Nhìn từ U20 Việt Nam: Những bài học cho bóng đá quốc nội
Thứ Ba 06/06/2017 10:49(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên U20 World Cup khép lại với những bài học quý báu không chỉ cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn mà còn để lại những vấn đề cần người làm bóng đá Việt Nam phải suy nghĩ.
Hàng công yếu kém
Ngoài U20 Pháp chênh lệch đẳng cấp quá xa, U20 Việt Nam hoàn toàn có thể ghi bàn trong hai trận gặp U20 New Zealand và U20 Honduras. Tuy nhiên, khả năng phối hợp trên hàng công của các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn không thực sự tốt. Đây là vấn đề không mới của bóng đá Việt Nam nhưng đến U20 World Cup, mọi chuyện càng được đào sâu hơn.
|
Đức Chinh và các đồng đội trên hàng công U20 Việt Nam thi đấu chưa thực sự tốt. |
Vấn đề nằm ở việc gần như mọi đội bóng ở V-League hiện nay đều chuộng sử dụng những tiền đạo ngoại. Điểm chung là họ không có kỹ, chiến thuật nổi trội so với cầu thủ Việt Nam nhưng có thể lực, khả năng càn lướt tốt. Đặc biệt từ phút 70 trở đi khi các cầu thủ Việt Nam hụt hơi về thể lực, những tiền đạo ngoại có thể tạo nên đột biến.
Việc các chân sút nội ít được trọng dụng là lý do giải thích rõ ràng nhất cho việc bóng đá Việt Nam hiện nay đang thiếu chân sút có chất lượng. Vấn đề này là bài toán đặt ra cho cả một nền bóng đá khi những ông bầu phải chọn: Hoặc tạo cơ hội cho cầu thủ nội ở mọi tuyến đều có cơ hội thi đấu, hoặc chạy theo bệnh thành tích phù phiếm.
Thể lực vẫn là điểm yếu
Có thể thấy rõ các cầu thủ Việt Nam vẫn tỏ ra đuối về mặt thể lực so với các đối thủ một cách rõ rệt dù HLV Hoàng Anh Tuấn dành gần hai tháng chỉ để "nhồi" thể lực cho các học trò. Đây là vấn đề cố hữu của bóng đá Việt Nam nói riêng cũng như đa phần các quốc gia châu Á.
|
HLV Hoàng Anh Tuấn nhận thấy rõ điểm yếu thể lực của cầu thủ U20 Việt Nam. |
Sở dĩ thể lực mãi là điểm yếu bởi rất nhiều người làm bóng đá quốc nội tư duy rất ấu trĩ rằng thể trạng con người Việt Nam vốn nhỏ yếu, không nên so kè thể lực với đối thủ mà nên cho các cầu thủ tập kỹ, chiến thuật. Nhưng thử hỏi khi các cầu thủ chạy trên đôi chân nặng như đeo chì thì lấy gì để thi triển kỹ thuật? Khi tỳ đè đối thủ không nổi, giữ bóng không nổi, đua tốc độ không nổi thì sao mà hoàn thành tốt chiến thuật?
Ở V-League, gần như chẳng câu lạc bộ nào bổ nhiệm HLV thể lực. Ngay cả những người xác định đi học bằng huấn luyện viên cũng hiếm thấy ai đăng ký học chứng chỉ hoặc bằng cấp về thể lực. Đã đến lúc những người làm bóng đá Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề thể lực của cầu thủ, nền tảng cơ bản cho đa phần các môn thể thao chứ không riêng bóng đá.
Các cầu thủ trẻ ít cọ xát
Ngoài Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng và một số cầu thủ được sử dụng, phần lớn tuyển thủ U20 Việt Nam vừa dự World Cup đều chật vật tìm cơ hội ra sân tại CLB chủ quản. Hồ Tấn Tài thậm chí phải thi đấu ở hạng hai với Bình Định. Điều đó khiến phần lớn học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn thiếu đi sự cọ xát cần thiết để tích lũy kinh nghiệm.
|
Thanh Bình bị đau khi tỏ ra non kinh nghiệm trong những tình huống tranh chấp 50-50. |
Với nguồn kinh phí eo hẹp, các giải trẻ của bóng đá Việt Nam thường chỉ tập trung trong thời gian ngắn với số trận khá ít. Như HLV Hoàng Anh Tuấn từng nhận xét, các quốc gia bóng đá phát triển mỗi năm thường có 40-50 trận dành cho cầu thủ trẻ ở mọi lứa tuổi trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng ngót nghét 10 trận.
Có thể thấy rõ việc cầu thủ Việt Nam thiếu kinh nghiệm ra sao tại U20 World Cup. Đơn cử như tình huống Đình Trọng phải nhận thẻ vàng thứ hai trong trận gặp U20 Pháp trong một tình huống không đáng. Trong trận gặp U20 Honduras, Thanh Bình và Đức Chinh đều tỏ ra ham bóng trong những tình huống tranh chấp 50-50 với đối thủ rồi dẫn đến bị đau. Thanh Bình sau đó phải rời sân vì chấn thương trong pha va chạm với đối thủ.
Nếu tinh quái hơn, các cầu thủ có thể gây sức ép để đối thủ phá bóng ra biên. Như vậy, U20 Việt Nam vừa tiếp tục được quyền giữ bóng, vừa tránh khỏi những chấn thương không cần thiết ở những tình huống 50-50. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần tạo thêm những sân chơi để giúp các cầu thủ trẻ ít được thi đấu tại CLB có cơ hội cọ xát nâng cao kinh nghiệm.
Như Đạt (TTVN)