Như vậy là giai đoạn lượt đi của vòng bảng UEFA Nations League mùa giải 2020/21 đã kết thúc vào rạng sáng nay. Tất nhiên, giai đoạn lượt về sẽ tiếp tục sau đây khoảng 3 ngày, nhưng khi nhìn lại những gì đã qua, chúng ta hẳn sẽ có rất nhiều điều để bàn luận.
**********************
1. Không có sự vượt trội nào đáng kể
Thật vậy, trong tổng số 14 bảng đấu trải dài từ League A, B, C đến D, chỉ duy nhất Montenegro là giành trọn 9 điểm tuyệt đối. Đội tuyển anh em với Serbia nằm ở nhóm 1 của League C và được biết đến với một ngôi sao từng gây tiếng vang ở châu Âu trước đây là Stephan Jovetic – người từng chơi cho AFC Fiorentina và Liverpool.
Nếu chỉ nói ở League A dành cho các đội tuyển mạnh nhất lục địa già, điểm số tối đa mà một đại diện đầu bảng kiếm được chỉ là 7, trong khi Italy thậm chí chỉ sở hữu vỏn vẹn 5 điểm, trên Hà Lan với 4 điểm ít ỏi. Như vậy, chúng ta có thể thấy năm nay Nations League diễn ra có phần kịch tính và khóa đoán hơn.
2. Chỉ 4 đội tuyển vẫn chưa thủng lưới
Montenegro là đại diện đầu tiên khi đã ghi 5 bàn và vẫn trắng lưới sau 3 trận. Bên cạnh đó, xứ Wales của huấn luyện viên Ryan Giggs cũng làm được điều tương tự ở nhóm 4 của League B. Ngoài ra, Slovenia và Gibraltar cũng chưa để thủng lưới, mặc dù hạng đấu của hai đội tuyển này ở phía dưới cùng của giải.
3. Croatia thể hiện sự tệ hại
Đang là đương kim á quân thế giới, nhưng thầy trò huấn luyện viên Zlatko Dalic đang thể hiện bộ mặt tệ hại ở nhóm 3 của League A sau giai đoạn lượt đi. Họ bị Pháp và Bồ Đào Nha “đè bẹp” và phải nhận 9 bàn thua, con số nhiều nhất trong 14 bảng đấu bên cạnh Iceland ở nhóm 2 của League A.
Trên thực tế, việc Croatia chơi kém trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu, bởi những trụ cột trong đội hình năm 2018 đều đã đi qua thời kỳ đỉnh cao. Luka Modric, Ivan Perisic, Dejan Lovren, Domagoi Vida… không còn sung sức ở tuổi ngoài 30 nữa, trong khi các nhân tố mới thì chưa sẵn sàng để thay thế lớp cầu thủ đi trước.
4. Bồ Đào Nha không còn như xưa
Năm 2016, Bồ Đào Nha bất ngờ vô địch EURO 2016 và họ bị chỉ trích khá nhiều vì phong cách có phần thực dụng mà huấn luyện viên Fernando Santos triển khai, đi ngược với bản ngã của đội tuyển mang biệt danh Selecao châu Âu. Tuy nhiên, bây giờ tình thế đã hoàn toàn khác khi mà Cristiano Ronaldo vẫn cho thấy anh đủ sức chơi bóng đỉnh cao thêm nhiều năm nữa, bên cạnh dàn cầu thủ mới nổi vô cùng xuất sắc.
Rạng sáng nay, Bồ Đào Nha chơi thậm chí có phần nhỉnh hơn Pháp ngay trên sân khách. Trước đó vài ngày, họ cũng lấn lướt người hàng xóm Tây Ban Nha. Điều đó chứng tỏ rằng, đại diện đến từ bán đảo Iberia đã lột xác mạnh mẽ và đủ sức mạnh để chơi sòng phảng với bất cứ đối thủ nào trên thế giới.
5. Hà Lan và Đức chơi thiếu ổn định
Là những đội tuyển sở hữu dàn cầu thủ tinh nhuệ, nhưng cả Hà Lan và Đức đều không thể có được ngôi vị đầu bảng ở nhóm 1 và 4 của League A. Vấn đề chung của hai ông lớn này là sự ổn định chung của lối chơi, và họ đang thiếu so với những Bồ Đào Nha, Pháp, TBN, Anh hay Bỉ.
