Hãy cùng nhìn lại trận hòa 1-1 giữa Uruguay và Ghana tại tứ kết World Cup 2010, nơi chứng kiến giấc mơ của cả châu Phi bị dập tắt bởi La Celeste ở loạt sút luân lưu.
1. Bối cảnh trước trận đấu
Uruguay 1930, Ý 1934, Hàn Quốc/Nhật Bản 2002. Ba ví dụ này cho thấy sự trùng hợp kỳ lạ ở World Cup: Cứ mỗi khi giải đấu được tổ chức lần đầu tiên tại một lục địa, đội chủ nhà đều vào sâu. Vì vậy, khi châu Phi lần đầu giành quyền đăng cai World Cup 2010, mọi ánh mắt đổ dồn vào đội chủ nhà Nam Phi. Những người sành sỏi về bóng đá châu Phi thì sẽ chú ý đến Cameroon, đội xếp thứ 19 thế giới thời điểm đó.
Chẳng mấy ai quan tâm đến Ghana. Dễ hiểu, bởi đây mới là lần thứ hai Ghana tham dự World Cup. Sau màn ra mắt ấn tượng tại World Cup 2006 (lọt vào vòng 16 đội), HLV Ratomir Dujkovic bất ngờ từ chức. Claude Le Roy được bổ nhiệm nhưng nhanh chóng bị sa thải, sau khi Ghana thất bại tại AFCON 2008 với tư cách chủ nhà. Người thế chỗ ông, Milovan Rajevac đã làm nên điều kỳ diệu khi giúp Những ngôi sao đen lọt vào trận chung kết CHAN 2009 và AFCON 2010.
Ghana đến Nam Phi với đội hình trẻ nhất giải đấu (độ tuổi trung bình là 23 tuổi 352 ngày). Kinh nghiệm non nớt của họ được bù đắp bằng tham vọng và tinh thần chiến đấu quật cường. Đoàn quân của Rajevac đứng nhì bảng D với 4 điểm - hơn Australia về hiệu số bàn thắng bại, trước khi đánh bại người Mỹ ở vòng 16 đội.
Không giống Ghana, Uruguay tỏ ra ổn định hơn trên băng ghế huấn luyện. Thật khó tưởng tượng bóng đá Uruguay sẽ ra sao nếu không có Oscar Tabarez. Ông đã giúp Uruguay giành thắng lợi duy nhất tại World Cup 1990 (1-0 trước Hàn Quốc; chiến thắng đầu tiên của họ tại World Cup sau hai thập kỷ). Sau đó, đội bóng Nam Mỹ trải qua 20 năm không biết mùi chiến thắng, cho đến khi Tabarez trở lại và giúp họ đánh bại Nam Phi tại World Cup 2010.
Diego Forlan và Luis Suarez đóng vai trò quan trọng khi giúp Uruguay đứng đầu bảng A, trong bảng đấu có Mexico, chủ nhà Nam Phi và Pháp. Đây là lần đầu tiên La Celeste đứng nhất bảng tại World Cup kể từ năm 1954. Suarez tiếp tục phong độ chói sáng, khi lập cú đúp ở vòng 1/8 để giúp Uruguay đánh bại Hàn Quốc 2-1.
2. Khi cả châu lục đứng về phía Ghana
Trận đấu diễn ra tại Soccer City ở Johannesburg, cùng địa điểm diễn ra trận chung kết. Hàng nghìn chiếc kèn vuvuzela đã tạo ra tiếng ồn không ngớt trên khắp khán đài. Đối với người dân châu Phi, đây là thời điểm không thể tốt hơn để châu lục này bước ra ánh sáng thế giới. Ghana cũng rất muốn chứng minh rằng họ đã sẵn sàng để đảm nhận trọng trách nặng nề này. Người hâm mộ địa phương bắt đầu gọi đội tuyển đến từ Tây Phi là “BaGhana BaGhana,” phỏng theo biệt danh của ĐT Nam Phi - Bafana Bafana.
Sự ủng hộ lớn đến mức Nelson Mandela, tổng thống đầu tiên của Nam Phi đã gửi thư cho chủ tịch Hiệp hội bóng đá Ghana (GFA) Kwesi Nyantakyi với lời nhắn: “Cả châu Phi đứng sau Ghana. Chúng tôi muốn các bạn tiếp tục tiến lên và vô địch World Cup.”
