Đức: Gnabry (15); Havertz (22)
Argentina: Alario (66); Ocampos (85)
Tổng hợp: Đức 2-2 Argentina Lần gần nhất Đức chạm trán Argentina trong một giải đấu chính thức đã cách đây 5 năm: chung kết World Cup 2014, nơi Mario Gotze ghi bàn thắng vàng trong hiệp phụ để mang về vinh quang cho người Đức. Dĩ nhiên sau 5 năm, đã có quá nhiều đổi thay. Phần lớn cầu thủ ra sân trong trận đấu đó hoặc đã giải nghệ hoặc giã từ ĐTQG.
Argentina đã thay đến 5 HLV kể từ sau thất bại cay đắng trước người Đức. Từ Alejandro Sabella, Gerardo Martino, Edgardo Bauza, Jorge Sampaoli cho tới Lionel Scaloni của hiện tại, tất cả đều không thoát khỏi sự phụ thuộc vào thiên tài kiệt xuất Lionel Messi. Nhưng chính vì thế khiến Albiceleste hầu như giậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là đi xuống.
Đức vs Argentina |
Độ tuổi của các đời HLV trưởng Argentina có xu hướng trẻ hóa, nhưng lối chơi vẫn cũ kỹ một màu. Chiến lược gia 41 tuổi Scaloni chưa để lại được dấu ấn nào rõ nét từ khi lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái. Ông sử dụng tới 60 cầu thủ trong một năm qua, nhưng chỉ làm hình ảnh Argentina thêm phần lộn xộn. Thất bại 0-2 trước Brazil tại bán kết Copa America 2019 phản ánh chân thực đẳng cấp của Albiceleste lúc này.
Trái ngược với Argentina, Đức vẫn trung thành với Joachim Loew. Nhưng chiến lược gia 59 tuổi không rút vào vỏ ốc bảo thủ của một ông già. Trong sức ép từ LĐBĐ Đức sau thất bại ở World Cup 2018 (đứng bét bảng), Joachim Loew đã thực hiện cuộc trẻ hóa khá mạnh tay khi loại các ông thần Boateng, Hummels, Mueller. Thế hệ mới có độ tuổi trung bình không quá 24 được đóng vai chính tại vòng loại EURO 2020. Kết quả, Đức đang dẫn đầu bảng C vòng loại EURO 2020 với 12 điểm sau 5 trận. Có thể nói, Joachim Loew đang đi đúng hướng trong công cuộc tái thiết Cỗ xe tăng.
Đợt tập trung này, cơn bão chấn thương (một loạt hảo thủ quen thuộc như Toni Kroos, Draxler, Leroy Sane, Rudiger, Ginter, Goretzka,...vắng mặt) chính là cơ hội để Joachim Loew tiếp tục trẻ hóa nhất là khi sau trận giao hữu với Argentina thì Đức cũng chỉ phải chạm trán Estonia nhỏ bé ở vòng loại Euro 2020. Vị thuyền trưởng Mannschaft đã triệu tập một số tân binh và trước Argentina, ông đã trình làng hai người: hậu vệ Robin Koch cùng tiền đạo Luca Waldschmidt. Cả hai cùng sinh năm 1996, đều đang khoác áo Freiburg.
Gnarby (phải) mở tỷ số trận đấu và kiến tạo bàn thứ 2 |
Koch sẽ dá trung vệ bên cạnh Sule, thủ lĩnh mới của hàng phòng ngự tuyển Đức trong khi Waldschmidt chơi cao nhất trên hàng công với sự hỗ trợ của Serge Gnarby đang đạt phong độ cao ở Bayern Munich cùng Brandt của Dortmund. Ở tuyến giữa có sự hiện diện của Kai Havertz, thành viên trẻ nhất Mannschaft đợt này (sinh năm 1999) nhưng đã có 5 trận khoác áo ĐTQG.
