Tổng thuật Iran vs Nhật Bản
Phút bù cuối hiệp hai, Iran nhồi bóng bổng vào cấm địa Nhật Bản, nhưng trung vệ Ko Itakura đánh đầu hụt còn đối tác Takehiro Tomiyasu không quyết đoán phá bóng. Hậu vệ Hossein Kanani nhanh chân lao vào đẩy bóng một nhịp, trước khi bị Itakura chuồi ngã trong cấm địa. Ngay lập tức, trọng tài người Trung Quốc Ma Ning thổi phạt đền Nhật Bản, giúp các cầu thủ Iran nhảy lên ôm nhau mừng.
Tiền vệ đội trưởng Alireza Jahanbakhsh đá phạt đền, đưa bóng bay căng góc cao bên trái, không cho thủ môn Zion Suzuki cơ hội cản phá. Các cầu thủ dự bị Iran ùa vào sân chia vui với Jahanbakhsh, bởi bàn thắng đó giúp Iran vượt lên dẫn 2-1, khi thời gian trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Màn ngược dòng trong hiệp hai đưa Iran vào bán kết lần thứ hai liên tiếp, và trả món nợ thua Nhật Bản tại bán kết kỳ trước.
Nhật Bản chơi nhỉnh hơn trong hiệp một và dẫn trước, nhưng bị áp đảo suốt hiệp hai. Riêng trong hiệp hai, Iran dứt điểm 10 lần, gấp 2,5 lần đối thủ. Đại diện Tây Á tận dụng tốt cả hai cơ hội nguy hiểm nhất của họ để ghi bàn, trong khi đoàn quân của Hajime Moriyasu không tạo ra tình huống nào đáng chú ý trong thời gian này.
Cả trận, Nhật Bản cũng chỉ tạo ra một cơ hội nguy hiểm, và họ tận dụng thành công để mở tỷ số ở phút 28. Tiền đạo Ayase Ueda làm tường, gạt bóng cho Hidemasa Morita lao tới từ bên trái. Tiền vệ này đẩy bóng qua ba cầu thủ Iran để vào cấm địa, trước khi sút chìm trúng chân thủ môn Alireza Beiranvand vào lưới.
Morita đang chơi cho CLB Sporting ở Bồ Đào Nha, và anh mừng bàn giống tiền đạo Viktor Gyokeres của CLB này, bằng cách đan các ngón tay đặt lên trước mặt. Còn hậu vệ Iran tỏ ra thất vọng, trách nhau sau bàn thua.
Tuy nhiên, đội giàu truyền thống nhất giải chỉ làm được đến vậy. Iran không cần giữ bóng nhiều hơn, vẫn tạo ra cơ hội dồn dập lên cầu môn đối phương. Phút 55, các cầu thủ Nhật Bản mất bóng ở phần sân nhà, tạo điều kiện cho trung phong Sardar Azmoun chọc khe để tiền vệ Mohammad Mohebi lao xuống đối mặt, và sút chìm chéo góc hạ gục thủ môn Zion Suzuki. Iran cũng phung phí nhiều cơ hội trước khi ghi bàn quyết định ở phút cuối.
Nhật Bản không thể giữ sạch lưới ở cả năm trận tại Asian Cup 2023, dù họ trước đó họ thắng liên tiếp 11 trận. Đội tuyển số một châu Á theo bảng thứ tự FIFA thua hai trận tại giải, trước Iraq và Iran. Tương lai của Moriyasu sẽ trở nên bấp bênh sau thất bại này, còn Iran hướng tới chức vô địch đầu tiên sau 48 năm. Đối thủ của họ tại bán kết là Qatar hoặc Uzbekistan.
Dù bị loại, cầu thủ Nhật Bản vẫn nán lại sau trận, cầm một băng-rôn có biểu ngữ cảm ơn khán giả, đi vòng quanh sân rồi cúi gập đầu. Các khán giả cũng không bỏ về, mà vẫn nán lại động viên thầy trò Moriyasu.
Còn khán giả Iran dĩ nhiên cũng nán lại chia vui với thầy trò Amir Ghalenoei. Trong lúc mừng, tiền đạo Ali Gholizadeh bế cả con trai nhỏ vào sân và giơ lên cao. Nhiều cầu thủ khác bật khóc, khi họ bị đánh giá thấp hơn trước khi trận đấu diễn ra. Nhưng lúc này, Iran lại có nhiều khả năng vô địch, và chỉ cách vinh quang hai trận nữa.