Để làm được điều đó, Những ngôi sao đen sẽ phải đánh bại Uruguay mà không có hai cầu thủ chủ chốt là Andre Ayew và Jonathan Mensah (treo giò). Isaac Vorsah đã kịp thời bình phục chấn thương để thay thế Mensah, còn Sulley Muntari thế chỗ Ayew. Trong khi đó, trung vệ trụ cột của Uruguay, Diego Godin không thể thi đấu vì chấn thương đùi.
Đội hình ra sân của hai đội
3. “Bàn tay của Chúa 2.0”
Uruguay là đội chiếm thế chủ động sau tiếng còi khai cuộc. Ghana phải chờ đến phút 20 mới có pha chạm bóng đầu tiên trong vòng cấm của Uruguay, cũng như đến phút 30 mới có quả phạt góc đầu tiên. Tuy nhiên, 15 phút cuối lại là của đội bóng đến từ châu Phi. Nó đến sau khi đội trưởng Lugano của Uruguay phải rời sân vì chấn thương.
Nhưng cũng phải đợi đến cuối hiệp 1, thế bế tắc mới được khai thông, khi Gyan thực hiện một đường chuyền cho Muntari ở giữa sân. Tiền vệ thuộc biên chế Inter Milan tung ra một cú đá cực mạnh từ khoảng cách 35 mét, khiến thủ thành Fernando Muslera không thể tóm gọn và phải nhìn trái bóng đi thẳng vào lưới.
Đối với Muntari, bàn thắng này giống như lời khẳng định, bởi anh sẽ không có mặt tại World Cup nếu không có Nyantakyi. Chủ tịch GFA trong cuộc phỏng vấn mới đây với Joy Sports tiết lộ ông đã phải quỳ trước mặt HLV Rajevac để xin cho Muntari vào danh sách triệu tập.
Một cầu thủ gần như bị ruồng bỏ đang khiến cả châu Phi chìm trong sung sướng. 54 quốc gia của lục địa này chỉ còn cách lịch sử 45 phút. Nếu nhìn vào tỉ lệ bàn thắng kỳ vọng (xG) trong hiệp 1 của Uruguay là 0,19, còn Ghana là 0,40, rõ ràng Những ngôi sao đen có lý để bắt đầu mơ mộng.
Tỉ lệ bàn thắng kỳ vọng trong cả trận của Ghana (xG 2,34) tỏ ra vượt trội so với Uruguay (xG 0,84) |
Tuy nhiên, Uruguay hay chính xác là Forlan đã nhanh chóng biến giấc mơ châu Phi thành ác mộng. Quả đá phạt trực tiếp từ cự ly rất xa của anh đã đánh lừa Richard Kingson để mang về bàn gỡ hòa cho La Celeste. Số ít người hâm mộ Uruguay có mặt trên sân bỗng dưng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết, vì phần lớn CĐV châu Phi trong số hơn 80.000 người hâm mộ đã chết lặng.
Đó là bàn thắng thứ 27 của Forlan cho La Celeste - cũng có thể là bàn thắng quan trọng nhất mà anh ghi được trong sự nghiệp. Kingson tỏ ra vô cùng thất vọng vì Ghana quá phụ thuộc vào anh: Trước trận đấu với Uruguay, thủ môn của Wigan Athletic đã thực hiện tới 15 pha cứu thua.
Ghana được hưởng quả đá phạt trực tiếp ở rìa vòng cấm khi trận đấu còn vài giây. Prince Boateng đánh đầu trả ngược nguy hiểm sau quả đá phạt của John Paintsil. Muslera băng ra nhưng không bắt dính bóng. Pha dứt điểm của Stephen Appiah bị Suarez cản phá bằng chân ngay trên vạch vôi. Thời gian trên sân như ngừng lại khi Adiyiah đánh đầu vào gôn trống, cho đến khi Suarez đưa tay đánh bay giấc mơ của cả một lục địa theo đúng nghĩa đen.
