Tây Ban Nha và Italia hầu như không có điểm chung. Trên sân cỏ, Serie A đại diện cho một lối bóng đá đầy toan tính, còn La Liga phóng khoáng với những đội bóng không có khái niệm phòng ngự như Rayo Vallecano. Đầu những năm 2000, bóng đá Ý làm mê đắm hàng tỷ con tim trên toàn thế giới; để rồi chưa đầy 10 năm sau, họ tụt dốc và chứng kiến các ngôi sao hàng đầu quy tụ về bán đảo Iberia. Điểm rơi của hai nền bóng đá dường như đi ngược chiều nhau, phong cách thi đấu và triết lý bóng đá của họ cũng hoàn toàn khác nhau.
Đến cả quốc ca của hai nước cũng đi theo hai phong cách trái ngược. Quốc ca Tây Ban Nha mặc dù rất cổ và đã được công nhận từ thế kỉ 18, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa hề có một lời hát chính thức nào cho bản nhạc này. Trong khi đó, phần lời của quốc ca Italia là hồn cốt cho cả bài hát. Quốc ca Tây Ban Nha toát lên vẻ trang nghiêm, hào hùng, còn quốc ca Italia như lời bộc bạch của một kẻ sĩ sẵn sàng hy sinh vì lợi ích dân tộc.
TỪ CÁI NHẮM MẮT CỦA GIANLUIGI BUFFON
So với những nước khác ở châu Âu, Italia có một nét văn hoá không thể bị pha tạp, bất chấp quá trình toàn cầu hoá đang có xu hướng hoà tan các đất nước song song với việc hoà nhập. Từ những đồ ăn đặc trưng đến kiểu nói chuyện với đôi bàn tay khua khoắng biểu cảm, từ những thành phố sặc mùi mafia đến màu vàng rực rỡ của hoàng hôn và tình yêu trên sóng nước Venice. Sự tương phản tạo nên một Italia dậy sóng trong yên bình.
Dùng lời để tả về sự khác biệt của Italia so với phần còn lại thì thật là dại dột. Phải đứng ở làng chài Manarola và phóng tầm mắt tới những toà nhà đầy sắc màu cheo leo trên đỉnh núi, phải lặng ngắm vịnh Naples và những nhà thờ cổ kính lân cận hay xúc động trước vẻ đẹp của kiến trúc Genoa thì mới có thể hiểu và cảm được cái sự khác biệt đó. Nếu không có điều kiện để làm những điều này thì đơn giản là hãy nhìn đội quân Azzurri hát quốc ca.
|
Tinh thần quyết đấu hiện trên gương mặt mỗi một cầu thủ Ý |
Trái tim của cả những cổ động viên trung lập cũng phải rung lên khi thấy Buffon hít một hơi thật sâu, nhắm mắt và cất lên những lời hát quốc ca như chưa bao giờ được hát. Người viết những dòng này bị ám ảnh bởi hình ảnh một gã trai quậy phá như Balotelli trông đàn ông đến lạ kì dưới quốc kì Italia, dù anh là một người gốc Ghana. Vì hình ảnh một đội quân áo thiên thanh quyến rũ cả phái mạnh và phái yếu đứng hát quốc ca một cách mạnh mẽ, 11 người như 1.
|
Hình ảnh thường thấy của Buffon mỗi khi hát Quốc Ca |
Những trang sử đã ghi lại sự nổi dậy của người Ý khi bị đặt vào nhiều nghi ngờ nhất. Họ vô địch World Cup 1982 ngay trên đất Tây Ban Nha giữa vòng xoáy của scandal Totonero và sống trên cảm hứng của Paolo Rossi, một tiền đạo vừa trở lại sau 2 năm treo giò. Chất thép hòa quyện giữa Catenaccio (phòng ngự bê tông) và Zona Mista (phòng ngự khu vực) nâng bước người Ý đến chức vô địch World Cup 2006 ngay trong bối cảnh ngày xét xử Luciano Moggi được ấn định. Và cả màn toả sáng hiếm hoi của Mario Balotelli hay sự hồi xuân khó tin của Andrea Pirlo 6 năm sau đó. Cho tới EURO 2016, Italia đang đạp lên tất cả các nghi ngờ của giới truyền thông bằng lối đá đầy nhiệt huyết và những trận thắng thuyết phục. Có vô cớ không? Không, nếu ta nhìn vào lời của quốc ca Italia, chất xúc tác tâm lý cực đại mà họ sử dụng trước mỗi trận đấu:
"Cùng đi tới vinh quang chiến thắng
Không đầu hàng, khuất phục trước gian nạn
Không chịu cảnh bần hàn, nô lệ La Mã
Cùng sát cánh trong đoàn quân ra trận
Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng
Ra đi dâng hiến đời trai trẻ
Có sá gì khi Tổ quốc đang cần ta."
