể nhận thấy rằng, tất cả họ không đến từ những quốc gia quá nổi tiếng với bóng đá.
 
Thật vậy, Pulisic với quốc tịch Mỹ - nơi luôn yêu thích bóng rổ hoặc bóng bầu dục, Erling Haaland với quốc tịch Na Uy là đội tuyển rất yếu ở châu Âu, Davies với quốc tịch Canada chưa bao giờ giỏi môn thể thao nào ngoài những gì liên quan đến tuyết, hay như Kubo và Lee Kang-in là những người châu Á chẳng mấy khi được đánh giá cao… 
 
Bóng đá giai đoạn trước đây chỉ xuất hiện một vài cầu thủ nổi danh với những quốc tịch xa lạ, chúng ta có thể kể đến Andriy Shevhenko người Ukraine; Ole Gunnar Solskjaer người Na Uy; Sami Hyppia người Phần Lan; Eiður Guðjohnsen người Iceland… Còn bây giờ, măng non kiểu này chẳng khác nào nấm mọc sau mưa...
 
Nhưng vì sao trong những năm gần đây lại xuất hiện rất nhiều tài năng trẻ nổi bật từ các quốc gia xa lạ ngoài Anh, Pháp, Đức, Ý, TBN, BĐN, Brazil hay Argentina như vậy? Trong video ngày hôm nay, chúng mình sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu hơn về xu hướng mới trong môn thể thao vua nhé! Nào, bắt đầu ngay thôi!
 
*************************
Trước tiên, muốn tìm được nguồn cung cấp cầu thủ, các CLB cần tuyển dụng được một mạng lưới tuyển trạch viên ưng ý  (bao gồm trưởng bộ phận tuyển trạch và dưới là các trinh sát viên) với tư tưởng phát triển nhân sự của họ. Sau đó, mạng lưới này có trách nhiệm công việc như một vòi bạch tuộc vươn ra khắp 5 châu với mục đích tìm kiếm bất cứ ai đủ tiêu chuẩn để tham gia vào kế hoạch.
 
Trước khi xúc tiến mua bất kỳ cầu thủ nào, các trinh sát viên có vài tháng hoặc cả năm theo dõi. Họ có thể xem cầu thủ thi đấu hoặc luyện tập 6 ngày/tuần và 2 ca/ngày. Rất nhiều đội bóng lớn có cả hệ thống tuyển dụng và mạng lưới trinh sát dày đặc để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ tài năng nào trẻ nào, hoặc kiểm chứng khả năng cầu thủ họ muốn mua. Nhiều CLB còn có hẳn cả 1 hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ với hàng chục nghìn cầu thủ. Vì thế mà các CLB ở châu Âu vẫn có thể phát hiện ra các tài năng ở những nơi hẻo lánh nhất có thể.
 
Mạng lưới trinh sát một khi có phát hiện đều gì thú vị, họ sẽ lập tức báo cáo lên trưởng tuyển trạch viên với mục đích thẩm định mục tiêu. Nếu cảm thấy anh ta tiềm năng, tuyển trạch viên trưởng sẽ báo cáo lên HLV hoặc GĐBĐ đứng đầu công tác tuyển dụng của CLB. 
 
Để lấy ví dụ, chúng mình xin nhắc đến nhân vật Francis Cagigao – một tuyển trạch viên nổi tiếng ở Arsenal trong giai đoạn Arsene Wenger còn nắm quyền. Năm 1996, khi trở lại thăm đội bóng cũ phía bắc London, ông gặp gỡ Steve Rowley (trưởng bộ phận tuyển trạch), và Wenger (người mới đến từ Nhật Bản).
 
Wenger lúc đó đang có kế hoạch xây dựng mạng lưới tuyển trạch viên toàn cầu. Ông rất thích thú khi thảo luận điều này với Cagigao, người lúc đó đang làm HLV kiêm cầu thủ tại Club Lemos (ở giải hạng Tư Tây Ban Nha). Chính Wenger đề nghị Cagigao hợp tác và cựu cầu thủ Arsenal từ đó cũng bắt đầu làm tuyển trạch viên thời vụ cho đội bóng cũ.
 
