Đội tuyển Việt Nam: Khi vinh quang đã ở rất gần

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Ba 11/12/2018 14:42(GMT+7)

Trận lượt đi trên một sân vận động với hơn 80.000 khán giả chủ nhà gào thét sẽ không bao giờ là dễ dàng. Nhưng hãy tin là khi trở về Mỹ Đình, chúng ta sẽ có lợi thế trong tay

Thế là đã tròn 10 năm, chúng ta mới lại trở lại trong trận đấu cuối cùng của bóng đá khu vực. Mười năm mà cữ ngỡ như chỉ mới đây, khoảnh khắc Công Vinh lắc đầu đưa quả bóng vào góc xa của thủ thành người Thái Kosin năm nào mãi mãi là một khoảnh khắc bất tử với những người con đất Việt.
 
Mười năm đã trôi qua kể từ đỉnh cao ngày đó, lứa cầu thủ vàng 2008 đa phần đều đã giải nghệ. Sau khi giành chức vô địch, đã 4 kì AFF tiếp theo, chúng ta đều không lọt được vào vòng đấu cuối cùng của giải đấu.
 
Hiếm có nơi nào trên thế giới, mà sự đam mê dành cho môn thể thao vua lại lớn và cuồng nhiệt như ở đất nước hình chữ S. Và cũng hiếm có nơi nào trên thế giới, những người hâm mộ lại bị phản bội lại niềm tin nhiều như ở đất nước này.
 
Việt Nam chúng ta, đã hơn 4 thập kỷ kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Đất nước này, dân tộc này đã trải qua quá nhiều đau thương để giành được độc lập. Trong suốt hơn bốn thập kỷ đó, kể từ sau khi đất nước đổi mới, hiếm có những sự kiện nào có thể kết nối tất cả mọi người, mọi thành phần lại với nhau như môn thể thao vua.
 
Nhắc lại để thấy, kể từ khi thể thao Việt Nam nói chung, và bóng đá nói riêng bắt đầu hội nhập với thể thao khu vực. Kể từ Sea Games 18 Chiang Mai năm 1995 đến thời điểm bây giờ là 23 năm có lẻ. Bóng đá nước nhà đã trải qua quá nhiều cung bậc của cảm xúc, yêu có, ghét có, giận có, thăng hoa khi chiến thắng có lẫn vỡ vụn vì thất bại đều có.
Công Vinh - Thành Lương: Nốt lặng sau cuối trong khúc khải hoàn
Bóng đá cũng như cuộc sống bây giờ, hoàn toàn khác so với những năm thập niên 90 hay đầu những năm 2000. Khi đời sống người dân còn khó khăn, đâu phải nhà nào cũng có đầy đủ phương tiện giải trí như bây giờ. Cả xóm có khi chỉ có một nhà có tivi, mà đâu phải là màn hình màu, thế mà vẫn quây quần bên nhau, sống chết cùng đội tuyển Việt Nam thương yêu.
 
Sẽ không ai có thể quên được những tấm huy chương mà các cầu thủ đã mang về cho tổ quốc, vì nó được đánh đổi bằng mồ hồi, máu và cả nước mắt. Hình ảnh những cầu thủ tay chống gậy lên nhận huy chương, Hồng Sơn, Công Minh chấn thương vì kiệt sức hay Trần Minh Chiến mất cả sự nghiệp để mang vinh quang về cho tổ quốc là những hình ảnh quá đỗi xúc động.
 
Nhưng bên cạnh những vinh quang mà các anh mang về, vẫn còn đó quá nhiều câu hỏi ngổn ngang về những thất vọng cùng cực mà các cầu thủ đã đem đến cho người hâm mộ cả nước. Ngày đó, mối quan hệ chằng chịt và không rõ ràng của các thành viên đội tuyển với các tay anh chị ngoài xã hội là không hề đơn giản. Cái lưng của Sasi Kumar hay chính các cầu thủ đã phản bội lòng tin của người hâm mộ ở Tiger Cup 98 mãi mãi là một dấu hỏi lớn.
 
