Mourinho – Lampard và màn “giao chiến” đầu tiên ở Premier League

Tác giả Elflaco - Chủ Nhật 22/12/2019 13:31(GMT+7)

Tình bạn trong bóng đá, mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa Mourinho và Lampard, hãy tạm gác lại, ít nhất trong hơn 90 phút đối đầu tại Tottenham Hotspur đêm nay…

Nằm trên trục đường M25, 2 trung tâm huấn luyện Cobham (Chelsea) và Enfield (Tottenham) chỉ cách nhau 45 dặm, tương đương khoảng 1 giờ chạy xe. Đấy là 2 địa điểm mà Frank  Lampard và Jose Mourinho sẽ bắt đầu cuộc họp báo để nói về trận derby thành London Chủ Nhật này. Trận chiến đầu tiên ở Premier League, trên cương vị HLV, giữa 2 trong số những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Chelsea.

 

15 năm trước, Chelsea bắt đầu chuyển mình để trở thành một trong những tập thể ưu việc bậc nhất Premier League, mà cảm hứng – khí chất của Jose Mourinho cùng chất lượng bóng đá thượng hạng của Frank Lampard đã mở ra kỉ nguyên tuyệt đỉnh thành công tại Stamford Bridge.

Như thường lệ, như bao HLV khác, họ bắt đầu nói về derby London như là trận đấu quan trọng của 2 đại kình địch cùng thành phố, chứ không phải là cuộc đối đầu giữa 2 người đàn ông có mối quan hệ thày trò, từng trải qua biết bao thăng trầm trong màu áo The Blues.

Nhưng bất chấp tất cả mọi thứ liên quan, 90 phút ở Tottenham Hotspur tối nay, màn đấu trí giữa họ chính là tâm điểm số 1.

Kể từ khi có Mourinho, Tottenham đã thắng 4/5 trận ở Premier League, giành 12 trong tổng số 26 điểm hiện tại của CLB này sau 17 vòng đấu. Cùng quãng thời gian, Chelsea – Lampard thua 4/5 vòng Premier League.

Khoảng cách giữa 2 CLB đang là 3 điểm và Tottenham (+8 bàn) sở hữu hiệu số tốt hơn Chelsea (+6). Tức một thắng lợi của Mourinho trước Lampard sẽ khiến vị trí giữa 2 CLB trên BXH Premier League tráo đổi cho nhau!

 

Derby London không phải là lần đầu tiên Mourinho và Lampard đối đầu trên băng ghế chỉ đạo. Cuối tháng 9 năm ngoái, bộ đôi này đã “đụng độ” nhau ở vòng 3 League Cup, khi Lampard cùng Derby County làm khách tại Old Trafford của Man United. Trận đó 2 CLB hòa nhau 2-2 sau 90 phút chính thức và đội bóng của Lampard giành quyền đi tiếp sau loạt “đấu súng” luân lưu 11m.

Sau trận đấu ấy, Mourinho đã tới phòng thay đồ của đội khách, nói chuyện với Lampard, dành cho cậu học trò cũ những lời tán dương. Vài ngày sau, chính Mourinho công bố một đoạn tin nhắn video về câu chuyện giữa ông và Lampard “Như những gì tớ đã nói với cậu ở Old Trafford, chỉ có một HLV với tài năng xuất chúng và khát vọng mãnh liệt mới có thể tạo ra một tập thể (Derby County- ND) chơi thứ bóng đá như vậy. Tớ biết, cậu rất khát khao đánh bại tớ. Và quả thật, dù tỉ số chung cuộc là 2-2, tớ phải thừa nhận là cậu đã làm được điều đó rồi. Chắc cậu biết, tớ tự hào về cậu như thế nào”.

Người ta thường nói về Mourinho như là tay đệ nhất của thứ “nghệ thuật hắc ám” trong bóng đá, một HLV cực giỏi trong việc tạo áp lực khủng khiếp lên đối thủ và chính các học trò của mình để có thể giành thắng lợi trong các trận chiến. Nhưng Mourinho, trước hết là một người chuyên nghiệp, lịch thiệp và có sức thu hút tuyệt vời.