Về phần Argentina thì Albiceleste thiếu cả Messi, Aguero lẫn Di Maria nên HLV Scaloni đành trông cậy vào Dybala cùng Lautaro Martinez, hai tiền đạo đều đang chơi bóng ở Serie A. Trong đó Lautaro Martinez trẻ hơn nhưng lại đang có phong độ tốt hơn đồng thời thành tích ở ĐTQG cũng tốt hơn hẳn (9 bàn sau 13 trận trong khi Dybala mới ghi được 2 bàn sau 22 trận). Tại trung tuyến, Paredes ngồi dự bị triền miên ở PSG nhưng vẫn phải cáng đáng còn thủ lĩnh phòng ngự Otamendi đang rớt phong độ thảm hại tại Man City.
Ngoài ra, trong danh sách xuất phát của Argentina có một cái tên đáng chú ý: Marcos Rojo - cầu thủ duy nhất của hai đội tuyển từng góp mặt ở chung kết World Cup 2014. Tuy nhiên Rojo giờ chỉ là người thừa ở Man Utd. Với sự chênh lệch về mặt lực lượng cũng như phong độ, lại cộng thêm yếu tố sân nhà thì không có gì ngạc nhiên khi người Đức tỏ ra lấn lướt các vị khách tới từ xứ Tango.
Hiệp 1 hoàn toàn thuộc về người Đức |
Cơ hội đáng kể đầu tiên của trận đấu đến vào phút 15 khi Brandt thoát xuống đối mặt với thủ môn Marchesin nhưng phần thắng thuộc về thần gác đền đang chơi bóng ở Porto (BĐN). Ngay sau đó, Mannschaft vươn lên dẫn trước. Klostermann nỗ lực dẫn bóng và căng ngang từ cánh phải cho Serge Gnarby. Tiền vệ sinh năm 1995 có cú chạm cực kỳ tinh tế để loại bỏ sự truy cản của 4 hậu vệ đối phương vây quanh rồi nhẹ nhàng hạ gục nốt chốt chặn cuối cùng Marchesin.
Cần nhớ rằng đây đã là bàn thứ 10 của Gnarby chỉ sau 11 lần khoác áo ĐTQG, thành tích quá đỗi ấn tượng với một cầu thủ từng bị Arsenal đánh giá "hết tiềm năng phát triển" nhưng giờ đang vươn mình thành một ngôi sao lớn ở CLB Bayern Munich lẫn ĐTQG. Cũng chỉ đến phút 22, cách biệt được gia tăng. Người Đức tổ chức phản công nhanh sau khi lấy được bóng từ pha xử lý của Marcos Rojo và lần này Gnarby trở thành nhà kiến tạo với pha căng ngang vừa tầm vào giữa vòng cấm địa cho Kai Havertz dứt điểm tung nóc lưới Argentina.
Càng dẫn bàn, đội chủ nhà càng chơi thanh thoát trong khi Argentina tỏ ra lóng ngóng và hỗn loạn đến tội nghiệp. Lautaro Martinez hay Dybala gần như vô hại trên hàng công, phần nhiều do họ đói bóng. Phút 31, Đức được hưởng quả đá phạt cách cầu môn Argentina khoảng 30m và hậu vệ trái Halstenberg suýt tạo ra siêu phẩm nếu như bóng cuối cùng không chạm vào xà ngang một cách đáng tiếc. Không lâu sau đó, người Argentina mới có màn đáp trả thích đáng đầu tiên đến từ cú sút xa bằng mu lai má trúng cột dọc của Rodrigo De Paul - tiền vệ khoác áo Udinese tại Serie A.
