Đội tuyển Hà Lan và Anh sẽ gặp nhau ở bán kết UEFA Nations League, chưa đầy 1 tuần sau khi trận chung kết Champions League khép lại. Đó sẽ là cuộc hội ngộ của những người mà mới 7 ngày trước, họ vẫn còn chung chiến tuyến hoặc đứng về hai phe để cạnh tranh nhau chiếc cúp bạc danh giá nhất đấu trường châu Âu cấp CLB. Chắc chắn, đây là một trận đấu đáng chờ đợi.
Đội tuyển Hà Lan và Anh sẽ gặp nhau ở bán kết UEFA Nations League, chưa đầy 1 tuần sau khi trận chung kết Champions League khép lại. Đó sẽ là cuộc hội ngộ của những người mà mới 7 ngày trước, họ vẫn còn chung chiến tuyến hoặc đứng về hai phe để cạnh tranh nhau chiếc cúp bạc danh giá nhất đấu trường châu Âu cấp CLB. Chắc chắn, đây là một trận đấu đáng chờ đợi.Ký ức Southgate, ký ức Koeman
Euro 1996 ngay trên chính nước Anh có kết thúc buồn với Gareth Southgate, ông là người đá trượt quả luân lưu quyết định trong trận bán kết với đội tuyển Đức. Tuy nhiên, giải đấu năm đó cũng có kỷ niệm mà HLV đương nhiệm của “Tam sư” nhớ mãi, đó là chiến thắng 4-1 trước Hà Lan ở lượt cuối vòng bảng.
“Đó là những ngày tháng tuyệt vời nhất của tôi với bóng đá, không cần nghi ngờ gì nữa”, cựu trung vệ đội tuyển Anh hồi tưởng. “Khi bạn nghĩ về những khoảnh khắc đó, mọi màu sắc rực rỡ lại hiện về trong tâm trí. Màu cam mà cổ động viên của họ mang đến sân vận động, bầu không khí nóng bỏng và chất lượng trận đấu tuyệt vời. Họ có những cầu thủ xuất sắc và chúng tôi thực sự đã có một trong những màn trình diễn hay nhất”.
Euro năm đó là một nỗi hổ thẹn của người Hà Lan. Sau trận hòa 0-0 Scotland ở lượt đầu tiên không mấy ấn tượng, “biến” đã xuất hiện ở trận đấu thứ hai. Jordi Cruyff và Dennis Bergkamp ghi bàn giúp Oranje đánh bại Thụy Sĩ nhưng điểm nóng lại đến từ băng ghế dự bị của họ. Sau khi bị HLV Guus Hiddink rút ra ở phút 26 vì đã nhận một thẻ vàng và có nguy cơ không nhỏ phải nhận thêm chiếc thứ hai, Clarence Seedorf tỏ ra không hài lòng và coi đó như sự xúc phạm. Anh phàn nàn với Edgar Davids – người cũng bị gạt ra ngoài – và ngay tối hôm ấy, Davids đã gặp một nhà báo nước ngoài để lên tiếng, anh cho rằng Hiddink thích sử dụng những cầu thủ da trắng hơn cầu thủ da màu.
Nhà cầm quân người Hà Lan yêu cầu học trò xin lỗi nhưng vấp phải sự từ chối, không giữ được bình tĩnh, ông đuổi Davids ra khỏi đội. Ngay lập tức, ông triệu tập một cuộc họp trong khách sạn và yêu cầu các cầu thủ tự giải quyết với nhau. Dennis Bergkamp nhớ lại trong cuốn tự truyện “Tốc độ và sự tĩnh lặng” của mình: “Tôi không thể tin những gì đang diễn ra! Diễn biến câu chuyện thực sự căng thẳng. Trong đội lúc đó có ba nhóm: một nhóm bao gồm Seedorf, Kluivert, Reiziger và [Winston] Bogarde chống lại Blind và anh em De Boer trong khi nhóm thứ ba (nhóm lớn nhất) mà tôi ở trong đó chỉ biết ngồi xem và há hốc mồm”.