Cagigao có nhiệm vụ theo dõi và phát hiện cầu thủ tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nơi anh tặng món quà quý cho Wenger là Lauren. Hậu vệ người Cameroon là gương mặt đầu tiên mà Cagigao mang về Highbury, sau khi ông chính thức làm việc toàn thời gian cho Arsenal vào năm 2000.
 
Lauren tới Arsenal với nhiệm vụ thay thế hậu vệ cánh phải Lee Dixon. Nhưng ban đầu, Wenger khá nghi ngờ điều đó bởi anh chàng này chỉ chơi ở vị trí tiền vệ ở Real Mallorca. Sau vài trận đầu tiên bỡ ngỡ, cầu thủ người Cameroon đã hòa nhập tuyệt vời và dần trở thành một phần quan trọng của Arsenal bất bại huyền thoại ở mùa giải 2003/04. Vâng, thành công của Lauren tại Highbury phản ánh con mắt tinh đời của Cagigao nhưng đó mới là ví dụ đầu tiên thưa quí vị...
 
Sau đó là hàng loạt những Cesc Fabregas, Jose Antonio Reyes, Alexander Hleb, Robin van Persie, Santi Cazorla, Emiliano Martinez, Carlos Vela, Hector Bellerin và Nacho Monreal được Cagigao mang về trong giai đoạn 2003-2013. Từ vị trí trưởng bộ phận tuyển trạch viên Nam Âu và Nam Mỹ, Cagigao được thăng chức lên vị trí trưởng tuyển trạch viên toàn cầu.
 
Thương vụ chiêu mộ Fabregas là một trong những thành công lớn nhất của Cagigao ở Arsenal. Tiền vệ người Tây Ban Nha cập bến vào năm 2003 khi mới 15 tuổi, từ một cầu thủ trẻ không được đánh giá cao tại Barcelona đã vụt sáng thành một tiền vệ hàng đầu Premier League.
 
Nghĩa là, mạng lưới tuyển trạch trong thời kỳ mới đã dễ dàng hơn xưa, và khi nó được bao phủ toàn cầu thủ việc bạn tìm được một bông hoa trong cả núi rác cũng là điều tương đối dễ hiểu. Nhưng ngọc thô nếu không trải qua quá trình rèn dũa thì có thể sẽ biến thành phế liệu… Vì thế, khi đã tuyển trạch được cầu thủ ưng ý, giai đoạn tiếp theo cũng vô cùng quan trọng…
 
*****************************
Vâng, chúng mình đang nói đến hệ thống đào tạo trẻ, bao gồm kế hoạch ăn – tập – nghỉ ngơi – tham gia các giải đấu cọ sát một cách khoa học và khi cần thiết sẽ đưa các cầu thủ đi tu nghiệp theo dạng cho mượn đến những câu lạc bộ nhỏ cần nguồn nhân lực để phát triển thay vì bỏ tiền ra mua sắm như các đại gia trong làng túc cầu.
 
Nếu nói về hệ thống đào tạo trẻ, có lẽ phải nhắc nhiều đến Manchester City và đặc biệt là Chelsea. Năm ngoái, đội chủ sân Stamford Bridge bị FIFA phạt nặng vì vi phạm các quy định liên quan tới việc ký hợp đồng với các cầu thủ ở tuổi vị thành niên. Trên thực tế, Chelsea năm nào cũng cho mượn vài chục măng non đến Bỉ, Pháp, Đức… trong khi không riêng gì Chelsea, bất cứ CLB nào ở châu Âu vẫn có đủ mọi cấp độ dành cho mọi lứa tuổi.
 
Khi các tuyển trạch viên đưa được tài năng mới về, CLB có trách nhiệm đào tạo họ, mặc dù chúng ta cũng cần hiểu rằng, tỷ lệ thành công như Haaland, Pulisic, Davies… thực tế không thể cao hơn so với số lượng thất bại trong nghề quần đùi áo số. Tuy vậy (như đã nói), chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ về mạng lưới tuyển dụng và chính sách đào tạo nên tài năng xuất hiện ngày càng nhiều, và cũng đến từ những quốc gia không mạnh về bóng đá.
 