Alario vào sân trong hiệp 2 đã tỏa sáng với thành tích hệt như Gnarby bên phía Đức (1 bàn, 1 kiến tạo) để giúp Argentina gỡ hòa thành công |
Khoảng thời gian cuối hiệp 1, Argentina thi đấu khá khẩm hơn để không còn quá lép vế đội chủ nhà nhưng không đủ để đảo ngược tình thế. Trước giờ nghỉ giải lao, Kimmich đá phạt nhanh để mang đến cơ hội cho Gnarby nhưng cú đá chéo góc của cầu thủ sinh năm 1995 đã chệch cột dọc. Sau giờ nghỉ giải lao, cục diện vẫn hoàn toàn trong tay Mannschaft nhưng có vẻ người Đức chủ trương đá giữ sức. Họ chơi chậm chắc, chú trọng vào kiểm soát bóng và bảo vệ cầu môn thay vì ghi thêm bàn thắng.
Phút 55, từ một đường phản công, Kai Havertz mang đến cơ hội an bàn cho Emre Can song tiền vệ thuộc biên chế CLB Juventus đã không thắng được thủ môn đối phương. Phút 62, HLV Scaloni có sự điều chỉnh mang tính chiến thuật khi Lucas Alario, tiền đạo đang khoác áo Leverkusen tại Bundesliga, được đưa vào sân thay Dybala. Alario sở hữu chiều cao khá lý tưởng (1m84) với một trung phong cắm và có khả năng không chiến tốt đồng nghĩa Albiceleste sẽ đánh biên nhiều hơn.
Quả thực, chính chân sút đã 27 tuổi này mang về bàn rút ngắn tỷ số cho Argentina khi bật cao thực hiện cú lắc đầu hiểm hóc đưa bóng về góc xa trong sự bất lực của Stegen. Trước đó, một cầu thủ vào sân thay người khác, Acuna đã có quả tạt thuận lợi từ cánh trái. Dù cách biệt chỉ còn 1 bàn song HLV Loew có vẻ không quá bận tâm. Phút 66, ông đưa ra sân một tân binh khác: Nadiem Amiri - đồng đội của Alario ở Leverkusen và sau đó, gương mặt mới cuối cùng trong đợt tập trung này của tuyển Đức, Suat Serdar được trao cơ hội.
Những sự điều chỉnh nhân sự của HLV Scaloni trong hiệp 2 đều phát huy hiệu quả |
Phút 77, lại là Alario vung chân sút nhanh và nếu bóng không chạm vào người một cầu thủ chủ nhà rồi đi ra ngoài thì Stegen đã phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng rồi đến phút 85 thì cách biệt được san bằng. Lại là Alario nỗ lực dẫn bóng vào vòng cấm địa tuyển Đức và đẩy nhẹ cho Ocampos thực hiện cú đặt lòng. Bóng khẽ chạm vào người Emre Can và Stegen thêm một lần bó tay. Ocampos cũng được vào sân trong hiệp 2 và đây chính là trận đầu tiên trong màu áo ĐTQG của tiền vệ khoác áo Sevilla.
2-2 cũng là tỷ số chung cuộc của trận đấu giao hữu, một kết cục đẹp làm hài lòng tất cả. Dĩ nhiên Đức nuối tiếc đôi chút vì họ để tuột mất chiến thắng song cần lưu ý chính họ không quá đặt nặng vấn đề thắng - thua bởi nếu trong hiệp 2, họ vẫn chơi với cường độ như trong hiệp 1 thì có lẽ các vũ công Tango khó có cửa bật lại.
ĐỘI HÌNH THI ĐẤU
ĐỨC (4-3-3): Marc-Andre ter Stegen; Lukas Klostermann, Robin Koch, Niklas Sule, Marcel Halstenberg; Emre Can, Joshua Kimmich, Kai Havertz; Serge Gnabry (Suat Serdar 72'), Luca Waldschmidt, Julian Brandt (Nadiem Amiri 66').
ARGENTINA (4-3-3): Augustin Marchesin; Juan Foyth, Nicolas Otamendi, Marcus Rojo (Acuna 46'), Nicolas Tagliafico; Roberto Pereyra (Saravia 76'), Leandro Paredes, Rodrigo De Paul; Angel Correa (Ocampos 46'), Lautaro Martinez, Paulo Dybala (Alario 62').
Công Minh (TTVN)