Kết cục, Oranje dừng bước ở tứ kết sau khi để thua Pháp trên chấm luân lưu. Ngược lại, đội tuyển Anh lúc đó đang sống trong những ngày tháng tràn đầy hy vọng và lạc quan dưới thời Terry Venables mà chiến thắng 4-1 trước Hà Lan ở lượt trận cuối là một minh chứng. Sau khi Teddy Sheringham mở tỷ số trên chấm luân lưu trong hiệp 1, trong vòng 11 phút từ phút 51 đến 62, “Tam sư” có liền 3 bàn liên tiếp trước khi Patrick Kluivert ghi bàn thắng danh dự cho đội khách ở phút 78. Như BLV Barry Davies khẳng định trong phần bình luận rằng “Anh thực sự chỉ cần một hiệp để giải quyết trận đấu”, một Hà Lan chia rẽ và hỗn loạn thực sự không có “cửa” trước “Tam sư” của Southgate và các đồng đội.
Ronald Koeman không góp mặt ở kỳ Euro 1996 tuy nhiên ông không thiếu những kỷ niệm với đội tuyển Anh với tư cách cầu thủ. Euro 1988, Koeman cùng Hà Lan giành chức vô địch sau khi đánh bại Liên Xô trong trận chung kết, trên hành trình đó, họ đã vượt qua đội tuyển Anh ở vòng bảng bằng chiến thắng 3-1 với cú hattrick của Marco van Basten.
Hơn 5 năm sau, Koeman đóng vai nhân vật chính trong cuộc chạm trán giữa 2 đội tại vòng loại World Cup 1994. Cựu trung vệ của Barcelona khi đó là thủ quân của Hà Lan đã mở tỷ số ở phút 61 sau một cú đá phạt trước vòng cấm. Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra 4 phút trước đó. Từ đường chuyền của Andy Sinton, David Platt nhận bóng. Tiền vệ người Anh bị Koeman kéo ngã, ông yêu cầu một quả phạt đền cho “Tam sư” nhưng trọng tài Karl-Josef Assenmacher chỉ dành cho đội trưởng Hà Lan một tấm thẻ vàng đồng thời đoàn quân của HLV Graham Taylor chỉ được hưởng một quả đá phạt trực tiếp. Kết cục, đội tuyển Anh thua chung cuộc 0-2 và sau đó không lách được qua khe cửa hẹp để tới World Cup 1994.
Sau này, nhớ lại về pha bóng tranh cãi này, Ronald Koeman bày tỏ: “Tôi đã nghĩ mình bị thẻ đỏ. Tôi quay lại và ngạc nhiên khi thấy trọng tài không đuổi tôi rời khỏi sân, tôi đã may mắn. Sau pha phạm lỗi, tôi trình bày với trọng tài là tình huống diễn ra bên ngoài vòng cấm để tránh phải nhận một quả phạt đền. Nhưng sau đó, tôi đã đóng vai trò quan trọng. Tôi nhận ra kết quả có thể đã rất khác nếu tôi bị đuổi khỏi sân”.
Cuộc chiến không khoan nhượng
Hơn 20 năm sau những trận đấu trên, giờ đây 2 đội lại chạm trán với nhau, lần này ở vòng bán kết UEFA Nations League đầu tiên trong lịch sử. Đội tuyển Anh cũng chính là đối thủ đầu tiên mà Ronald Koeman gặp trên cương vị HLV trưởng Hà Lan, trận đấu diễn ra vào tháng 3/2018 với chiến thắng 1-0 thuộc về “Tam sư”.
“Rafael van der Vaart, Sneijder,… họ để lại một khoảng trống lớn. Bạn phải đưa những gương mặt trẻ, mới mẻ lên nhưng thời điểm đó họ chưa sẵn sàng, đó mới chỉ là những chàng trai 17-18 tuổi. Tất cả mọi người muốn vượt qua vòng loại nhưng một đất nước nhỏ như chúng tôi luôn có những giai đoạn không có quá nhiều tài năng. Đôi khi bạn phải lùi lại sâu một chút để trở lại mạnh mẽ”, đó là nhận định của HLV Frank de Boer về thời kỳ suy thoái của bóng đá Hà Lan.