“Ông ấy là bạn của tất cả mọi người ở đây” – Wayne Rooney nói về Mourinho trong những ngày đầu tiên HLV người Bồ Đào Nha hiện diện ở Carrington của Man United. Khi ra mắt ở trung tâm huấn luyện Tottenham, Mourinho khẳng định: ông sẽ “là cha, là bạn, thậm chí là… người yêu, là bất kì thứ gì mà cầu thủ muốn ở mình”. 

Nhưng mối quan hệ giữa Mourinho và Lampard thì ở một mức độ rất khác, sâu sắc hơn nhiều. Và tất cả bắt đầu từ khách sạn Lowry, Manchester, những ngày đầu tháng 6/2004, thời điểm Mourinho vừa chính thức được bổ nhiệm làm tân HLV Chelsea, thay Claudio Ranieri. Lúc ấy, các ngôi sao của Chelsea bao gồm John Terry, Frank Lampard, Wayne Bridge, Joe Cole đang tập trung cùng tuyển Anh để chuẩn bị cho VCK EURO 2004.

Mourinho (cùng giám đốc điều hành Chelsea Peter Kenyon) đã chủ động gặp gỡ nhóm cầu thủ Chelsea này tại Manchester. Một cuộc nói chuyện ngắn đã diễn ra giữa họ và Lampard, người vốn hi vọng HLV kế nhiệm Ranieri là Didier Deschamps, đã thực sự bị Mourinho thuyết phục.

 

Tiếp đó, là cuộc trao đổi chính thức đầu tiên Mourinho và Lampard tại sân tập thuộc khuôn viên trờng đại học UCLA ở Califonia, trong giai đoạn Chelsea tập huấn trước thềm mùa giải 2004/05. Trong cuốn tự truyện “Totally Frank”, xuất bản năm 2006, Lampard đã kể rất chi tiết thế này:

“- Nghe này chàng trai, Một năm trước Deco đã là một cầu thủ siêu hạng nhưng hiện tại cậu ấy còn đang là một ứng viên hàng đầu cho danh hiệu Quả Bóng Vàng châu Âu. Điều này có ý nghĩa như thế nào, hãy để tớ nói cho cậu nghe. Năm trước và năm nay, Deco vẫn tuyệt như thế. Nhưng sự khác biệt là giờ Deco đã vô địch Champions League và đăng quang giải VĐQG Bồ Đào Nha cùng Porto. 

  • Em hiểu, boss!

  • Với tôi, cậu xuất sắc chẳng kém gì Zidane, Vieira hay Deco. Thứ cậu còn thiếu để trở thành một trong những người hay nhất, như họ, chính là các danh hiệu lớn. Cậu là một cầu thủ giỏi, nhưng cậu phải thể hiện tài năng của mình, bằng cách chinh phục các đỉnh cao. Cậu hiểu ý tôi chứ?

  • Em hiểu, boss!”
     

Ngay từ thời điểm ấy, Mourinho đã “mặc nhiên” coi Lampard sẽ là thủ quân của đội bóng nhưng trong cuộc bỏ phiếu kín giữa các cầu thủ, John Terry, khi đó mới 23 tuổi, mới là người được tín nhiệm hơn. Bản thân Lampard cũng là người bầu cho anh bạn thân Terry.

“Kỹ năng thu phục lòng người của Jose, đơn giản là siêu tuyệt” – Lampard hồi tưởng lại.

“Tôi, lúc ấy 25 tuổi, bị thuyết phục, gần như ngay lập tức, chỉ sau vài lời đầu tiên của Jose. Dĩ nhiên không chỉ mình tôi, mà là tất thảy các cầu thủ Chelsea. Chúng tôi là một tập thể đang ở vào độ tuổi đẹp, ngập tràn khát khao chinh phục. Chúng tôi muốn trở thành những nhà vô địch. Và Jose, một HLV đầy kiêu hãnh, tự tin và bùng nổ đã làm cháy lên ngọn lửa khát vọng ở tập thể này”.

