Trên thực tế, Barcelona cũng giống Real Madrid ở chính sách thiếu kiên nhẫn với các huấn luyện viên trưởng, bởi họ thường xuyên đuổi việc những người đứng đầu công tác chuyên môn nếu họ không thể đáp ứng được yêu cầu về thành tích trong một giai đoạn cụ thể. Câu chuyện này đã tồn tại từ lâu và dễ nhận thấy nhất từ trước thời kỳ Joan Laporta nắm quyền chủ tịch.
Sau khi đẩy huấn luyện viên Radomir Antic ra đi chỉ sau nửa năm, tân chủ tịch Laporta bắt đầu công cuộc bành trướng với vụ cướp Ronaldinho từ tay Sir Alex Ferguson. Sau đó, ông cũng đưa Frank Rijkard lên nắm quyền thuyền trưởng – người khi ấy chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm cầm quân, nhưng cuối cùng lại là nhân vật đặt nền móng đầu tiên cho lịch sử Barcelona trong thế kỷ mới.
Sau vài mùa giải thành công nhưng cũng nhanh chóng sa sút, Barcelona như đã nói, sa thải chiến lược gia người Hà Lan một cách phũ phàng… Và rồi một lần nữa lịch sử được viết tiếp cho Blaugrana, nhưng lần này nó còn huy hoàng hơn gấp bội, dù khi đó người ta đã đặt ra câu hỏi về năng lực của một người chưa bao giờ làm huấn luyện viên và cũng chỉ mới chia tay sự nghiệp cầu thủ trước đó 24 tháng. Vâng, đó chính là Pep Guardiola – nhân vật huyền thoại trong làng bóng đá đương đại.
Với 4 mùa giải – quãng thời gian không dài, nhưng cũng chẳng quá ngắn nếu chúng ta xét đến sự nghiệp một huấn luyện viên bóng đá ở một câu lạc bộ. Tuy nhiên, giai đoạn 2008-2012 rõ ràng là thời gian để Pep Guardiola đưa Barcelona lên tầm cao mới, thậm chí nhờ thứ bóng đá đó mà ĐT Tây Ban Nha cũng vì thế mà thống trị hoàn toàn thế giới với 2 danh hiệu Euro và 1 chức vô địch World Cup.
Nhưng từ ngày Pep rời đi cũng là thời điểm đầu tiên người ta nhìn thấy đế chế Catalan dần sụp đổ trong cả Barcelona cũng như TBN. Ngay cả khi Luis Enrique cũng đem lại thành công với cú ăn ba ở mùa giải 2014/15 thì số phận của ông cũng chẳng khác Rijkard là mấy, rồi về sau này thì mọi huấn luyện viên kế nhiệm đều bị coi là những kẻ thất bại.
Chỉ sau một mùa giải 2015/16 không quá thành công, Enrique buộc phải ra đi trong nỗi ám ảnh về thứ bóng đá định hướng vị trí đã manh nha sụp đổ với Tito Vilanova và Gerardo Martino từ trước. Và cũng kể từ đó, người ta không còn được thấy Barcelona thực sự mạnh mẽ như bao năm trước…
Sự ra đi đó chắc chắn có liên quan nhiều hơn từ phía Barcelona, vì đó là khi giao kèo cũ không được gia hạn, và cá nhân Enrique cũng thất nghiệp cho đến khi được mời lên thay thế Julen Lopetegui trên ĐTQG Tây Ban Nha. Thay vào đó, Josep Bartomeu (chủ tịch mới đắc cử) vào năm 2015 – mời Ernesto Valverde làm tân huấn luyện viên trưởng. Nhưng nước đi này quả thực không thể lường trước sự tệ hại và bạc nhược trông thấy của đội bóng xứ Catalan.
Barcelona chơi không tệ ở La Liga, nhưng điều họ muốn phải là danh hiệu Champions League. Trong quãng thời gian này, họ thua AS Roma, rồi thì thất bại quá khó tintrước Liverpool... Trên các khán đài, người hâm mộ đội bóng chán ghét sự nhu nhược của Valverde ở những trận cầu lớn… và bổn cũ soạn lại, Barcelona tiếp tục sa thải huấn luyện viên trưởng trong cơn khát khi tìm về cội nguồn của thành công.
Có lẽ Bartomeu luôn mong mỏi tìm lại ánh hào quang xưa cũ, và ông ta tin rằng một kiện tướng cờ vua với bộ óc siêu phàm đang chăn bò ở đâu đó trên đất Tây Ban Nha sẽ giúp Barcelona vực lại ý tưởng đó, nhưng sau tất cả thì thứ bóng đá của Quique Setiene (người bước lên thay thế Valverde) thậm chí còn chẳng hiểu gì về triết lý ở Nou Camp, bởi xưa nay họ chơi theo sơ đồ 4-3-3, trong khi ông này biến Blaugrana thành một đội hình sử dụng phương án có hai tiền đạo vô cùng lạ lẫm.