Trong cái thời mà nghi thức hát quốc ca chỉ đơn thuần là một nghi thức, thời mà đội hình toàn dân nhập cư đưa nước Pháp lên đỉnh thế giới năm 1998, thời mà Lukas Podolski và Miroslav Klose thi nhau phá lưới Ba Lan trong màu áo tuyển Đức, thì hình ảnh những người Ý thể hiện lòng yêu nước và sự sẵn sàng xả thân vì dân tộc nổi lên như một hình ảnh đẹp độc nhất.
ĐẾN ÁNH MẮT HƯỚNG VỀ BẦU TRỜI CỦA RAMOS
Himno Nacional de Espana, quốc ca Tây Ban Nha, được nói đến lần đầu tiên trong một cuốn sách về bộ binh và kèn lệnh của quốc gia này. Có một số nguồn gọi bài hát này là Hành khúc Lính ném lựu đạn, rồi sau được đổi tên thành Hành khúc Hoàng gia.
Cũng như cái tên của nó, giai điệu của quốc ca Tây Ban Nha toát lên vẻ kiêu hãnh. Không cần một ca từ nào được cất lên, chỉ cần nghe những nốt nhạc của Marcha Real réo rắt bên tai, những người con xứ đấu bò đã cảm thấy có một nghĩa vụ bảo vệ màu cờ sắc áo đến tận cùng. Quốc ca Tây Ban Nha không kêu gọi xả thân như quốc ca Italia, nhưng lại là bản nhạc dành cho những con người cần phải cảm thấy sự thiêng liêng của quốc tịch mình đang mang chảy rần trong huyết quản.
Chẳng thế mà người Tây Ban Nha thi đấu thể thao rất xuất sắc. Với họ, thắng là nghĩa vụ của một kẻ bề tôi trung thành với lá cờ Tổ quốc. Từ Miguel Indurain với đua xe đạp, Severiano Ballesteros với golf, Rafael Nadal với tennis, Fernando Alonso với đua xe công thức 1... đến những Iniesta, Ramos, Pique, Nolito hay Morata của bóng đá. Với đàn ông nói chung, nhiều thứ tình cảm nằm ở đáy tim chứ không cần phải dùng đến ngôn từ để truyền tải. Hay nói cách khác, họ không hát mà cũng như hát, hát khúc ca hào hùng của lòng yêu nước trong im lặng. Người Tây Ban Nha cũng không cần một cuộc thi viết lời (được tổ chức và huỷ bỏ trong năm 2008) để những gì thực sự quý giá nằm trong tim mình.
|
Các cầu thủ Tây Ban Nha thường im lặng khi hát Quốc Ca |
Sergio Ramos nhìn lên bầu trời nước Pháp và lặng im. Mỗi ánh mắt của người Tây Ban Nha đều ánh lên sự sẵn sàng. Lúc nào cũng thế, Ramos ưỡn ngực và ngẩng cao đầu như một người lính cận vệ Hoàng gia, lặng lẽ lắng nghe những âm thanh của Marcha Real. Anh không thể hiện tình yêu một cách nồng cháy như điệu flamenco mà thay vào đó là bằng hành động. Những cú tắc bóng dứt khoát, những pha tranh chấp máu lửa, và cả niềm sung sướng sau mỗi bàn thắng. Ramos không hát lên đầy tự hào như Buffon, anh nuốt những câu chữ đó vào trong tim.
MANG TINH THẦN DÂN TỘC VÀO SÂN BÓNG
Trong khi Italia sẵn sàng chơi chết bỏ, thì Tây Ban Nha phải thắng. Thoạt nghe thì không khác nhau, nhưng cách hai đội thi đấu sẽ thể hiện điều ngược lại.
Mang trong tim nỗi đau của thất bại cay đắng 4 năm về trước, khi đối thủ còn chẳng phải bung 100% sức để giành thắng lợi, người Ý sẽ bước vào vòng 1/8 với khát khao phục hận. Những cựu binh hẳn đã rất dằn vặt sau trận Chung kết EURO 2012, họ thậm chí có thể kết tội bản thân vì đã để cho lá cờ Tổ quốc không được tung bay kiêu hãnh trọn vẹn. Còn với những tân binh, họ tự mang vào mình trách nhiệm phục thù cho những đàn anh đã tạm biệt màu áo tuyển. Nói cách khác, Italia sẽ ra trận như những chiến binh.
Tây Ban Nha đặt mục tiêu thắng và đi tiếp lên hàng đầu và hiểu rằng họ không được sai thêm một lần nào giống như khi gặp Croatia nữa. Vì vậy, không khó để suy đoán họ sẽ tiếp cận trận đấu theo cách mà họ làm tốt nhất, an toàn nhất và không có dù chỉ 1% sự liều lĩnh thử nghiệm. Cầm bóng chắc, chuyền bóng ngắn và dứt điểm trong nửa giây sơ hở hiếm hoi của đối phương.
Đá chết bỏ hay đá sở trường sẽ thắng, điều đó ta chưa biết. Ta chỉ biết trận đấu hay nhất, đáng xem nhất và gây tranh cãi nhất EURO 2016 đã xuất hiện ngay ở vòng 1/8.
► Xem thêm tin tức bóng đá Tây Ban Nha và lịch thi đấu Tây Ban Nha mới nhất. |
TEDDY (TTVN)