Thế hệ của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Công Minh..được tiếp nối bởi lứa cầu thủ đẹp không kém. Những Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Trương, Quốc Anh…là những tài năng trời cho với bóng đá Việt Nam. Nói là trời cho là bởi vì sao? Vì thế hệ ấy đa phần là bản năng, tập hợp từ các địa phương khác nhau, chứ không được quy hoạch đào tạo bài bản như bây giờ. Thế nhưng cũng giống như những người đàn anh đi trước, tấm huy chương vàng Seagame hay chức vô địch đông nam á mãi là một cái với tay quá tầm. Để rồi những chuyện xảy ra ở Bacolod đã gần như xoá đi một lứa cầu thủ tài năng của chúng ta.
 
Lứa cầu thủ ấy, đã vào đến hai trận chung kết Sea Games liên tiếp. Hình ảnh những Phạm Văn Quyến hay Phan Thanh Bình phủ màu đỏ lên cả sân vận động Mỹ Đình thật đẹp, từ trận thắng nghẹt thở trước Malaysia 4-3 ở bán kết đến trận thua 1-2 trước Thái Lan trong trận chung kết, người hâm mộ dẫu có thua cũng không trách quá nhiều các cầu thủ vì họ đã làm hết sức mình. Người hâm mộ cả nước vẫn đổ ra đường ăn mừng, ngay cả khi thua, vì họ biết, khi đội tuyển thất bại, các cầu thủ cần một sự sẻ chia, chứ không phải là những lời chỉ trích.
 
Ba năm sau thảm hoạ Bacolod, đội tuyển Việt Nam đến với AFF Cup 2008 với một sự hoài nghi rất lớn, nhưng thật may mắn, đội tuyển lại được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Henrique Calisto, người rất am hiểu về bóng đá Việt Nam. 10 trận không thắng trong các trận giao hữu trước thềm giải đấu khiến cả núi áp lực đè nặng lên HLV người Bồ Đào Nha và các cầu thủ. Nhưng Calisto đã rất kiên định với con đường mình đi, và bàn thắng gỡ hoà của Công Vinh trước Thái Lan ở Mỹ Đình đã hoàn tất một giải đấu lịch sử của đội tuyển.
 
Như đã nói, kể từ sau chiến công lịch sử. Bóng đá Việt Nam lại bước một vòng lẩn quẩn, khi không giành được thêm một vinh quang nào thêm nữa. Dù đã có những lúc ở rất gần nó, nhưng vẫn không với tới được. Thật may trong những thời điểm đó, bóng đá nước nhà vẫn có những con người biết lo cho đại cuộc.
 
Phố núi Pleiku, thủ phủ của tỉnh Gia Lai, có một người đàn ông không chấp nhận một nền bóng đá chỉ biết ăn xổi cầu may, quyết tâm làm một thứ bóng đá bài bản. Người đàn ông đó cũng tên Đức, ông là Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hùng mạnh.
 
Bằng những bước đi quyết liệt và nhanh chóng, học viện bóng đá HAGL- JMG ra đời với sự nghi ngờ pha lẫn với sự ngưỡng mộ của tất cả người hâm mộ. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Thanh ngày nay là thành quả của cả một quá trình tuyển chọn, đào tạo, thi đấu của học viện. Để tạo nên một lứa cầu thủ tài năng, đạo đức vượt trội như thế, bầu Đức đã phải tiêu tốn rất nhiều tâm huyết và tiền của.
 
Sự ra đời của học viện bóng đá HAGL- JMG đã tạo ra một luồng gió mới cho nền bóng đá nước nhà. Nó khiến các trung tâm bóng đá nổi tiếng trước đó như Sông Lam Nghệ An hay các tỉnh phía Bắc phải thay đổi. Người ta quan tâm đến vấn đề văn hoá đạo đức hơn trong khi rèn giũa tài năng cho các cầu thủ trẻ. Các trung tâm như Viettel, Hà Nội, PVF… lần lượt ra đời và đào tạo cầu thủ một cách bài bản. Để giờ đây chúng ta có thêm những Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng…Một lứa cầu thủ rất đẹp và rất ngoan.
 
