Sergio Ramos đã từng nói một câu thế này: “Khi khoác áo Real Madrid, tôi có thể bỏ lỡ nhiều thứ, đánh mất nhiều thứ. Chiếc áo đấu của tôi có thể lấm lem. Nhưng cái tôi không bao giờ để mất là sự kiêu hãnh bất diệt của màu trắng, màu của Real Madrid.”
|
Catalan bất khuất hay Hoàng gia bất diệt? |
Thật vậy. Những cái bóng áo trắng có thể vương màu nâu của bùn đất và màu xanh của thảm cỏ quết mạnh qua sau mỗi cú chuồi bóng hay mỗi cú ngã, nhưng màu trắng của sắc áo Los Blancos chưa bao giờ mất đi vẻ tự tôn vốn có của nó. Kể cả khi sắc trắng ấy có nhạt nhoà trong thời gian màu đỏ-xanh của giai cấp công nhân xứ Catalan phủ khắp xứ bò tót. Kể cả khi Mourinho thua Guardiola trong một chuỗi ngày hoàng kim dài của Barcelona. Màu trắng ấy vẫn trở lại, với đầy niềm tin và sự huỷ diệt. Và đây, sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng cái cách mà Ronaldo cùng các đồng đội đang thống trị La Liga lại gợi nhớ cho chúng ta về một thời độc tài Franco đàn áp xứ Catalan, dù ai đó có nói là tàn nhẫn, nhưng thế mới là cái tính độc tôn của Real Madrid!
TỪ NHỮNG KẺ KHÔNG BIẾT SỢ GẦN BIÊN GIỚI NƯỚC PHÁP
Catalonia là một vùng tự trị, độc lập từ văn hoá, ngôn ngữ đến lịch sử. Tiếng Catalan được phát triển từ tiếng Latin Vulgar ở cả hai bên khu vực dãy núi Pyreness, có những đặc điểm kết hợp giữa ngôn ngữ Gallo-Romance, Ibero-Romance và Gallo-Italian; và họ là khu vực duy nhất thuộc TBN nhưng không dùng tiếng TBN. Người ta chỉ thấy tiếng bản ngữ được sử dụng trong các trường Đại học. Chấm hết. Anh tài xế taxi nói tiếng Catalan. Người ta mua và mặc cả các loại hàng hoá ngoài chợ bằng tiếng Catalan. Trong quán cafe ngập thứ tiếng lai Ý và Gallo ấy. Và từ ngôn ngữ của một vùng tự trị, giờ tiếng Catalan đã phổ biến trên phạm vi 1/3 dân số xứ bò tót.
Chẳng thế mà dù phần lớn người dân sống ở Catalonia chỉ là lao động phổ thông hoặc công nhân, nhưng họ vẫn luôn khát khao một cuộc sống hoàn toàn độc lập về mặt chính trị. Nếu tách ra khỏi Tây Ban Nha, Catalan sẽ là một quốc gia với đầy đủ quốc ca, quốc kỳ, và rất phát triển về mặt kinh tế. Những người đến từ Girona, Tarragona, Lleida và Barcelona đóng góp tới 20% vào GDP của Tây Ban Nha, vì vậy họ chẳng sợ phải ly khai khỏi một quốc gia coi họ là đứa con ghẻ, với số phúc lợi xã hội bị cắt xén bởi chính phủ đóng đô tại thành Madrid hoa lệ. Mà ngược lại, chính phủ TBN muốn giữ Catalonia, nhưng không muốn cho họ quá nhiều quyền lợi. Hẳn nhiên, tiềm năng nổi dậy của người dân nơi đây quá lớn.
Từ thập niên 30 của Thế kỉ trước, ý định tách khỏi Tây Ban Nha chưa bao giờ nguôi trong huyết quản người dân xứ Catalan. Thế nhưng họ chưa bao giờ được toại nguyện bởi chính sách dẹp loạn tàn ác đến cùng cực của Francisco Franco. Nhà độc tài này sẵn sàng dùng vũ lực, và thậm chí là án tử cho những kẻ nổi dậy ly khai. Những năm đầu 1940, những nước cờ chính trị của Franco chính thức đổi màu bóng đá xứ bò tót, sau khi ông ra án tử cho Josep Sunyol, Chủ tịch Barcelona vào thời điểm đó. Franco nghĩ rằng dẹp yên Los Blaugrana tức là dập tắt mầm mống nổi dậy của Catalan, bởi lẽ bóng đá là trái tim của thành phố này. Để rồi thời gian cứ chảy trôi cho tới ngày hôm nay, khi người ta không còn giải quyết chuyện chính trị bằng vũ lực nữa.
