Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

U22 Việt Nam: Làm sao để thầy Park hết lo

Thứ Sáu 28/08/2020 15:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Rõ ràng so với thời điểm cầm đội tuyển U22/U23 Việt Nam cách đây hai năm, HLV Park Hang Seo đang gặp nhiều thách thức khi mà lứa cầu thủ trẻ lần này không được đánh giá quá cao. Và liệu nhà cầm quân Hàn Quốc có thể phát huy hết sự hiệu quả từ những gương mặt vẫn còn khá mới mẻ với người hâm mộ?

Khi thầy Park không thể không lo

Nếu như ASIAD 2018 đã chứng kiến sự chia tay của một loạt gương mặt cầu thủ tài năng trong làng bóng đá nước nhà như Công Phượng, Xuân Trường, Đức Huy, Duy Mạnh, Văn Toàn, Phan Văn Đức,… đối với các giải trẻ, thì tới vòng chung kết U23 châu Á 2020, đó cũng là giải đấu cuối cùng mà người hâm mộ được thấy thế hệ cầu thủ tài năng sinh năm 1997 của Quang Hải, Đình Trọng, Thành Chung, Đức Chinh, Hoàng Đức…  khoác áo các đội U.

Và một thách thức mới đang xuất hiện với bóng đá Việt Nam sau khi lứa Quang Hải hết tuổi tham dự các giải trẻ ở khu vực và châu lục chính là việc lứa cầu thủ kế cận lại không có được năng lực thi đấu tốt như họ. Điều này cũng đã được HLV Park Hang Seo thừa nhận nhiều lần với báo giới.

ĐT U22 Việt Nam Làm sao để HLV Park Hang Seo hết lo hình ảnh
Lứa cầu thủ U22 Việt Nam lần này không có nhiều gương mặt quá xuất chúng.

Còn nhớ, trong lần hội quân U22 Việt Nam hồi đầu tháng trước, ông thầy người Hàn Quốc đã chua chát nhận xét: "Hai năm trước khi tôi nhậm chức thì lứa 1995 và 1997 có nhiều cầu thủ giỏi và tài năng như Xuân Trường, Công Phượng,… Bây giờ thì không có nhiều tuyển thủ trẻ có năng lực giỏi như thế nữa".

Với việc hầu hết các cầu thủ được trao cơ hội trong lần tập trung vừa rồi hầu hết đều là những cái tên khá mới mẻ, hoặc là cũng chưa từng có cơ hội làm việc với HLV Park Hang Seo, chuyện này cũng đặt ra những thách thức rất lớn với vị chiến lược gia Hàn Quốc. 

Đây là điều cũng đã được ông thầy người Hàn Quốc thừa nhận việc này với giới truyền thông: “Trong đợt này, chúng tôi tập trung số đông để kiểm tra năng lực, tính cách, khả năng thích ứng của mỗi cầu thủ. Một số cầu thủ chúng tôi chưa có nhiều thông tin”.

Khác với lứa Công Phượng hay Quang Hải, thế hệ cầu thủ 1999 trở về sau đang không có nhiều cơ hội chen chân vào đội hình thi đấu của các đội bóng V-League hay ở giải hạng Nhất khi mà các đàn anh vẫn đang thi đấu tốt. Chỉ một số ít trong số đó được ra sân thường xuyên cho đội 1 như trường hợp của Hồng Sơn (Quảng Nam), Văn Toản (Hải Phòng), Văn Lắm (SLNA), Hai Long (Than Quảng Ninh), Lý Công Hoàng Anh (Hà Tĩnh) hay Bùi Hoàng Việt Anh (Hà Nội FC).

Với một số lượng ít ỏi các cầu thủ có kinh nghiệm thực chiến, rõ ràng đây sẽ là khó khăn với HLV Park Hang Seo trong mục tiêu biến ĐT U22 Việt Nam trở thành một tập thể hùng mạnh, đủ khả năng tái lập lại kỳ tích Thường Châu 2018 hay là việc bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games năm 2019 mà VFF đang hướng đến.

Không chỉ là vấn đề chuyên môn

Bên cạnh những lo ngại về vấn đề chuyên môn, trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm của các cầu thủ hay khả năng thi đấu gắn kết trên tuyển, một vấn đề khiến thầy Park thêm phần bất an khi dẫn dắt đội tuyển U22 Việt Nam hiện tại chính là chuyện thể lực của các học trò. 

Còn nhớ, trong lần hội quân U22 đầu tiên, đã có rất nhiều những cầu thủ trẻ đã bị chuột rút, căng cơ hoặc nhanh chóng xuống sức sau phút 70 khi chia đội đá đối kháng. Đó cũng là lý do nhà cầm quân tới từ xứ Kim chi quyết định loại hàng loạt cầu thủ, và chỉ giữ lại 12 gương mặt cho đợt hội quân thứ hai.

Sức bền kém của các cầu thủ là một vấn đề đã tồn tại từ lâu song vẫn chưa được giải quyết của bóng đá Việt Nam. Sự bền bỉ thể lực liên quan tới nhiều vấn đề từ yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Ngoài ra, điều này còn ảnh hưởng bởi ý thức tập luyện, sự kiên trì, chăm chỉ trong phòng tập mà không phải cầu thủ nào cũng giống như cầu thủ nào.

U22 Việt Nam Làm sao để thầy Park hết lo hình ảnh 2
Bao giờ bóng đá Việt khắc phục được vấn đề thể lực, khi đó chúng ta mới đủ sức vươn ra châu lục

Còn nhớ sau khi chia tay CLB Hà Nội vì bất đồng quan điểm, cựu giám đốc thể thao Daniel Enriquez từng thẳng thắn chia sẻ: “Các cầu thủ Việt Nam gầy và nhanh nhẹn, nhưng không siêng năng. Họ không khổ luyện, không bao giờ bước vào phòng gym. Sức mạnh và thể lực gần như bằng... 0”.

Điều đó cho thấy không phải cầu thủ nào của Việt Nam cũng có ý thức tập luyện chuyên nghiệp, kể cả ở một đội bóng lớn như CLB Hà Nội. Không chịu khó luyện tập, bị hạn chế về thể lực, lại yếu về thể hình, lẽ tất yếu là các cầu thủ của chúng ta thường tỏ ra lép vế trong các pha tranh chấp tay đôi, 1 chọi 1 với đối thủ khi ra sân chơi quốc tế.

Tuy nhiên cũng phải thông cảm bởi không nhiều đội bóng tại Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền để thuê các HLV thể lực cho các cầu thủ. Chính sự hạn chế về tài chính đã khiến các đội bóng không có điều kiện thuê một HLV thể lực ngoại có trình độ, bài vở, kinh nghiệm cũng như sự tâm huyết để đồng hành cùng bóng đá Việt. Và đây là nguyên nhân khiến căn bệnh yếu thể lực cố hữu của bóng đá Việt Nam vẫn chưa giải quyết được.

HLV Park Hang Seo không thể thay đổi sức bền thể lực của các cầu thủ U22 Việt Nam trong ngày một ngày hai mà nó cần một quá trình dài hơi và đòi hỏi thái độ tập luyện nghiêm túc, chăm chỉ. Và chỉ một khi không còn bộc lộ hạn chê thể lực, thầy trò HLV Park Hang Seo mới có thể mơ tới những giải đấu lớn trong năm tới. 

Minh Long

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X