“Niềm tin sắt đá là thương hiệu bản quyền của Jose. Và nó có tác động thực sự mạnh mẽ đến những người có cùng chí hướng với ông. Mối quan hệ giữa tôi và Jose đã phát triển rất nhanh, rất tốt bởi chúng tôi là những người cùng có khát khao chinh phục. Và từ liên hệ trong công việc – bóng đá, với sự trân trọng, tin tưởng lẫn nhau, giữa chúng tôi dần nảy sinh gắn bó sâu sắc ở nhiều phương diện khác” – Lampard cho biết.

Mourinho, từ nhiều năm trước, từng thừa nhận “Frank là người-bạn-thân-nhất của tôi, trong bóng đá”. Còn Lampard, anh có thể kể cả ngày không hết về những kỉ niệm đẹp, ngoài bóng đá, giữa họ. Như việc Mourinho là một trong những người đầu tiên gọi điện chia buồn với Lampard về cái chết của mẹ anh, bà Pat, hồi đầu năm 2008. Thời điểm ấy, Mourinho đã chia tay Chelsea được hơn 3 tháng. “Jose gọi điện cho tôi hầu như mỗi ngày, chỉ để biết chắc rằng tôi vẫn ổn”. 

Như hồi tháng 9 năm ngoái, khoảng 1 tuần trước trận United gặp Derby ở League Cup, khi Christine – vợ Lampard sinh hạ “nàng công chúa” thứ  ba, Mourinnho cũng không quên gọi điện chúc mừng họ. “Jose là người đàn ông đề cao giá trị gia đình. Khi Patricia (con gái thứ 3 của vợ chồng Lampard – ND) chào đời, Jose, người cũng có 2 con một gái – một trai đã gọi cho tôi. Chúng tôi nói chuyện rất lâu về gia đình, con cái, về cách nuôi dạy chúng… Tôi rất biết ơn Mourinho về cuộc gọi ấy. Như cách mà ông ấy đã cư xử thật tuyệt vời khi Pat ra đi. Đó là những thứ tôi luôn khắc ghi tận sâu trong tim. Cho dù Jose làm việc ở đây, hay bất kì nơi nào khác. Bất kể bạn nghe hay biết về ông ấy có như thế nào. Thì với riêng tôi, tất cả những gì mà Jose đã làm với tôi, từ nhỏ bé nhất, luôn vô cùng đặc biệt và đáng trân trọng”.

Dù vậy, như một sự sắp đặt của định mệnh. Những va đập giữa họ, trong địa hạt bóng đá, là điều không thể tránh khỏi. Như mùa Hè 2014, hậu World Cup tại Brazil, khi Mourinho nói với Lampard rằng CLB sẽ không gia hạn hợp đồng (thêm 1 năm) với tiền vệ này và sự ra đi của anh (sang N.Y City tại giải MSL Mỹ) là một phần trong kế hoạc tái thiết-trẻ hóa The Blues. 

“Khi một cầu thủ bước đến giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp, HLV buộc phải đưa ra lựa chọn thay thế anh ta bằng nhân lực trẻ hơn. Đấy là điều hết sức bình thường trong bóng đá và tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của Jose. Nhưng dĩ nhiên, là một cầu thủ đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với Chelsea, tôi sao có thể vui vẻ với thực tế đó. Tổn thương, trong tôi, là không thể tránh khỏi” – Lampard kể lại.

Mùa giải 2014/15, Chelsea với “hạt nhân” Cesc Fabregas – người thế chỗ Lampard – đã tiến băng băng đến chức vô địch Premier League. Nhưng hành trình tuyệt vời ấy có một “lát cắt” không ai ngờ đến: Lampard khoác áo Man City theo hợp đồng mượn từ N.Y City và phá lưới đội bống cũ trong trận hòa 1-1 ở Etihad. 

