Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Chuyển nhượng của Man Utd đã từng tồi tệ như thế nào?

Thứ Sáu 26/03/2021 15:44(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trong ngày cuối cùng của TCCN mùa hè 2020, CLB Manchester United đã liên tiếp ký hợp đồng với các cầu thủ mới, nhưng tuyệt nhiên trong đó không có Jadon Sancho hay Dayot Upamecano… Họ bao gồm một tiền đạo 33 tuổi, hơn nửa năm nay chưa ra sân Edinson Cavani; một hậu vệ tầm trung chuẩn bị hết hạn hợp đồng tại đội bóng chủ quản, một vài tài năng trẻ chẳng mấy ai biết tên nếu họ không được giới thiệu cặn kẽ.
 

Trước đây, đã có những bài báo nói rằng “Arsenal đã dạy Man Utd về cách chuyển nhượng”, và quan điểm đó bị dân tình cười khẩy, nhưng nếu nhìn vào các tân binh Willian, Gabriel, và mới nhất là “quái vật” Thomas Partey từ Atletico Madrid, liệu chúng ta còn muốn bảo vệ đội chủ sân Old Trafford với cách làm việc chẳng giống ai như vậy? Tuy nhiên, trong video ngày hôm nay, chúng mình sẽ cố gắng giải thích chi tiết về chính sách chuyển nhượng mà CEO Ed Woodward tiến hành kể từ khi chính thức nắm quyền lực sau sự ra đi của Sir Alex Ferguson và GĐĐH Davig Gil vào mùa hè 2013… Nào, hãy cùng bắt đầu nhé!
 
Đầu tiên, hãy nói về vị trí GĐTT (hay còn gọi là GĐBĐ) – vị trí chưa bao giờ xuất hiện tại Old Trafford cho đến trước sự kiện hôm 10/3 vừa qua, khi Darren Fletcher và John Murtough bước lên vai trò mới
 
Ở Liverpool, người ta biết đến Michael Ewards; Ở Arsenal hiện nay là Edu Gaspar; Chelsea thì có nữ vương Marina Granovskaia, Leicester City có ông trùm Steve Walsh… những nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ chuyển nhượng, vì họ sở hữu đội ngũ trinh sát có chuyên môn hàng đầu, biết được tiềm năng cầu thủ và báo cáo chi tiết theo một hồ sơ tuyệt mật. Sau đó, nếu CLB muốn chiêu mộ mẫu cầu thủ như thế nào, họ sẽ có ngay trong tay danh sách cụ thể và… cuối cùng là phần việc của các GĐTT, khi sử dụng các mối quan hệ trong bóng đá để ký kết hợp đồng….
 
Tuy nhiên, ở Manchester United thì người ta không làm thế, ít nhất là cho đến khi kết thúc kỳ chuyển nhượng gần nhất. Trước khi bổ nhiệm Darren Fletcher và John Murtough, chỉ một mình CEO Ed Woodward làm việc, mặc dù dưới trướng ông ta vẫn có trưởng bộ phận tuyển trạch Matt Judge – nhưng theo như Patrice Evra thì anh từng phải nghe 1 cuộc điện thoại vô cùng ngớ ngẩn có liên quan đến người này. Evra chia sẻ: “Điện thoại của tôi vang lên, là một giám đốc thể thao ở một CLB lớn gọi tới. Ông ta nói “Patrice, anh làm ơn bảo Matt Judge trả lời điện thoại giùm tôi được không?”.
 
Sự tệ hại trong cách làm việc của thượng tầng Man Utd là điều không khó để nhận biết. Nhưng sau khi bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjaer, có vẻ Woodward cũng biết rằng cần phải đưa về thêm 1 vị GĐTT nữa nhằm hỗ trợ vị thuyền trưởng người Na Uy trong công tác tuyển dụng nhân sự… Đó là lý do khiến báo chí Anh đưa tin rầm rộ vào năm ngoái rằng, đội chủ sân Old Trafford đang nhắm tới Andrea Berta (Atletico Madrid), Monchi (AS Roma) hay cựu thủ môn Edwin van der Sar… và cuối cùng, cho đến nay mọi thứ đã rõ ràng với sự bổ nhiệm mang tính nội bộ. 
 
Việc không có một cánh tay phải khi ngồi vào bàn đàm phán đã khiến Woodward phải đơn thương độc mã đấu chọi với những con cáo già phía trước mặt. Nói một cách đơn giản, bạn không thể mua bán hợp lý nếu chẳng hiểu gì về món hàng mình quan tâm. Man Utd đã từng y hệt như thế, vì vị CEO của họ xuất thân là một kế toán ngân hàng, suốt ngày làm việc với sổ sách thuế má chứ không hề hiểu bóng là gì. Do đó, đội chủ sân Old Trafford đã sống dở chết dở với chính sách chuyển nhượng khi thiếu đi một GĐTT.
 