Dù vậy có thể nói sự xuất hiện của Koeman trên băng ghế huấn luyện đã đem đến làn gió mới. Tuy thất bại trước tuyển Anh trong trận ra mắt nhưng sau đó, những chiếc thắng trước Đức, Pháp, Bồ Đào Nha hay các trận hòa trước Bỉ và Italia khiến người hâm mộ biết họ có thể đặt niềm tin vào Koeman cùng các cộng sự.
“Bảo vệ màu cờ sắc áo của đất nước”, như chiến lược gia 56 tuổi bày tỏ trong cuộc phỏng vấn mới đây với BBC chính là yếu tố then chốt để gây dựng tình đoàn kết, điều vốn luôn là vấn đề trong nội bộ của Oranje. Bên cạnh đó, một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng mới đang nổi lên sẽ là nòng cốt trong nhiều năm nữa bên cạnh bên cạnh những đàn anh chưa đến 30 tuổi như Virgil van Dijk, Georginio Wijnaldum, Memphis Depay, Daley Blind.
Việc lọt vào bán kết của Nations League chính là minh chứng cho thấy đội tuyển Hà Lan đang đi đúng hướng trên con đường tìm lại vị thế vốn có mà mục tiêu số một lúc này chính là tham dự Euro 2020. Người Hà Lan đã phải chờ 4 năm qua 2 giải đấu liên tiếp là người đứng ngoài cuộc chơi và chắc chắn họ không muốn phải kéo dài quãng thời gian đó thêm nữa.
Với đội tuyển Anh, UEFA Nations League cũng là bàn đạp để Gareth Southgate vững tin trên cuộc hành trình của mình. Có một cái gì đó khá tương đồng giữa Hà Lan và đội tuyển Anh lúc này. “Tam sư” giờ đây không còn nhiều những ngôi sao hàng đầu thế giới nhưng lại là tập thể cùng nhìn về một hướng, họ không có một HLV ngôi sao nhưng luôn chịu khó tìm tòi học hỏi, họ trình diễn một lối đá khoa học và tạo cảm hứng niềm tin cho cổ động viên.
|
Gareth Southgate ở World Cup 2018 |
Daily Mail tiết lộ trong quá trình chuẩn bị cho trận bán kết Nations Cup, Southgate đã gặp từng cầu thủ để nói chuyện riêng nhằm khích lệ tinh thần. Dù chỉ là một giải đấu giao hữu nhưng nhà cầm quân 48 cũng khẳng định ý định nghiêm túc với chiếc cúp vô địch. Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 cổ động viên “Tam sư” đến sân D. Alfonso Henriques sắp tới để cổ vũ đội bóng của mình.
Ngoài ra, trận thư hùng sắp tới là một cuộc chạm trán thú vị giữa những cầu thủ trong thành phần 2 đội. Mới gần 1 tuần trước, Van Dijk, Wijnaldum cùng Jordan Henderson, Joe Gomez, Trent Alexander-Arnold cùng nhau nâng chiếc cúp bạc Champions League và có màn diễu hành đầy cảm xúc trên đường phố Liverpool thì họ chuẩn bị đứng về 2 đầu chiến tuyến. Mới chưa đầy 1 tuần trước, những Danny Rose, Eric Dier, Harry Kane, Dele Alli đứng chết lặng khi tiếng còi chung cuộc trên sân Wanda Metropolitano vang lên thì họ sắp sửa cùng chung màu áo với các cầu thủ người Anh của Liverpool và hát vang bản quốc ca “God Save the Queen”.
Sẽ là một trận đáng chờ đợi giữa đội tuyển Hà Lan và Anh bởi lịch sử, truyền thống, bởi chính 2 đội bóng và hành trình mà họ đang đi.
CG (TTVN)