Một ví dụ nữa để chúng ta thấy được xu hướng mới trong môn thể thao vua đã giúp nhiều cầu thủ đến từ những quốc gia không mạnh về bóng đá trở thành ngôi sao hàng đầu và hiếm thấy. 
 
Trước đây, bóng đá Ai Cập có lẽ chỉ được biết đến với thành tích vô địch châu Phi cùng tiền đạo Mido, nhưng bây giờ đất nước nổi tiếng với những công trình Kim Tự Tháp đang sở hữu kỷ lục gia vĩ đại nhất lịch sử Premier League – Mohamed Salah với 32 bàn thắng ở mùa giải 2017/18; hay Mohamed Elneny đang tung hoành cùng Arsenal...
 
Trong quá khứ, Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều cầu thủ cũng nổi bật như Hirodoshin Nakata, Shunsuke Nakamura, Park Ji-Sung, Lee Young Pio… nhưng hiện nay Kubo đang là tương lai của Real Madrid, trong khi Son Heung-min có thể coi như tiền đạo cánh hay nhất Premier League bên cạnh Sadio Mane. Những cầu thủ này cũng được các tuyển trạch viên ở châu Âu tìm thấy khi còn ở quê nhà, và đưa sang ăn tập theo kiểu châu Âu – và bây giờ họ chơi thứ bóng đá hiện đại với nền tảng thể lực tuyệt vời chẳng khác nào cầu thủ bản địa.
************
 
Sự hiệu quả về mặt chuyên môn nói chung và tài chính kinh tế nói riêng khi các CLB tiến hành chính sách “săn cầu thủ” kiểu mạng lưới vòi bạch tuộc này đã khiến những đại diện tên tuổi cũng phải học theo. Real Madrid là một ví dụ. Năm 2018, chủ tịch Florentino Perez nói rằng Real Madrid sẽ không áp dụng định hướng Galaticos như trước, mà sẽ cố gắng xây dựng đội hình bằng cách đào tạo trẻ. 
 
Đây là ý tưởng rất đáng hoan nghênh vì đội chủ sân Bernabeu xưa nay chỉ thích vung tiền chứ không màng đến các măng non ở đội dự bị như Barcelona. Thực tế cho thấy, trong 6 năm qua, Real Madrid chỉ kích hoạt 3 quả bom tấn là James Rodriguez, Eden Hazard và Luka Jovic, nhưng họ đã bán đi Alvaro Morata, Mesut Ozil, Angel di Maria, Gonzalo Higuain,… và thu về số tiền chẳng kém cạnh chiều mua.
 
Người ta thường nói rằng, ai cũng sẽ trở thành cầu thủ giỏi với quốc tịch Brazil hay Argentina. Điều này thực tế chẳng hoàn toàn sai, vì những anh chàng “chân đất” ở đó cũng là ngôi sao lớn tại V.League hay một vài giải đấu kém tiếng ở châu Á. Tuy nhiên, tài năng là một chuyện, và họ sẽ chẳng thể vươn lên mạnh mẽ nếu thiếu đi việc tập luyện đúng cách, và có thể trở thành ngôi sao hàng đầu nếu được sống và chơi bóng trong môi trường chuyên nghiệp.
 
Điều này cũng lý giải cho sự trỗi dậy của ĐT Việt Nam trong những năm gần đây. Chắc chắn các cầu thủ dưới trướng huấn luyện viên Park Hang-seo đều có điều kiện ăn tập tốt hơn các đàn anh ở thế hệ trước... và khi tài năng kết hợp được với sự trau chuốt trong đào tạo… thành công tự khắc sẽ theo đuổi họ. 
 
Nhìn chung, việc có nhiều cầu thủ nổi tiếng hiện nay đến từ những quốc gia xa lạ không phải điều bất thường, họ là hệ quả của công cuộc thay đổi xu thế phát triển bóng đá trong thời kỳ mới. Cứ đà này, quý vị và các bạn đừng quá ngạc nhiên nếu trong tương lai xuất hiện thêm nhiều Erling Haaland hay Alphonso Davies…
 
TRUNG QUÂN

 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X