Tiếp đến, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kiểu cách chuyển nhượng của Woodward trong những năm qua…
 
Khi David Moyes lên nắm quyền vào mùa hè 2013, ông đưa Gareth Bale, Thiago Alcantara và Cesc Fabregas vào danh sách mua sắm. Định hướng này quả thực rất phù hợp với Man Utd sau triều đại kéo dài gần 3 thập kỷ cùng Sir Alex Ferguson, bởi khi đó họ chỉ còn duy nhất Michael Carrick là cầu thủ ổn định trên hàng tiền vệ, trong khi cánh phải từ lâu đã không có người trấn giữ với việc Owen Hargreaves, Luis Nani hay thậm chí Cristiano Ronaldo không còn nằm trong đội ngũ chính thức tại Old Trafford nữa. Tuy nhiên, tất cả những gì mà David Moyes nhận được chỉ là 1 gã cao kều đến từ Everton vào ngày cuối cùng của phiên chợ hè 2013 – Marouane Fellaini.
 
Vấn đề ở câu chuyện này là gì? Đó là Man Utd không đủ tầm để ngồi vào bàn đàm phán chuyển nhượng nhằm lôi kéo các ngôi sao, họ không có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu mà mình nhắm đến. Chẳng hạn như Thiago từng nói sau lễ ký hợp đồng với Liverpool rằng, ngoài việc Philippe Coutinho khuyên anh đến Anfield thì chính HLV Jurgen Klopp cũng vạch ra đường đi nước bước mới cho mình, rằng nếu muốn vô địch Champions League lần nữa thì hãy đến với Liverpool và trở thành nhạc trưởng ở hàng tiền vệ. Trong khi đó, làm thế nào để một HLV chưa có thành tựu đáng kể như David Moyes nói những điều đó với mục tiêu ông muốn? Còn Woodward biết nói gì hơn ngoài đống sổ sách mà ông ta tinh tường nhất? Do đó, việc Man Utd thất bại ở kỳ CN hè 2013 thực sự quá dễ để hiểu.
 
Đến thời Louis van Gaal, đúng là Man Utd có tham vọng trở lại ngay lập tức với những bom tấn như Angel di Maria, nhưng họ một lần nữa mắc cái bẫy do chính mình tạo ra. Những cầu thủ Nam Mỹ vốn đã không mấy thích hợp ở Old Trafford, nay họ lại đến phá vỡ cấu trúc lương bổng và chơi với vị thế của một ngôi sao nhiều hơn một cầu thủ đơn thuần. Khi đá tệ, họ bị NHM chỉ trích, nhưng thay vì cố gắng thì họ chọn cách ra đi để giải thoát bản thân… Cuối cùng, Man Utd chẳng thể giữ chân những người hết động lực thi đấu, nhưng tình cảnh ngặt nghèo như vậy sẽ không bao giờ giúp họ bán người với giá cao… và cứ thế họ trượt dài trong mê cung vật giá…
 
Khi Jose Mourinho lên nắm quyền, người đàn ông này đã có những bản hợp đồng rất ổn như Zlatan Ibrahimovic hay hiện là Victor Lindelof và Paul Pogba… nhưng chúng ta chỉ có thể nói rằng Man Utd ổn với họ chứ không phải một bước tiến lớn trong công tác mua sắm. Cuối cùng, đội bóng chẳng thể lột xác với những người đó và buộc lòng phải làm lại từ đầu với Ole Gunnar Solskjaer.
 
Năm ngoái, Solskjaer khẳng định rằng: “Tôi sẽ mua cầu thủ cho Man Utd, nhưng họ phải có văn hóa United và muốn chơi cho đội bóng này chứ không phải chỉ vì tiền bạc và danh vọng của chúng tôi”. Thật vậy, tư tưởng của chiến lược gia người Na Uy đã có dấu hiệu khởi sắc và đúng hướng với Harry Magurie, Dan James, Wan-Bissaka hay Bruno Fernandes. Tuy nhiên, sự thiếu xót của đội bóng này khi không có GĐTT vẫn là điều dễ nhận thấy từ thời gian Solskjaer bắt đầu trở lại vào cuối năm 2018.
 
Đầu tiên, Man Utd không hề mua được các cầu thủ kể trên với giá hời, vì 80 triệu bảng cho một trung vệ chưa bao giờ đá ở Champions League thì sao có thể là rẻ? Thậm chí Bruno Fernandes được cho là một món hời thì anh cũng mất nửa mùa giải để hoàn thành ước nguyện chuyển sang Old Trafford. Sau đó, sự nghiêm trọng của câu chuyện thiếu GĐTT đã lộ rõ ở thương vụ Odion Ighalo vào đầu năm nay.
 