Barca bị doạ đẩy sang Ligue I. Còn các trận El Clasico thì không thể hồn nhiên được nữa. Sự căng thẳng, những tấm thẻ đỏ, chiếc đầu heo dành cho Figo và màn trình diễn vô tiền khoáng hậu của nghệ sĩ Ronaldinho vào ngày 19/11/2005… tất cả đều đã làm nên cuộc chiến đại diện cho hai nền văn hoá, một bất diệt và một bất khuất.
|
Figo và chiếc thủ heo những năm về trước |
VÌ MADRID LÀ TÂY BAN NHA, TÂY BAN NHA LÀ MADRID…
Tiếng đàn guitar đầy phóng khoáng phát ra từ những góc công viên. Những tiếng hét đầy cuồng nhiệt vào camera ghi hình của những cổ động viên bóng đá trước một trận cầu lớn. Những toà nhà chọc trời không bận rộn, nhộn nhịp như ở Barcelona, mà lại toát ra cái chất tráng lệ, nguy nga và đầy kiêu hãnh trên nền trời. Chẳng sai khi nói Madrid là Tây Ban Nha, Tây Ban Nha là Madrid.
Những thứ tuyệt vời nhất của TBN đều hiện hữu ở Madrid, từ văn hoá, ẩm thực, thể thao, âm nhạc, kiến trúc và mọi thứ khác. Kiến trúc sư vĩ đại Eduardo Torroja (1899-1961), giọng ca soprano xuất chúng Teresa Berganza, CEO Pablo Isla của Inditex, nhà văn với ngòi bút sắc sảo Francisco Umbral hay Enrique Iglesias, người mà chẳng cần phải giới thiệu nữa… tất cả họ đều đến từ thủ đô của xứ sở bò tót. Madrid là một thành phố phức tạp, nơi mà chính trị được đề cao, nhưng nó lại có nét mềm mại đáng ngạc nhiên của nghệ thuật. Những tán cây phủ rợp hai bên đường, những bùng binh chia những ngã tư hay ngã năm rộng thênh thang đều là các hình ảnh đáng mơ ước của một đô thị đáng sống bậc nhất thế giới.
Francisco Franco, kẻ quyết tận diệt xứ Catalan, là một Madridista. Chính phủ Tây Ban Nha, nhà vua và toàn bộ các bộ ban ngành thuộc trung ương Tây Ban Nha đều ủng hộ Los Blancos; và đó chính là lý do vì sao Real Madrid được gọi là đội bóng Hoàng gia. Vậy đấy, trong khi Barcelona là máu thịt của những người lao động, thì Real Madrid là đại diện, là bộ mặt của quốc gia. Ngót nghét 300 trận El Clasico trôi qua, những trận đấu của máu, sắc tộc và chính trị, của sự khát khao tự do, của sự khẳng định thế độc tôn của kẻ bề trên… đã thay thế cho trận chiến mà Francisco Franco dấy lên để trở thành tác nhân chính nối dài mối thâm thù giữa thành Madrid và khu vực tự trị Catalonia.
Cuộc chiến ấy giờ đang nóng hơn bao giờ hết. Messi, Neymar, Ronaldo và những thứ cả trong lẫn ngoài sân cỏ của họ. Enrique, Zidane, những thành tựu và hàng loạt dấu hỏi. Tất cả đều được gói gọn trong 90 phút mà nếu bỏ lỡ thì sẽ hối hận cả năm trời.
CÁN CÂN SONG SONG MẶT ĐẤT
Cái thời mà Barca còn ở trên đỉnh cao của họ, những trận Siêu Kinh điển, thẳng thắn mà nói, là của riêng họ. Real bỏ quên linh hồn ở Madrid, Barca thăng hoa, và kết quả là 5 bàn không gỡ trong ngày đầu tiên Mourinho bước vào một trận El Clasico. Ông đã chơi đôi công trước một Pep Guardiola có trong tay một đội quân hùng mạnh hơn lúc nào hết. Ông không có một kẻ ngăn được Xavi nhảy múa ở giữa sân. Ông nhìn binh tướng của mình vỡ vụn sau bàn thua đầu tiên, một bàn thua đến khi bốn khán đài còn chưa ấm chỗ. Trên khu vực VIP, Florentino Perez thất thần vì Mourinho không đóng vai Khổng Minh mà té ra, lại là Mã Tốc, người khiến quân Thục thua một trận nhục nhã.