Đầu mùa giải này, khi Lampard tái hồi Stamford Bridge dẫn dắt Chelsea, những “va đập” giữa họ cũng xảy ra thường xuyên hơn. Sau trận mở màn Premier League thua Man United 0-4 ở Old Trafford, Mourinho – trong vai trò khách mời bình luận của Sky Sport – đã đưa ra quan điểm của ông về Chelsea rằng: tập thể này “quá thiếu cân bằng công-thủ”, “hơi thiếu tính chiến đấu” và “cách tiếp cận của Lampard đã tạo ra quá nhiều khoảng trống để đối thủ khai thác”. Mourinho sau đó, được cho là, đã gửi một tin nhắn WhatsApp để “xin lỗi Lampard” về những phát biểu của mình.

Tới tháng 9, khi Chelsea thua Liverpool 1-2 ở Stamford Bridge, trong một trận đấu mà The Blues đã có một hiệp đấu thứ hai vô cùng ấn tượng, Mourinho đã nói với Telegraph rằng ông “cảm thấy đau lòng khi chứng kiến cảnh các CĐV Chelsea hào hứng với… thất bại của đội nhà”. “Điều này không ổn chút nào, bạn không thể hài lòng, làm sao có thể vui được khi thua trận, chỉ vì đội nhà đã có một màn trình diễn tốt. Khi bạn tập quen với nó, cũng là khi CLB này không còn đứng trông hàng ngũ những đội bóng lớn nữa rồi”.

Và khi được hỏi nhân sự kiện Mourinho nhận lời làm HLV Tottenham cuối tháng 11 vừa qua, Lampard đã đưa ra quan điểm sâu sắc như thế này: “Tôi sẽ dẫn dắt Tottenham một ngày nào đó? Chắc chắn là không rồi. 10 năm sau, nếu bạn hỏi lại câu này, câu trả lời của tôi vẫn sẽ là như thế. Nhưng Jose thì là một trường hợp hoàn toàn khác. Ông ấy đã kinh qua nhiều CLB khác nhau trong sự nghiệp của mình và đến một thời điểm nào đó, điều này (Mourinho làm HLV Tottenham – ND) sẽ phải xảy ra thôi. Đấy là quyết định của Jose, và tôi hoàn toàn tôn trọng nó. Chính tôi cũng từng khoác áo Man City ngay trong năm tôi vừa rời Chelsea đấy thôi. Nhưng Chelsea, trước sau, luôn là một phần quan trọng trong tim tôi, đấy là lý do tại sao tôi hạnh phúc và tự hào khi được làm HLV CLB này, cũng là lý do tại sao tôi sẽ không bao giờ dẫn dắt Tottenham”. 

Và câu chốt của Lampard? Một đòn “tấn công” đầy tinh tế dành cho Mourinho: “Điều tích cực nhất khi Jose trở lại với sự nghiệp huấn luyện, ở Tottenham, chính là nó sẽ khiến ông ấy không còn hiện diện trong các buổi bình luận ở Sky Sports nữa”.

 

Còn giờ thì họ đã thực sự là đối thủ của nhau, không chỉ trong trận chiến cụ thể tại derby London tối nay, mà còn trong cả hành trình dài phía trước, cho cuộc đua tới 1 suất dự Champions League. Thành công của người này, hoàn toàn có thể, gắn liền với thất bại của người kia. 