Man Utd lúc đó rất cần 1 tiền đạo cắm để chia lửa với Anthony Martial – cầu thủ có sở trường bám biên. HLV Solskjaer thực sự rất thích Erling Braut Haaland, nhưng ông lại phải nghĩ về Joshua King, và cuối cùng người cập bến đội bóng lại ở Trung Quốc xa xôi và đã vài năm không còn chơi bóng đỉnh cao, đó là Odion Ighalo.
 
Trong ngày cuối kỳ CN hè năm ngoái, Man Utd ký hợp đồng với Edinson Cavani, nhưng rõ ràng Solskjaer ưu tiền tiền đạo chạy cánh phải là Jadon Sancho và Ousmane Dembele. Vì thế, chẳng có Solskjaer nào làm việc ở thương vụ Edinson Cavani cả, vì ông chưa bao giờ nhắc đến cầu thủ người Uruguay trong các buổi họp báo.
 
Vậy nếu không phải Solskjaer thì chỉ có thể là Woodward chứ không thể là Wayne Rooney hay Patrice Evra. Cách làm việc này gợi nhớ đến câu chuyện vô cùng ngớ ngẩn mà chính Woodward từng áp dụng với Jose Mourinho vào mùa hè năm 2018. Khi đó, Mourinho phát điên trong các buổi họp báo đầu mùa giải mới 2018/19 rằng làm thế nào để Man Utd cạnh tranh khi mới đưa về 1 anh chàng tiền vệ từ Ukraine (là Fred), một cậu nhóc 19 tuổi (là Diogo Dalot) và 1 ông lão dự bị (là Lee Grant)… Với riêng thương vụ Fred, sau này người ta còn đồn đoán Woodward là người bất chấp để mua anh ta chỉ vì Man City cũng dính líu tới việc đàm phán với Shakhtar Donetsk, mà thực tế Woodward chẳng biết Fred là ai, ông mua sau khi xem những highlight của ngôi sao người Brazil trên YouTube.
 
Bây giờ, thương vụ Cavani cũng diễn ra y hệt… vì Solskjaer đúng là không có ý định mua 1 người như vậy để hiện thực hóa tham vọng đưa Man Utd trở lại đỉnh cao. Một thương vụ miễn phí có thể sẽ đánh lừa quý vị và các bạn rằng, nó sẽ chẳng mất tiền cho đối tác, nhưng nên nhớ Man Utd phải trả 10 triệu euro tiền hoa hồng cho người đại diện – thù lao mà có thể được đánh đổi bằng 7 tháng ông ta chạy khắp nơi trên TTCN để tìm cho Cavani một bến đỗ mới sau khi rời PSG.
 
Chưa kể, cá nhân Cavani đòi 2 năm hợp đồng với mức lương gần 200 ngàn bảng/tuần (khoảng 20 triệu euro/2 mùa) để chuyển đến Old Trafford… Mà trong thời gian qua, đã có tin đồn cho rằng El Matador muốn quay về Nam Mỹ chỉ vì anh không chịu đựng được thời tiết ẩm ướt ở xứ sương mù. Vậy thì rẻ ở đâu, rẻ ở chỗ nào cho một cầu thủ đã gần 1 năm nay không chơi bóng và đã gần 34 tuổi? 
 
Sau tất cả những quan điểm mà chúng mình chia sẻ với quý vị và các bạn ở video này, hy vọng NHM Man Utd sẽ hiểu rõ sự tồi tệ của đội bóng này trong vấn đề mua – bán cầu thủ. Nhưng không sao, sự bổ nhiệm Darren Fletcher vào vị trí GĐKT và John Murtough trong vai trò GĐBĐ có lẽ sẽ mang đến một hướng đi mới, tích cực hơn cho đội chủ sân OTF về vấn đề chuyển nhượng. Hãy cùng chờ xem!
 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

VIDEO: Những sân bóng đá "dị" nhất thế giới có thể bạn chưa biết

VIDEO: Những sân bóng đá dị nhất thế giới có thể bạn chưa biết

VIDEO: Những sân bóng đá "dị" nhất thế giới có thể bạn chưa biết

Những sân vận động trong video này dù không không trang bị công nghệ tân tiến với hàng trăm nghìn chỗ ngồi để phục vụ các cầu thủ và cổ động viên, nhưng lại là những kiệt tác độc đáo, bởi nó nằm ở những vị trí địa lý đặc biệt hoặc nổi bật nhờ những nét kiến trúc, màu sắc đầy lạ lẫm.

Xem thêm
top-arrow
X