Thất bại 2-8 mà Barcelona phải hứng chịu quả thực không thể đau hơn, vì họ chưa bao giờ thua đậm đến thế ở vòng bán kết Champions League. Vào thời điểm cuối trận, các ống kính máy quay chiếu thẳng đến vị trí của Setiene ở khu vực kỹ thuật, với hình ảnh dang tay rộng ra, bám vào mái vòm hàng ghế dự bị, giống như hình ảnh của chúa Jesus đau khổ với cây thánh giá, mặc dù số phận của ông không bao giờ là cứu rỗi thế giới nhỏ bé ở xứ Catalan.
Sau cùng, Setiene chẳng thể ở lại và Ronald Koeman được mời về thay thế… nhưng chiến lược gia người Hà Lan chẳng phải bậc kỳ tài nếu chỉ nói đến việc vận hành triết lý bóng đá định hướng vị trí. Thực tế cho thấy, Barcelona hiện chơi với sơ đồ 4-2-3-1, và Messi bị hạn chế ít nhiều tầm ảnh hưởng...
Năm mới nhưng vẫn phải kể chuyện cũ, việc tái thiết của Barcelona chưa đi đến đâu, họ lại bị khui ra những khoản nợ khổng lồ lên tới cả tỷ euro, và một trong số đó có liên quan đến siêu sao Leo Messi. Vâng, anh đá hay thì ai cũng hiểu, nhưng để đổi lấy những bàn thắng, những pha kiến tạo của El Pulga, đội bóng xứ Catalan cũng phải đánh đổi rất nhiều, chí ít là về mặt tài chính.
Sau ngày 30/6 sắp tới, Messi sẽ chính thức hết hợp đồng. Hiện tại, khi đội bóng xứ Catalunya chưa tiến hành bầu cử Chủ tịch kế nhiệm Bartomeu, thế nên việc đàm phán gia hạn vẫn chưa được thực hiện. Lúc này, các ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Chủ tịch là Joan Laporta và Victor Font đều hứa hẹn sẽ thuyết phục M10 ở lại, nhưng tiền đạo người Argentina hiện đã được phép đàm phán với bất kỳ đội bóng nào để có thể đầu quân vào mùa Hè năm nay.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, Barca rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính với cảnh báo về nguy cơ phá sản vào cuối tháng 1 này, nếu không giải quyết được một số vấn đề nội bộ, trong đó có việc thuyết phục các cầu thủ giảm lương. Thông báo mới nhất cho thấy, các khoản nợ của Culé đã vượt qua con số 1 tỉ Euro.
Trong bối cảnh đó, tờ El Mundo tiết lộ một thông tin gây sốc với NHM. Theo đó, tính đến khi kết thúc hợp đồng với Barca, tổng số tiền chân sút 33 tuổi này nhận được trong hợp đồng hiện tại là 555.237.619 Euro. Nghĩa là tính từ năm 2017, mỗi năm Barca phải trả cho Messi khoảng 138 triệu Euro.
Thông tin chi tiết được tiết lộ cùng các chi tiết đáng chú ý như hợp đồng dài tới 30 trang, kèm điều khoản lót tay khi chấp nhận gia hạn là 115 triệu Euro và khoản thưởng cho “lòng trung thành” xấp xỉ 78 triệu euro. Với giá trị của bản hợp đồng được tiết lộ, lương của Messi trong 4 năm qua có thể giúp Barca thanh toán một nửa số nợ.
Tờ El Mundo gọi đây là bản hợp đồng lớn nhất trong làng thể thao, và nếu đánh giá một cách trung thực, có lẽ Messi vừa đưa Barca lên đỉnh, vừa đẩy CLB này xuống vực sâu của sự nợ nần… mặc dù chẳng ai trách được tiền đạo người Argentina, vì vốn dĩ anh từng muốn ra đi vào mùa hè năm 2014, trong khi Barca cũng chưa bao giờ có ý định chia tay số 10 trong bất cứ trường hợp nào.
Bây giờ, việc chuyên môn với những người kế nhiệm Pep Guardiola còn đang dang dở, CLB nợ ngập đầu, Messi chuẩn bị đi qua thời kỳ đỉnh cao… nên sẽ là một giai đoạn cực kỳ khó khăn cho Barcelona trong thời gian tới, ngay cả khi bạn nhìn vào họ ở trong hay bên ngoài sân cỏ.