6. Đội bóng đen đủi nhất giải
Có thể chúng ta sẽ nhắc đến đội tuyển Thụy Điển vì họ rơi vào bảng đấu có sự góp mặt của đương kim vô địch châu Âu BĐN, đương kim vô địch thế giới Pháp, và đương kim á quân thế giới Croatia. Cuối cùng, hệ quả là Thụy Điển thua cả 3 trận đầu tiên và trở thành 1 trong 4 đội duy nhất của 14 bảng đấu vẫn chưa thể có điểm, bên cạnh Iceland, đảo Síp, và San Mario.
7. Siêu sao Erling Braut Haaland
Nhắc đến khái niệm siêu sao, có lẽ người ta sẽ nghĩ ngay đến Cristiano Ronaldo. Tuy nhiên, sau giai đoạn lượt đi ở Nations League năm nay, cái tên nổi bật nhất chắc chắn là Erling Braut Haaland. Cầu thủ trẻ người Na Uy đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới với 6 bàn, trong đó có cú hattrick siêu đẳng vừa ghi vào lưới đội tuyển Romania rạng sáng nay.
“Khỉ đột ăn cá” tiếp tục chứng tỏ đẳng cấp hàng đầu dù năm nay mới chỉ 20 tuổi. Và anh chắc chắn sẽ là ứng cử viên lớn cho cuộc đua bóng vàng sau kỷ nguyên Cristiano Ronaldo – Lionel Messi, bên cạnh Kylian Mbappe của Paris Saint-Germain và ĐT Pháp. Nhưng thật đáng tiesc là mùa hè năm sau, khán giả sẽ không thể chứng kiến Haaland tung hoành ở EURO vì Na Uy đãb ị loại bởi Serbia ở bán két play-off cách đây chưa lâu.
8. Bảng đấu kịch tính nhất giải
Không phải các bảng ở League A, cũng không phải những gì diễn ra ở League B. Vâng, chúng mình đang nhắc đến bảng đấu cuối cùng ở League C, với việc cả 4 đội tuyển là Kazhaktan, Albania, Belarus và Litva đều giành được 4 điểm sau lượt đi. Các đội tuyển này chỉ có thể phân định vị trí bằng hiệu số bàn thắng bại, mặc dù Kazhaktan và Albania tương đồng với +1, trong khi Belarus và Litva tương đồng với -1.
9. Thống kê bàn thắng khủng
Đã có 174 bàn thắng được ghi bởi 143 cầu thủ chỉ sau 81 trận, nghĩa là mỗi trận sẽ tạo ra khoảng 2.15 bàn thắng. Erling Haaland dẫn đầu với 6 pha lập công như đã nói, trong khi Cristiano Ronaldo, Dries Mertens, Michy Batshuayi và Sergio Ramos là những gương mặt ở nhóm các cầu thủ đã có 2 bàn. Đáng chú ý, cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu Robert Lewandowski vẫn chưa nổ súng vì anh mới xuất hiện lần đầu ở trận hòa 0-0 với tuyển Ý rạng sáng nay.
10. Dự đoán cho tương lai
Nếu nhìn vào tình hình hiện tại, chúng ta có thể thấy 4 đại diện đầu tiên có cơ hội lớn vào bán kết là Ý, Anh, BĐN và TBN. Trong khi đó, Bosnia & Herzegovina, Iceland, Thụy Điển và Thụy Sĩ có nguy cơ xuống hạng B nếu không cải thiện phong độ trong giai đoạn lượt về.
Ngược lại, các đội tuyển như Áo, Scotland, Nga và Xứ Wales đang có cơ hội lớn lên chơi ở League A nếu tiếp tục duy trì thành tích như hiện nay, mặc dù 3 trận vẫn là đủ để điều gì đó bất ngờ xảy ra ở mỗi bảng đấu.
Nếu nói về ứng cử viên vô địch năm nay, có lẽ Bồ Đào Nha nên được xếp vào ứng cử viên hàng đầu. Thứ nhất là họ đang nắm giữ ngôi vương, thứ hai là đội tuyển này bây giờ thực sự ổn định về cả lối chơi cũng như lực lượng trong tay huấn luyện viên Fernando Santos. Tất nhiên, Anh, Pháp hay Tây Ban Nha cũng nên được đánh giá cao nếu họ bước vào vòng bán kết trong thời gian tới.