Lấy trận thua đau đó của Real Madrid ra làm ví dụ để thấy rằng cán cân El Clasico đã thay đổi quá nhiều sau nửa thập kỷ, nó đang nghiêng về người thủ đô. El Clasico luôn là thế, lợi thế đối đầu thay đổi theo thời điểm, nhưng mỗi khi ta nhìn lại, đây lại là trận cầu đinh có tính cân bằng nhất thế giới. Cuối năm 2007, Julio Baptista đánh đầu tung lưới Victor Valdes để nâng khoảng cách giữa hai đội lên thành 7 điểm ngay trên sân Camp Nou, để rồi sau đó Barcelona không thể đòi lại ngôi đầu bảng thêm lần nào nữa. 5 tháng sau, hẳn nhiên các Cules không vui vẻ gì khi chứng kiến các cầu thủ của mình xếp hàng vỗ tay chúc mừng các nhà tân vô địch của mùa bóng ấy, rồi ngay sau đó Bernabeu mở hội ăn mừng thắng lợi khải hoàn 4 sao với các pha lập công của Robben, Higuain, Van Nistelrooy và “Chúa nhẫn” Raul Gonzalez. Đó cũng là những giây phút cuối cùng được hả hê của người Madrid trước kỷ nguyên thống trị mang tên juego de posicion của Los Blaugrana. Khởi điểm của kỷ nguyên ấy chính là trận El Clasico kết thúc với 2 bàn trong 7 phút cuối của người Catalan, trong khi Los Blancos xuống dốc và vật lộn ở nhóm dự UEFA Cup.
Có cảm giác rằng những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Real Madrid đều gắn liền với Barcelona. Chính người Catalan đã nhấn chìm người Madrid vào khủng hoảng trong mùa 2004/05, với chiến thắng 3 bàn không gỡ; và rồi cũng chính trận thắng 4-2 của Real trong trận lượt về đánh dấu mốc vàng son cuối cùng của kỷ nguyên Galacticos 1.0 tại Santiago Bernabeu. Luôn luôn là như vậy, những kẻ ở sát sườn đoàn quân Hoàng gia nhất, những kẻ chứng kiến rõ ràng nhất những thành công cũng như thất bại của họ, để đau đớn và vui sướng một cách tương ứng luôn là kẻ đối địch không chia chung một mảnh trời.
|
Thất bại 5-0 của Real - một trận thua đau |
El Clasico của năm nay có thể lại chứng kiến một sự cân bằng, một cán cân song song mặt đất. Zinedine Zidane sở hữu trong tay một đội hình có chiều sâu và tiềm năng quá lớn, chẳng thua gì Barca của thời đỉnh cao. Thế nhưng, sự vắng mặt của Bale và Kroos chưa biết sẽ khiến Zidane phải xoay chuyển hệ thống thế nào. Ở chiều ngược lại, từ vị thế của kẻ thống trị, giờ đây Barca đang đóng vai kẻ cướp ngôi. Nếu họ thua trận này, chẳng ngoa khi nói cuộc chiến đến ngôi vương gần như đã khép lại với khoảng cách 9 điểm và một hệ thống Blaugrana đầy lỗi. Hỏi rằng Barcelona có còn mạnh không, câu trả lời là họ vẫn rất mạnh, nhưng không đội bóng ổn định nào lại liên tiếp hoà Hercules, Malaga và Real Sociedad cả.
Nhưng chính cái tính không ổn định ấy, biết đâu lại gây bất ngờ trong phạm vi 90 phút của một trận như El Clasico? Barca có thể không có lợi thế, đang ở đáy của sự thất vọng, nhưng chiếc lò xo sẽ bật lên khi bị ép lún xuống mức sâu nhất. Real Madrid mạnh, nhưng cái mạnh ấy có còn không khi họ phải đến làm khách ở Camp Nou, trong một trận cầu mà có hàng triệu các yếu tố xung quanh tác động lên màn trình diễn của 22 đôi chân giỏi bậc nhất thế giới?
Và cứ thế, những trang sử vẫn đang tiếp tục ghi thêm những thâm thù của Real Madrid và Barcelona, hai kẻ ghét nhau tới tận xương tuỷ, nhưng nếu người này sống mà không có kẻ kia thì sự sống ấy chẳng hề còn động lực và ý nghĩa…
TEDDY (TTVN)