Chúng ta đã có bột, nhưng để gột nên hồ là một vấn đề khác. Đội tuyển và các lứa U23 lần lượt thất bại ở AFF Cup và Sea Game theo những cách khác nhau. Từ một lối đá mang nặng thể lực bóng dài không phù hợp với người Việt Nam của Miura đến những tính toán không hợp lý của Hữu Thắng trong những thời điểm quyết định, đã lại đẩy bóng đá Việt Nam đến sự chán chường và hoài nghi.
 
Thật may trong những lúc như vậy. Chúng ta lại có được HLV Park Hang Seo, một lần nữa bầu Đức lại có một chuyến đi bước ngoặc cho lịch sử bóng đá nước nhà, lần này là đến Xứ sở kim chi, sau chuyến đi đến nước Anh năm 2007 để đặt vấn đề hợp tác với Arsenal.
HLV Park Hang Seo
Huấn luyện viên người Hàn Quốc đến với bóng đá Việt Nam với một sự hoài nghi rất lớn, khi bản CV của ông chỉ có một điểm nhấn duy nhất: đã từng là trợ lý của Guus Hiddink tại World Cup 2002. Nhưng với tài năng và tình cảm dành cho đất nước chúng ta, giờ đây Park Hang Seo được cả nước Việt gọi bằng cái tên triều mến: thầy Park, một điều mà chưa có một HLV nào trước đó vinh dự được nhận.
 
Có thể nói, trước khi đến làm việc ở Việt Nam, Park Hang Seo đã nghiên cứu rất kỹ về đất nước chúng ta. Hiếm có HLV nào lại gần gủi và thân thiện với các cầu thủ như ông Park. Và trong lịch sử, có lẽ chưa bao giờ chúng ta có một đội tuyển đoàn kết và ngoan đến như vậy.
 
Có lẽ cuộc se duyên giữa ông Park và bóng đá Việt Nam là một cuộc hôn nhân đúng người và quá đúng về thời điểm. Khi các cầu thủ đã trưởng thành hơn sau những thất bại trước đó, cộng với những liệu pháp tâm lý rất hay của thầy Park vào những thời điếm quyết định, có thể nói, cả bóng đá Việt Nam và vị HLV của mình đều đang gặp…thời.
Giọt nước mắt, mưa tuyết Thường Châu và những người hùng trẻ tuổi
Những chiến công ở Thường Châu hay Indonesia mới đây đã khiến cho các cầu thủ của chúng ta ở một trạng trái tâm lý rất khác so với trước đây, hay nói cách khác, đẳng cấp của một lứa cầu thủ đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, những sự thay đổi, những hệ thống chiến thuật của ông Park đưa ra kiểu gì cũng mang lại thành quả. Nói chúng ta đang gặp thời là ở chỗ đó.
 
Việc được so tài với các đối thủ mạnh, chiến đấu và vượt qua họ trong những thời điểm ngỡ như không thể vượt qua đã khiến cho chúng ta chuyển từ trạng thái nghi ngờ sang tin tưởng, chúng ta có thể làm được, không chỉ một lần mà là nhiều lần. Khi các cầu thủ tin, người hâm mộ tin, bóng đá Việt Nam khác xưa rồi.
 
Những thành tích đó không chỉ là một hoặc hai trận manh mún, mà là cả một quá trình. Sự trưởng thành và đĩnh đạc của lứa cầu thủ này tạo cho chúng ta một cảm giác an tâm. Không còn cảm giác lo âu về những sai lầm bất chợt ở một thời điểm nào đó, nếu đối thủ dẫn trước, ta sẽ gỡ hoà, còn nếu ta vươn lên trước, các đối thủ rất khó để san bằng khoảng cách.
 
Bóng đá nước nhà sẽ có một năm mỹ mãn nếu như đội tuyển quốc gia vượt qua Malaysia sau hai trận chung kết cuối cùng. Với những gì đang diễn ra, không ngạc nhiên khi chúng ta được đánh giá cao hơn đối thủ. Đừng lo sợ về sự chủ quan của các cầu thủ, thầy Park và ban huấn luyện, cũng như các cầu thủ sẽ không cho phép nó xảy ra, chúng ta phải tin tưởng vào điều đó.
 