Thông tin trước trận đấu
Tổng quan Iran vs Nhật Bản
Iran đụng độ Nhật Bản ngay tại tứ kết Asian Cup 2023. Cả hai đội tuyển đều là các ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch giải đấu năm nay. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là đội tuyển được đánh giá cao hơn so với đối thủ khi sở hữu hàng loạt các ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu.
Iran là 1 trong 3 đội giành trọn 3 chiến thắng ở vòng bảng cùng với chủ nhà Qatar và Iraq. Điều này cũng phần nào khẳng định được sự ổn định trong phong độ cũng như sức mạnh của đại diện đến từ khu vực Trung Đông. Dẫu vậy, họ vẫn có một trận đấu vô cùng vất vả trước đội tuyển Syria tại vòng 16 đội. Đó là trận đấu mà các cầu thủ Iran phải nhờ đến loạt sút luân lưu cân não mới có thể đánh bại đối thủ.
Phía bên kia, Nhật Bản năm nay thể hiện không đạt như kỳ vọng mong đợi trước thềm giải đấu. Với sức mạnh hiện hữu của mình, Nhật Bản nên chiếm thế thượng phong áp đảo trong bảng D với các đối thủ yếu hơn. Tuy nhiên, nhìn chung thì các ‘Samurai xanh’ vẫn thể hiện được vị thế số 1 châu lục của mình qua các chiến thắng. Đánh bại Bahrain nhẹ nhàng với tỉ số 3-1 là bước đà hoàn hảo cho Nhật Bản trước khi bước vào cuộc đấu với Iran.
Theo thống kê, Nhật Bản là đội có lợi thế hơn so với Iran về thành tích đối đầu. Cả hai đội gặp nhau tổng cộng 5 lần và Nhật Bản giành được 2 chiến thắng so với 1 của Iran. Chênh lệch là không nhiều và Iran chưa bao giờ là đối thủ dễ bắt nạt trong khu vực. Đây sẽ là thử thách thật sự đầu tiên cho đoàn quân của HLV Moriyasu.
Đội hình xuất phát Iran vs Nhật Bản
Iran (4-2-3-1): Alireza Beiranvand (1), Ramin Rezaeian (23), Hossein Kanani (13), Shojae Khalilzadeh (4), Milad Mohammadi (5), Omid Ebrahimi (8), Saeid Ezatolahi (6), Alireza Jahanbakhsh (7), Saman Ghoddos (14), Mohammad Mohebi (21), Sardar Azmoun (20)
Nhật Bản (4-3-3): Zion Suzuki (23), Seiya Maikuma (16), Ko Itakura (4), Takehiro Tomiyasu (22), Hiroki Ito (21), Takefusa Kubo (20), Wataru Endo (6), Hidemasa Morita (5), Ritsu Doan (10), Ayase Ueda (9), Daizen Maeda (25)
Thay người |
90’ | Sardar Azmoun Karim Ansarifard | 67’ | Daizen Maeda Takumi Minamino |
90’ | Saman Ghoddos Roozbeh Cheshmi | 67’ | Takefusa Kubo Kaoru Mitoma |
90’ | Mohammad Mohebi Mahdi Torabi | 90’ | Ritsu Doan Takuma Asano |
| | 90’ | Hidemasa Morita Mao Hosoya |
Cầu thủ dự bị |
| Payam Niazmand | | Daiya Maekawa |
| Shahriar | | Kaishu Sano |
| Karim Ansarifard | | Tsuyoshi Watanabe |
| Reza Asadi | | Yuta Nakayama |
| Roozbeh Cheshmi | | Takuma Asano |
| Mahdi Torabi | | Koki Machida |
| Ali Gholizadeh | | Keito Nakamura |
| Ehsan Hajsafi | | Mao Hosoya |
| Arya Yousefi | | Takumi Minamino |
| Saman Fallah | | Kaoru Mitoma |
| Mehdi Ghayedi | | Shogo Taniguchi |
| Hossein Hosseini | | Yukinari Sugawara |