Tình bạn trong bóng đá, mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa Mourinho và Lampard, hãy tạm gác lại, ít nhất trong hơn 90 phút đối đầu tại Tottenham Hotspur đêm nay…

Lược dịch từ Mourinho and Lampard: how the ‘love story’ began to fade (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Barcelona vs Atletico Madrid: Khó cản quân đoàn Simeone

Từ chỗ dẫn trước Atletico Madrid với khoảng cách rất xa trên bảng xếp hạng, Barcelona của Hansi Flick giờ đây chỉ còn hơn đối thủ về mặt hiệu số khi cả hai cùng có 38 điểm ( Atletico Madrid thi đấu ít hơn 1 trận). Đội chủ nhà có cơ hội ngăn được cơn khủng hoàng đang có dấu hiệu lan nhanh của mình nếu hạ được đội bóng của Diego Simeone trong trận so găng trực tiếp ở Montjuic

Tottenham vs Man United: Kết cục khó đoán

Chiến thắng trong trận derby Manchester trước những người hàng xóm Man City đã mở ra rất nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những người yêu mến Manchester United. Một kỷ nguyên mới là thứ được nhiều người nhắc đến sau khi chứng kiến những dấu hiệu tích cực mà Ruben Amorim đã và đang mang lại cho đội bóng chủ sân Old Trafford. Đêm nay tiếp đà hưng phấn, liệu Bruno Fernandes và các đồng đội có tiếp tục tiến lên trong chuyến làm khách trước Tottenham?

Việt Nam vs Indonesia: Độc chiêu đấu độc chiêu

Duyên nợ chất chồng. Cùng là xứ sở yêu bóng đá cuồng nhiệt. Cùng sở hữu những tập thể cá tính và cả những cá nhân đặc biệt với những “vũ khí” phá vỡ bế tắc. Việt Nam - Indonesia xứng danh cuộc thư hùng được cả Đông Nam Á trông chờ.

Borussia Dortmund vs Barcelona: Đánh bại Die Borussen

Có cùng 12 điểm sau 5 lượt đấu, cả Borussia Dortmund và Barcelona đều nằm trong top 8 đội dẫn đầu trước khi cuộc so tài giữa họ xảy ra ở Westfalenstation. Liệu ai sẽ là người bứt hẳn lên để nắm lấy lợi thế sau trận giáp lá cà trực tiếp?

Juventus vs Manchester City: Hạ đẹp Bà đầm?

Trận hoà khó tin sau khi dẫn trước đối thủ 3 bàn đến tận phút 75 trước Feyenoord vòng trước cộng với trận thua tan nát 1-4 trước đó trên sân Jose Alvalade của Sporting Lisbon đã khiến cho Manchester City của Pep Guardiola phải lâm vào cảnh khó khăn để giành một suất trực tiếp đi tiếp ở vòng phân hạng Champions League theo thể thức mới.

Atalanta vs Real Madrid: Bản lĩnh nhà vua

Hành quân đến Bergamo Stadium trong bối cảnh đã bị dồn vào chân tường, liệu các nhà đương kim vô địch Real Madrid có thể đánh bại đội chủ nhà  đang chơi vô cùng ấn tượng để leo lên phía trên bảng xếp hạng? Vòng loại đầu tiên chỉ còn 3 lượt đấu, không còn chỗ cho những sai lầm nào nữa, Real vốn dĩ sẽ không còn đường lùi.

Tottenham Hotspur vs Chelsea: 3 điểm cho The Blues?

Super Sunday vòng 15 giải ngoại hạng Anh tuần này sẽ là trận derby London giữa những người chủ nhà Tottenham Hotspur và các vị khách Chelsea. Trong khi đội khách đang bay cao với chuỗi trận thăng hoa kèm theo đó là vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng thì những người chủ nhà Tottenham như thường lệ vẫn đang duy trì sự thất thường của mình.

Everton vs Liverpool: Cản bước kẻ thù?

Tiếp đón đối thủ cùng thành phố trong trận derby lâu đời nhất ở nước Anh, liệu Everton có thể cản bước được người hàng xóm hùng mạnh chỉ cách họ chừng 2km. Khoảng cách địa lý sau bao nhiêu năm vẫn vậy, nhưng mối thâm thù thì ngày càng tăng, nhất là khi khoảng cách về trình độ và trên bảng xếp hạng giữa cả hai trong những năm gần đây ngày càng xa cách.