Trận lượt đi trên một sân vận động với hơn 80.000 khán giả chủ nhà gào thét sẽ không bao giờ là dễ dàng. Nhưng hãy tin là khi trở về Mỹ Đình, chúng ta sẽ có lợi thế trong tay
Đội tuyển Việt Nam: Khi vinh quang đã ở rất gần
Chiếc cúp vô địch AFF lần này sẽ là phần thưởng lớn nhất cho một năm cống hiến không ngừng nghỉ của các cầu thủ. Dẫu biết là rất khó khăn, nhưng hãy tin là họ sẽ làm được, lứa cầu thủ này cần một lần đứng trên đỉnh cao để nhắm đến những mục tiêu xa hơn trong tương lai. Các chàng trai ưu tú của nước Việt, hãy vào sân bằng cả trái tim, giành lấy quả bóng, chiến đấu tới những giọt mồ hôi cuối cùng và trở về nhà với vinh quang đã ở trên vai.
 
- HƯNG TRẦN - (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Inter Milan vs Napoli: Ngày trở về của Antonio Conte

Vòng đấu thứ 11 giải vô địch quốc gia Italia sẽ khép lại bằng trận thư hùng đỉnh cao trên sân Giuseppe Meazza giữa hai đội đang nắm hai vị trí dẫn đầu bảng Seria hiện nay. Hai nhà vô địch trong hai mùa gần nhất sẽ đá trận giáp lá cà trực tiếp để phân định ngôi thứ đồng thời khẳng định tư cách ứng cử viên hàng đầu của mình. Trong trận quyết đấu, sẽ có những tình cảm dành riêng cho Antonio Conte, người đã từng rất được yêu mến ở Inter Milan.

Inter Milan vs Arsenal: Chuyến đi giông bão

Mang quân đến Giuseppe Meazza với biết bao bộn bề lo toan đang gặp phải, liệu Mikel Arteta có thể đưa con tàu Arsenal lành lặn trở về sau chuyến viếng thăm hứa hẹn đầy bất trắc đến thủ đô Italia.

Liverpool vs Bayer Leverkusen: Ngày về của Xabi Alonso

Loạt trận thứ 4 Champions League mùa giải năm nay sẽ chứng kiến trận cầu tâm điểm của vòng đấu khi Liverpool sẽ là những người chủ nhà tiếp đón các nhà đương kim vô địch Bundesliga Bayer Leverkusen trên sân Anfield.

Man Utd vs Chelsea: Quỷ Đỏ vùng lên?

Manchester United cùng với HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy đã có chiến thắng tưng bừng hồi giữa tuần trước Leicester City sau khi chia tay Erik ten Hag. Có vẻ như chiếc lò xo hơn hai năm qua bị nén đã bật tung lên sau sự ra đi của chiến lược gia 54 tuổi người Hà Lan.

Arsenal vs Liverpool: Chờ bản lĩnh Pháo Thủ

Manchester City đã có chiến thắng nhẹ nhàng trước Southampton vào đêm thứ bảy để vượt lên dẫn đầu Premier League, giờ là lúc họ khoanh tay ngồi tận hưởng hai kẻ thách thức Arsenal và Liverpool sống mái một trận ở Emirates trong trận cầu tâm điểm vòng 9 ngoại hạng Anh.

Real Madrid vs Barcelona: Khi El Clasico lại hấp dẫn như xưa

El Clásico luôn là trận cầu kinh điển, lớn nhất và tuyệt vời nhất trên toàn thế giới. Ai ai cũng dõi theo và mọi thứ đều phụ thuộc vào nó. Diễn biến trận đấu luôn được đẩy lên cao trào và chưa bao giờ khiến người hâm mộ thất vọng.

Đức gặp Tây Ban Nha: Một trong những cặp tứ kết hấp dẫn nhất trong lịch sử bóng đá

Thực sự rất khó để xác định được trình độ thật sự của một đội tuyển giữa những giải đấu quốc tế và trong bối cảnh đối đầu với các đối thủ có trình độ khác nhau trong quá trình tham dự giải đấu. Nhưng dựa trên giai đoạn vòng bảng và vòng 1/8 của Euro 2024, thật khó để tin rằng nhiều người không nghĩ Tây Ban Nha và Đức là hai đội tuyển chơi xuất sắc nhất giải đấu.