Duyên nợ chất chồng. Cùng là xứ sở yêu bóng đá cuồng nhiệt. Cùng sở hữu những tập thể cá tính và cả những cá nhân đặc biệt với những “vũ khí” phá vỡ bế tắc. Việt Nam - Indonesia xứng danh cuộc thư hùng được cả Đông Nam Á trông chờ.
Đúng nghĩa kỳ phùng địch thủ nhiều năm qua, kể từ khi Việt Nam tìm được công thức chiến thắng dưới thời HLV Park Hang-seo, hai đội đã nhiều lần đối đầu bốc lửa. Dù cho là ngày Việt Nam thịnh hay suy, dù cho là lúc Indo thua muối mặt hay thắng giòn giã trên sân đối thủ, màn chạm trán nào cũng mang đến cảm xúc mạnh cho cả cầu thủ lẫn CĐV.
Không có chuyện hữu hảo
Việt Nam bất bại trước Indonesia từ cuối năm 2016 đến 2023. Góp công lớn trong giai đoạn ấy là tài dẫn dắt của thầy Park. Có thể nói, thành tích đối đầu vượt trội so với người Indo từng là di sản mà chiến lược gia vĩ đại để lại cho bóng đá Việt Nam, khi chúng ta lấn lướt đối thủ này không chỉ ở cấp ĐTQG mà còn ở cấp độ trẻ: U23 Việt Nam đánh bại U23 Indonesia 3-0 ở chung kết SEA Games 2019.
Tuy vậy, người Indo đã đòi lại cả vốn lẫn lời khi chấm dứt chuỗi 7 năm liên tiếp không thắng Việt Nam bằng chiến quả 1-0 bất ngờ ở vòng bảng Asian Cup 2024. Và sau đó như đã biết, họ xát muối vào triều đại thảm họa Philippe Troussier bằng hai nhát dao chí mạng ở vòng loại World Cup 2026. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam thua Indonesia 3 trận liên tiếp.
Gió đổi chiều. Cuộc đua thành tích đối đầu vốn đã kèn cựa lại thêm phần kịch tính và hấp dẫn. Quý ngài Troussier chẳng để lại gì ngoài đống đổ nát và nhiệm vụ nặng nề cho người kế nhiệm Kim Sang-sik, mà một trong số đó là sứ mệnh san bằng thành tích đối đầu với kỳ phùng địch thủ: Theo báo Bola Sport, Việt Nam và Indo đã chạm trán đến 30 lần kể từ năm 1991 mà trong đó, đội bạn thắng 11, chúng ta thắng 8 và còn lại là 11 trận hòa. Tâm lý của ĐT Việt Nam từ thoải mái chuyển sang căng thẳng mỗi khi thấy bóng Garuda. Tuy nhiên tin rằng hiện tại, nó đã chuyển thành sự quyết tâm muốn khẳng định và đòi lại nợ đã vay.
Cáo, rắn trùng phùng
Nhìn một “thuyền trưởng” nào đó vừa cống hiến tuyệt vời và lên ngôi quá thuyết phục, làm nức lòng người hâm mộ ở một cuộc thi âm nhạc trong nước, các CĐV Việt Nam trông mong HLV Kim Sang-sik để lại thêm nhiều dấu ấn trong quá trình hoàn thiện bộ khung và lối chơi của ĐT Việt Nam trước vòng knock-out. Và ông sẽ có cơ hội không thể tuyệt vời hơn: Dịp khẳng định mình trước người đàn anh, đồng đội cũ từng thân thiết nhưng cũng không thiếu hiềm khích.
Cuộc đấu trí này chứng kiến hai cựu cầu thủ Seongnam Ilhwa Chunma ngồi trên băng huấn luyện. Shin Tae Yong từng khoác áo CLB này từ năm 1992 đến 2004, ghi 76 bàn sau 295 trận và được mệnh danh “Cáo mặt đất” vì phong cách chơi bóng khéo léo, thông minh và hiệu quả. Bên cạnh đó, Kim Sang-sik là dạng trung vệ máu lửa luôn khiến các chân sút e dè và cũng được ví với loài thú dữ - “Rắn lục”.
“Cáo” và “Rắn” từng góp công giúp Seongnam hai lần vô địch Hàn Quốc cũng như FA Cup và League Cup trong giai đoạn họ là đồng dội thân thiết. Nhưng rồi mối quan hệ sứt mẻ! Đó là từ khi Shin Tae-yong giải nghệ và được bổ nhiệm làm HLV trưởng của đội vào cuối năm 2008, ông đã bất ngờ đẩy Kim ra khỏi đội.
Dù đã 16 năm trôi qua, mâu thuẫn đó chưa được gác lại khi trong buổi họp báo hôm qua, Shin mạnh miệng bảo “Kim là đàn em của tôi”, còn thuyền trưởng chúng ta khẳng định sẽ không nhân nhượng.
HLV Kim Sang Sik cho biết tuyển Việt Nam đã chuẩn bị phương án khắc chế những cú ném biên đáng sợ của Indonesia và khẳng định các học trò của mình sẽ cố gắng không để thủng lưới trên sân nhà Việt Trì.
Độc chiêu đấu độc chiêu
Thực tế trừ trận thua 0-3 ở Mỹ Đình, khi tuyển Việt Nam đã rối bời từ trong ra ngoài ở những ngày cuối thời Troussier, hầu hết các trận đấu trước đó giữa hai đội đều có thế trận giằng co căng thẳng. Tối nay, dù Indo được xem yếu thế hơn về lực lượng, thời gian chuẩn bị lẫn phong độ, thì ngược lại Việt Nam lại bị áp lực với cái dớp 3 thất bại liên tiếp. Chiến địa hứa hẹn vẫn sẽ giằng co và không có nhiều chênh lệch.
Những lúc như thế, các độc chiêu đủ sức phá vỡ thế bế tắc sẽ là thứ được trông chờ nhất. Trong cơn bĩ cực trước Myanmar, người Indo nhìn về niềm tự hào Prataha Arhan và nở nụ cười. Tính cả tình huống đó, cầu thủ này đã góp công vào 10 bàn thắng ở cả cấp trẻ lẫn ĐTQG bằng tài ném biên quái dị của mình. Trong đó, có cả bàn thắng vào lưới ĐT Nhật Bản!
Pratama Arhan và Marselino Ferdinan |
Nhưng Việt Nam cũng có vũ khí đặc biệt đấy thôi, thậm chí từng nức tiếng hơn - những quả phạt, những đường chuyền “dao nóng cắt bơ” nói riêng, hay lối chơi sáng tạo nói chung của Nguyễn Quang Hải.
Quả bóng Vàng Việt Nam 2018 đã băng qua giai đoạn khó khăn của sự nghiệp mà trong đó, thành tích ở AFF/ASEAN Cup đi xuống dần: Từ vị thế ghi 3, kiến tạo 2 bàn ở AFF Cup 2018; ghi 2, kiến tạo 2 bàn ở AFF Cup 2020, Hải chỉ có duy nhất 1 kiến tạo ở AFF Cup 2022 (dù cần phải nói giải đấu đó anh bị ảnh hưởng bởi chấn thương).
Nhưng Hải đã đang trở lại. Phong độ tốt ở Công An Hà Nội cuối cùng đã được tiếp nối ở ĐTQG. Sau bao trắc trở, anh dường như đang được thả đúng vị trí vừa vặn nhất với những tính toán của tân HLV.
Cần nhớ, bàn thắng duy nhất của Quang Hải vào lưới ĐT Indonesia cũng là một tình huống sút xa đột biến xé toang thế trận giằng co.