Trọng tài Olegario Benquerenca ngay lập tức đuổi Suarez với chiếc thẻ đỏ trong tay. Gyan nhặt trái bóng và đặt nó vào đúng vị trí, khi vòng bán kết đang vẫy gọi Những ngôi sao đen. Kể từ khi sút hỏng quả phạt đền trước CH Séc năm 2006, cầu thủ 24 tuổi này đã ghi cả 7 quả phạt đền cho CLB và ĐTQG, trong đó có hai lần tại World Cup 2010.
Gyan cố gắng tỏ ra rất mạnh mẽ nhưng lại có phần thái quá, khi nỗ lực của anh đưa bóng trúng xà ngang. Sân vận động trở nên yên lặng đến mức tất cả những gì bạn có thể nghe thấy là tiếng các cầu thủ Uruguay đang hô vang và chúc mừng Muslera. Trước đó, cả sân vận động như nổ tung, giờ thì người hâm mộ châu Phi phải nín thở chờ loạt sút luân lưu. Ghana đã không đá luân lưu kể từ trận chung kết AFCON 18 năm trước, trận đấu mà họ thua Bờ Biển Ngà với tỷ số 11-10.
4. Loạt penalty định mệnh
Forlan và Gyan đều làm tốt trong lượt mở màn. Nhưng Mensah thì không, khi pha chạy đà ngắn và cú đá rất nhẹ của anh bị Muslera cản phá dễ dàng. Dễ hiểu, vì đó là quả phạt đền duy nhất mà anh từng thực hiện trong sự nghiệp của mình.
Mỗi đội sau đó đều bỏ lỡ một quả phạt đền, nghĩa là Uruguay chỉ cần thành công lượt cuối cùng để giành chiến thắng. Sebastian Abreu, người có biệt danh El Loco (kẻ điên -ND) từ từ bước lên. Anh đang chơi cho Bologna, CLB thứ 17 của anh - và nếu Uruguay cần kinh nghiệm ở thời điểm đó, không ai có thể làm tốt hơn Abreu. Cú panenka vào giữa khung thành của anh khiến Kingson đổ người trong vô vọng. Châu Phi điêu đứng, còn Uruguay hân hoan.
“Tôi đã quan sát thủ môn của họ và nhận thấy rằng cậu ấy sẽ đổ người trước khi đối phương thực hiện quả đá. Với việc một suất vào bán kết đang bị đe dọa, tôi không nghĩ cậu ấy sẽ đứng yên,” Abreu tiết lộ với FIFA 12 năm sau đó.
Câu nói trên là một phần trong quá trình quảng bá của FIFA cho World Cup 2022, vì trận đấu 'Bàn tay của Chúa 2.0' sẽ được tái hiện vào thứ Sáu này. Kết quả cặp đấu giữa Uruguay và Ghana sẽ quyết định đội bóng nào lọt vào vòng loại trực tiếp, cũng như đội sẽ xách vali về nước.
Trở lại với trận đấu năm 2010. Đối với Ghana, đơn giản là không có trận đấu nào mà họ muốn thắng hơn. Khi cựu đội trưởng John Mensah có buổi phỏng vấn với truyền thông Ghana đầu năm nay, chủ đề bao trùm là trận đấu đó đã khắc sâu vào ký ức của anh như thế nào. Hans Sarpei nói với BBC vào năm 2020 rằng anh không thể tha thứ cho Suarez. Trong khi đó, Gyan chia sẻ với tờ Daily Telegraph rằng anh sẽ bỏ qua cho cầu thủ 35 tuổi.
Nhưng Suarez thì chưa từng hối lỗi về vụ việc, với những câu nói gây bức xúc như “'Bàn tay của Chúa' giờ thuộc về tôi” hay “Tôi đã có pha cứu thua xuất sắc nhất giải đấu.”
Mặc dù Muslera, Cavani và Suarez là những thành viên duy nhất sót lại trong tập thể Uruguay năm 2010 tại World Cup này, điều đó không đồng nghĩa với việc Những ngôi sao đen sẽ có một trận đấu dễ dàng. Người Uruguay sống bằng 'Garra Charrua', về cơ bản có nghĩa là tinh thần không bao giờ từ bỏ của người Uruguay.
Nhưng dù thế nào, Ghana sẽ tìm cách trả thù. Bằng mọi giá.
Lược dịch bài viết “About That Game: Uruguay 1-1 Ghana (2010)” của Owurajy Ampofo (The Analyst)